Quan tham “ăn bẩn” nhân dịch cúm gà

ANTĐ - Tháng 9-2013, một trong những quan chức cấp cao của Indonesia đã bị đưa ra xét xử về tội tham nhũng. Ratna Dewi Umar, cựu Vụ trưởng thuộc Bộ Y tế Indonesia hôm 2-9 đã bị kết án 5 năm tù vì đã “làm giá” trong các dự án mua sắm thiết bị y tế nhằm ứng phó với dịch cúm gia cầm giai đoạn 2006-2007, dẫn đến gây thiệt hại công quỹ nhà nước 1,2 triệu USD.

Cựu quan chức y tế Indonesia tại phiên tòa hôm 2-9

Lợi dụng đại dịch để làm giàu

Tòa án tham nhũng tại Jakarta kết luận, bị cáo phạm vào Điều 3 của Luật Chống tham nhũng, đồng thời yêu cầu Ratna nộp phạt 500 triệu rupiah (45.000 USD), nếu không đủ khả năng nộp phạt, bị cáo sẽ chịu thêm 3 tháng tù giam. Trước đó, năm 2010, Ratna chính thức bị khởi tố với các cáo buộc từ thông đồng với các nhà cung cấp để nâng giá thiết bị đến gây thất thoát công quỹ trong các dự án mua sắm vật tư y tế.

Năm 2007, các quan chức y tế Indonesia đã phải vật lộn để kiểm soát sự bùng phát của virus cúm gia cầm H5N1 bởi thời điểm đó, nước này đứng hàng đầu danh sách quốc gia chịu tổn thất nặng nề nhất của virus cúm H5N1. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, những năm đó, tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân Indonesia mắc cúm H5N1 ở mức trên 78%, thậm chí đỉnh điểm có lúc lên tới 159 trong 359 trường hợp tử vong trên toàn thế giới. 

Trong khi Indonesia lo ngại sẽ phải đối mặt với nguy cơ bùng phát thành đại dịch trên cả nước, bà Ratna với vị thế Vụ trưởng Vụ Dịch vụ Y tế đã “chớp” cơ hội làm ăn. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng làm rõ, số máy thở trang bị cho trung tâm ứng phó khủng hoảng do Bộ Y tế nước này thành lập đã được bà Vụ trưởng chỉ đích danh nhà thầu phụ Prasasti Mitra cung cấp. Công ty này có liên quan đến gia đình thương gia vốn giàu có nhất nhì Indonesia. 

Trong quá trình điều tra, đại diện một số công ty trúng hợp đồng cung cấp thiết bị này với Bộ Y tế Indonesia cho hay, muốn có hàng, họ phải làm việc với Prasasti Mitra vì đây là nhà phân phối độc quyền loại máy thở của Đức đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng mà Bộ quy định.

Lo ngại về dịch cúm gia cầm bùng phát năm 2007, Indonesia sẵn sàng ứng phó trước đại dịch

Tưởng rơi vào bế tắc...

Vụ bê bối này được phanh phui sau thời điểm dịch cúm gia cầm H5N1 tạm thời lắng xuống nhưng nó vẫn rất được dư luận quan tâm bởi liên quan đến lĩnh vực mua sắm, tài chính công. Thường thì các quan chức chỉ ra mệnh lệnh ngầm nên khó có bằng chứng, khiến nhiều vụ án tham nhũng rơi vào bế tắc, nhưng trong phiên tòa này, thẩm phán đã thu thập đủ bằng chứng chứng minh các cá nhân đã lợi dụng quyền hạn như thế nào, các bên trúng thầu đã ăn chia lợi nhuận bao nhiêu, khiến công quỹ lạm dụng ra sao.

Ngoài Ratna, vụ án tham nhũng này liên quan đến khá nhiều quan chức cấp cao, trong đó có cả bà Siti Fadilah Supari, cựu Bộ trưởng Y tế dưới thời Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono.  Trong phiên xử hôm 2-9, bị cáo Ratna vẫn cho rằng mình vô tội, đồng thời đổ lỗi cho Bộ trưởng Y tế khi ấy, bà Siti Fadilah Supari là người điều hành mọi việc. “Tôi chỉ làm theo lệnh cấp trên, tôi không cố tình tham nhũng như cáo buộc”.

Cơ quan chống tham nhũng của Indonesia đã 2 lần thẩm vấn bà Siti Fadilah Supari vào tháng 11-2011 và tháng 3- 2012 do liên quan đến các cáo buộc của vụ bê bối này nhưng sau đó được Ủy ban Chống tham nhũng đưa ra khỏi dạng nghi vấn. Hiện bà Supari là thành viên trong Hội đồng cố vấn của Tổng thống SBY.