Quản trị kém, startup dễ rơi vào cảnh… "sớm nở tối tàn"

ANTD.VN - Tôi đã từng trải qua cảm giác thất bại đắng cay khi mở startup về dịch vụ truyền thông. Nguyên nhân thất bại, có lẽ giống như hầu hết những startup thất bại khác, là chỉ nhìn vào khả năng chuyên môn của mình mà không ý thức được vai trò quan trọng của quản trị doanh nghiệp, khiến mô hình startup khi vừa phát triển quy mô thì lập tức… bị lỗi. Bởi vậy, khi nghe CEO Tân Hiệp Phát nói rằng: “Quản trị kém, không thất bại, cũng… thất thoát!”, tôi đã tâm đắc tới độ viết riêng một bài về câu chuyện “sớm nở tối tàn” của startup.

Startup thành công theo kiểu… “sớm nở tối tàn”

Sau một thời gian làm việc cho công ty về truyền thông, tôi khá ngỡ ngàng khi chứng kiến năng lực của họ chỉ ở mức tầm tầm, nhưng lượng khách hàng thu hút lại rất đáng kể.

Khi đó, cho rằng khả năng chuyên môn của bản thân hoàn toàn có thể đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường, cộng thêm một số mối quan hệ để thực hiện các mảng việc kinh doanh, truyền thông, tôi đã quyết định nghỉ việc để “ra riêng” và bắt đầu với startup là dịch vụ truyền thông của mình, trong đó cung cấp các gói làm nội dung (viết bài PR, nội dung website) và tổ chức sự kiện.

Ban đầu, điều khó khăn nhất là tìm kiếm khách hàng để có nguồn thu. Nhờ những nỗ lực miệt mài của cả đội ngũ, các đơn hàng dần dần xuất hiện. Từ những hợp đồng giá trị nhỏ lẻ, chỉ khoảng vài triệu đồng, rồi tới các bản hợp đồng lớn hơn, đến vài chục triệu đồng, và hơn thế nữa… Đó là giai đoạn mà tôi tự cho mình đã thành công, và không nghĩ mọi thứ lại thuận lợi đến như vậy.

Nhưng rồi khi các đơn hàng xuất hiện đồng thời, bài toán mới mà tôi phải giải quyết là tăng cường nguồn nhân lực để đáp ứng, vì những nhân lực đã có bị quá tải. Những trắc trở của quá trình phát triển quy mô startup bắt đầu xuất hiện: Làm sao tuyển dụng nhân sự chất lượng cao trong thời gian ngắn? Đi qua giai đoạn “căng thẳng” đơn hàng, làm sao “nuôi” bộ máy nhân lực đông hơn trước? Quản trị chất lượng như thế nào để đảm bảo các dự án lớn có thể chạy song song mà vẫn hiệu quả?...

Đó thực sự là bài toán đau đầu, khiến tôi loay hoay xoay xở và không tìm ra được lời giải phù hợp. Rồi điều gì phải đến cũng đến! Các nhân viên làm nội dung “ghen tị” nhau về dự án, ai cũng muốn nhận dự án dễ làm và khách hàng đỡ khó tính hơn, một số nhân viên chủ lực bất mãn vì bị quá tải công việc, do mọi vấn đề từ khó tới dễ đều “đổ đầu” nhóm này.

Và đáng ngại hơn, là trước đây, khi có 1-2 dự án lớn, toàn bộ đội ngũ cùng chung sức làm và thấy rõ hiệu quả, nhưng khi phải “ôm” lượng dự án nhiều hơn thế, tất cả đều loay hoay, không bố trí nguồn lực phù hợp. Kết quả là tôi đã liên tiếp phải nhận những cái lắc đầu không hài lòng từ một loạt khách hàng, đối tác, thậm chí có những khách hàng “ruột” ngay từ đầu. 

Trong cảnh khó khăn, thêm một vài hợp đồng đổ bể vì những điều khoản “thòng” bất lợi cho phía tôi và dịch vụ. Vậy là chỉ sau vài năm căng sức, tất cả giải tán vì sự xộc xệch của cả đội ngũ trong một bộ khung quá khổ… Khi đó, dù rất buồn, tôi nhận ra mình quá thiếu sót khi nóng vội mở rộng quy mô hoạt động, dù kỹ năng và kiến thức quản trị doanh nghiệp còn rất ít ỏi.

Lời khuyên của người sáng lập Tân Hiệp Phát

Trong một chia sẻ gần đây, ông Trần Quí Thanh - người sáng lập, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát - đã nói một điều chắc chắn khiến nhiều người quan tâm startup cảm thấy tâm đắc: “Quản trị kém, không thất bại, cũng… thất thoát!”. 

