Quan họ dành cho nhau

ANTĐ - 1.Ai đó từng bảo rằng, khi dòng sông “chạm” vào một dải đất quá cứng hoặc quá mềm, sông phải chuyển dòng. Chẳng biết con sông Cầu có chảy theo quy luật đó không? Hay là bởi, đã quá mệt mỏi qua một cuộc hành trình gian nan nên gần tới đầu làng Nội, nơi có những lớp đất mấy trăm năm đã thấm ngấm “phù sa” quan họ, sông chẳng thể vô tình trôi xuôi, đành “mềm lòng” lượn một đường cong như dải lụa đào. 

Đứng bên này trông sang, dòng sông như khép mình. Chiều đông đang ngắn dần, mưa bụi xóa nhòa những nét thô kệch, khô cứng của bê tông, mái bằng. Ngỡ sông như vuông lụa nâu sồng buộc hờ, thắt đáy lưng ong cô thôn nữ chân quê đất quan họ Bắc Ninh…

Trước giờ vào hội

Quan họ đẹp óng chuốt và sang trọng, bảo rằng đấy chẳng qua chỉ là những làn điệu, những câu hát như bao vùng dân ca trải dài suốt mọi miền đất nước, tức là mới chỉ bóc cái lớp vỏ ngoài. Quan họ là cả một dòng không có bờ cho người ta khỏa tắm, tẩy rửa tâm hồn. Đằng sau những liền anh, liền chị là con trai, con gái và cả đám trẻ nhỏ truyền cho nhau câu hát, cất giữ và ủ “men” quan họ cho đời và cho mình. Nhiều người lặn lội đến làng Nội thật ra là vì quan họ. Cái doi đất nhỏ nhoi như một tà áo, lại là khúc chót cùng của cả vùng quê quan họ. Cho nên, bao nhiêu phù sa sông Cầu cùng những chất tinh túy nhất, cổ xưa nhất của mấy trăm làn điệu quan họ đều lắng lại, kết đọng ở đây. Dù yêu thương làng mình đến mấy, người làng lụa cũng tự biết đất này chẳng những không hơn gì mà còn có phần thua lép hơn những làng bên. Thuở xưa không có người làm quan cho cả họ được nhờ. Văn chương chữ nghĩa cũng chẳng để làm gì, rốt cuộc rồi lại đi cấy, đi cày, chân lấm tay bùn. Thời nay đâu có hơn gì. Khi mọi nhà, mọi làng đều mở cửa chạy chợ, người làng Nội vẫn cứ quanh năm quẩn quanh với rơm rạ, ruộng đồng.

Người đã thế, cảnh sắc càng hiu hắt hơn. Không thấy phất phơ tre pheo bên lũy tre làng. Cũng chẳng giếng khơi hay ao bán nguyệt phủ bèo hoa dâu cho gái trai khỏa trăng long lanh đáy nước. Duy nhất để nhớ về nơi này là khúc sông sát ven làng có cây đa cổ thụ tỏa bóng trăm năm trùm mát mái đình, cong cong mũi hài. Đầu đường đất dẫn vào làng là những bậc đá dẫn xuống sát mép nước. Những phiến đá đen tuyền, rộng cỡ tấm phản, manh chiếu đã mòn dấu chân người làng và khách thập phương. Bất cứ đi đâu về, trước khi bước vào làng không ai bảo ai, từ đứa trẻ tới cụ già thất thập đều bước xuống bậc đá khỏa chân. Như là để rũ sạch bùn đất, bụi bặm thiên hạ. Theo chân mấy cô gái quan họ, tôi rón rén lần theo bậc đá, vốc nước sông vã lên mặt cho trôi đi mồ hôi cùng mệt mỏi.

