Quanh bé đều là những tấm gương

ANTĐ - Cứ vào những lúc bác giúp việc nhà anh Hùng dẫn bé nhong nhong đi khắp khu tập thể để bón ăn, mọi người lại nghe thấy giọng sang sảng: 

- Há mồm ra, nào, ngoan, há!!! Bố sư bé! Ngoan, ngậm mồm vào nào. Ngậm!

Trong lúc chăm bé, bác giúp việc hay buôn chuyện với hàng xóm xung quanh, ai nghe được cũng không khỏi giật mình: 

- Ôi tổ sư, nó khôn lắm ý, thấy có hàng nào đi qua là nhại được ngay.

Giữa sân khu tập thể, tiếng thét inh tai của người giúp việc cũng chẳng lạ khi cháu bé lỡ nghịch đất: 

- Bỏ ngay cái đấy ra! Bẩn! Bỏ! Mau!…

Sau một thời gian, nhiều đứa trẻ bắt đầu có lời ăn tiếng nói mang hơi hướng của người giúp việc, từ việc nói trống không, nói tục cho tới những kiểu hét, gằn. Nhưng, nhiều cặp vợ chồng trẻ như anh Hùng lại chẳng nhận ra, vì cho đó chỉ là biểu hiện bình thường của trẻ. Thậm chí, người trong nhà còn hào hứng khi nghĩ: bé nhà mình “khôn”, biết bộc lộ cảm xúc, không bị tự kỷ là tốt rồi…

Và kết quả là sau quãng thời gian bập bẹ, nhiều trẻ dần biết… nói ngọng “bố, bà, mẹ, lày lày…”, nói gắt, nói gằn. Khi đó, việc uốn nắn cũng trở nên khó hơn trước rất nhiều.

Người giúp việc hiện diện hàng ngày nên có tác động không nhỏ lên sự phát triển của con trẻ. Lựa chọn được người giúp việc có tính cách nhẹ nhàng, chu đáo, với lời ăn tiếng nói được tin là có khả năng định hướng tốt cho trẻ, dường như là việc không thể.

Dù vậy, bố mẹ không nên khoán trắng, đặt hết mọi việc chăm sóc con cái vào tay người giúp việc. Điều nên làm là bố mẹ dành thời gian chơi với con, khéo léo quan sát biểu hiện của bé, để kịp thời uốn nắn, điều chỉnh cho phù hợp. Hễ có khúc mắc, ta nên cùng trao đổi và đề nghị người giúp việc cùng hợp tác để giảm thiểu những tác động không mong muốn tới trẻ nhỏ. Bởi, suy cho cùng, trẻ nhỏ luôn dễ bắt chước. Mọi thứ quanh bé đều là những tấm gương!