“Chúng ta mới tiếp cận với kinh tế thị trường, khác với các quốc gia đã có nền kinh tế thị trường hàng trăm năm, cho nên còn có khoảng cách rất xa về trình độ quản trị. Họ có thể quản trị được những tập đoàn đa quốc gia, xuyên biên giới, có hàng trăm chi nhánh và hàng triệu lao động. Chúng ta không có gì để so sánh khi Việt Nam chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường. Chính vì quản trị kém nên nhiều doanh nghiệp tan hoang, để lại những món nợ khổng lồ hay làm thất thoát hàng tỉ USD…”, người đứng đầu Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã chia sẻ như thế khi nói về vai trò của quản trị đối với doanh nghiệp.

Ông Trần Quí Thanh cũng cho rằng: Quản trị kém còn do yếu tố không minh bạch trong nhân sự lãnh đạo, có người giữ chức quản lý nhưng không có thực quyền, “giám đốc giấu mặt” đứng sau lưng điều hành hay can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sự tham gia của cổ đông để giúp Hội đồng quản trị là vô cùng cần thiết. Đa số cổ đông chỉ quan tâm đến chia cổ tức, cứ có lời để chia là tốt, nhưng không nghĩ rằng, mình phải có vai trò trong việc hỗ trợ cho Hội đồng quản trị để họ có tác động tích cực đến ban điều hành.

Bởi thế, những cổ đông lớn, cổ đông chiến lược phải có trách nhiệm đóng góp ý kiến, tham mưu cho Hội đồng quản trị. Muốn làm tốt việc này, không phải là tới kỳ họp thì đứng lên phát biểu ngẫu hứng, mà cần có quá trình nghiên cứu, tập hợp thông tin, phân tích thị trường và thực trạng điều hành của doanh nghiệp để có những ý kiến xác đáng.

Bên cạnh đó, ở vị trí giám đốc điều hành, theo ông Trần Quí Thanh, cần phải chủ động liên hệ, kết nối với các nhà đầu tư và thuyết phục họ bằng những phân tích thị trường với tư cách là một chuyên gia kinh tế. Nếu làm được như thế, startup sẽ có nguồn vốn vững vàng để mở rộng quy mô một cách chắc chắn, cũng như có thêm nguồn hỗ trợ, tư vấn chất lượng cao từ nhà đầu tư.

Từ những điều được nghe và hiểu đó, tôi tự ngẫm lại sự thất bại trong quá khứ với startup đầu tay. Nếu như khi đó, được gặp những CEO giàu kinh nghiệm như Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, sẵn lòng sẻ chia, khích lệ startup mạnh mẽ như hiện nay, thì có lẽ tôi đã không phải nuối tiếc nhìn mô hình kinh doanh của mình “sớm nở tối tàn” như vậy!

CEO Trần Quí Thanh: Các bạn trẻ đừng “cố sống, cố chết” làm một ông chủ
Quản trị kém, startup dễ rơi vào cảnh… "sớm nở tối tàn" ảnh 2

Khởi nghiệp không phải là lao ra thành lập một công ty buôn bán, làm ăn, “cố sống, cố chết” làm một ông chủ. Cực kỳ sai lầm! Muốn khởi nghiệp cần có một sự chuẩn bị về bản thân, tích lũy đầy đủ tiêu chuẩn, chuẩn mực, bài bản. Cách kêu gọi hiện nay mang tính phong trào hơn là trọng thực chất, một người khởi nghiệp thành công còn hơn vạn người khởi nghiệp mà chẳng nên cơm cháo gì.

Để điều hành một doanh nghiệp, cần có những kiến thức, kinh nghiệm về quản trị kinh doanh, hiểu biết pháp luật căn bản. Vì vậy, các bạn trẻ cần đi làm ở một doanh nghiệp, vừa làm việc, được nhận lương, lại vừa học tập từ thực tế, đúc kết kinh nghiệm cho mình, cái đó đã là bắt đầu cho một sự khởi nghiệp. Hãy “định vị” mình là ai trước khi khởi nghiệp.

Những lý do startup thất bại

Dưới đây, là những lý do startup thất bại, theo nghiên cứu của hãng Statista (Đức).

42%: Thị trường không cần đến

29%: Hết tiền

23%: Nhân sự không thích hợp

19%: Cạnh tranh không lại

18%: Gặp vấn đề tài chính

17%: Sản phẩm tệ

17%: Thiếu mô hình kinh doanh

14%: Tiếp thị kém cỏi

14%: Không quan tâm đến khách hàng

13%: Sản phẩm ra đời chưa phù hợp thời điểm

13%: Thiếu tập trung

13%: Nội bộ không hòa hợp/ Không hòa hợp với nhà đầu tư

10%: Người chủ chốt không mạnh

9%: Thiếu đam mê

9%: Chọn sai vùng phủ

8%: Không được nhà đầu tư nào quan tâm

8%: Vấn đề pháp lý

8%: Không biết sử dụng mối quan hệ hay các cố vấn

8%: Thất bại toàn tập

7%: Thất bại trong tìm chỗ đứng.

  (Theo Forbes)