Từ Hà Nội về đây dự đám cưới, nhưng thực ra để được một lần thức trọn một đêm quan họ. Lệ làng là thế, hễ có việc hiếu hỷ là cả làng kéo đến. Mưa sập sùi suốt từ sáng, càng tối càng lạnh giá. Dân làng kéo đến chật ních sân. Ba gian nhà, chiếu hoa trải kín, rộng như sân đình. Ngồi quanh buồng cau trăm quả đều như một, tua mượt mềm, là những cụ bà, cô gái dẻo tay bổ cau, cắt vỏ têm trầu cánh phượng. Trầu phải kén trầu cay, mỏng mình, dai lá. Lượn hai đường dao nơi cuống lá, khi ấp vôi trắng vào lòng lá xanh, đôi cánh phượng cong cong, mỏng manh xòe ra sắp múa. Quả cau nho nhỏ, cái vỏ vân vân, trông thế mà cũng kén tay người bổ. Bổ tư hay bổ sáu sao cho đặt cạnh miếng trầu tựa mảnh trăng lưỡi liềm. Khách sang hay hèn cũng mời miếng trầu “đầu câu chuyện” cho ấm lòng, thắm môi, hồng má, nhất là mùa đông tháng giá này. Miếng trầu làm người ta xích gần nhau hơn là mâm cao cỗ đầy. Chủ nhà cũng cho bày kẹo bánh trên chiếu, nhưng tuyệt  nhiên chẳng ai động tới, trừ trẻ con là háo hức. Tuyệt nhiên không thấy “văn minh phong bì” thành thị ùa về. Có phải là trả nợ miệng nhau đâu, các chủ nhà miệng nhai trầu giảng giải. 

Xúng xính áo quần ra đám hát

2. Làng Nội cũng có điện, có đầu đĩa như ai. Vào những đêm như thế này, mấy thứ “hiện đại” kia dẹp vào xó nhà. Họ mời nhau miếng trầu và hát cho nhau nghe dăm câu quan họ, thế thôi! Đã là quan họ mà lồ lộ dưới ánh đèn điện sáng bạch thì thật vô duyên. Quan họ dưới ánh trăng hai bên ngọn đèn dầu trở nên lấp lánh lạ lùng. Dăm bảy ngọn đèn dầu, thứ ánh sáng nguyên thủy, mỏng manh mà lại rạng rỡ, ấm áp cũng đủ soi tỏ gương mặt, ánh mắt. Ba gian nhà dường như rộng ra không có vách ngăn. Chiếu hoa trải kín, liền khoảnh. Lọt thỏm giữa mỗi vuông chiếu là những cái chén nhỏ, là lùm muối trắng tinh và những lát gừng mỏng dính. Ấy là cái lằn ranh vô hình giữa một bên liền chị, bên kia liền anh. Câu hát có vị muối mặn, gừng cay quyện vào nhau thâu đêm tới sáng khác hẳn những lễ hội quan họ ra Giêng vào xuân bên đồi Lim, ồn ào, huyên náo, diêm dúa và nhòe nhoẹt phấn son. Đêm nay, trong ngôi nhà này, liền anh với liền chị đều đã bước vào cái tuổi ở bên kia dốc cuộc đời. Biết nhau đã quá nửa đời người, từ thuở “thuyền chưa có lái”, nay tóc đã pha màu sương khói. Làm duyên, làm dáng, chải chuốt, đong đưa mà làm gì. Trọng nhau ở cái tình thì tìm đến với nhau. Thì vẫn là những câu hát, làn điệu xưa cũ, bụi thời gian không thể phủ mờ. Những câu hát từng đối đáp, trao gửi cho nhau từ khi tóc còn xanh, từ buổi nắm chung dây gầu tát nước đêm trăng. Bác Nhiên là bậc liền anh như thế. Bác kể: Cái thời trai tráng, chúng tôi thường hát thâu đêm không biết mệt, biết chán.

Bởi tôi thường cầm trịch bên liền anh thế nên phải nhanh trí ứng đối. Thế mà cũng có lần phải chịu thua liền chị đấy. Những lần ấy về nhà, suốt đêm không chợp mắt nổi. Những liền chị ấy, giờ lại đối mặt nhau qua ngọn dầu và đĩa muối gừng. Giá như đêm nay dưới ánh trăng lu, đố ai bảo giọng hát thanh cao, sang trọng kia lại là một người đàn bà đã xế chiều, đã lên chức bà ngoại. Con gái làng Nội bây giờ dễ mấy ai ăn đứt được, cả thanh lẫn sắc: “Cái thời quan họ xa xưa đẹp lắm, trong sáng lắm”, bà Nụ bảo thế. Liền anh hát với liền chị bao đêm mà tuyệt nhiên chẳng có chuyện “trăng  hoa, ong bướm”. “Từ khi còn con gái, bà khoe, tôi đã quện giọng với bác Nhiên, lạ thế. Chỉ mới hát nửa câu đã hiểu ý nhau. Thế nên mới hát được với nhau thâu đêm chứ”. Bà nói thêm, nhưng thực tình người quan họ chẳng hề may mảy có tình ý vẩn đục. Có thế mới thành tri kỷ, hát được với nhau chừng ấy năm. Những liền anh, liền chị đêm nay là những đôi bạn, đến hẹn lại gặp nhau. Nếu không có những đêm như đêm nay, biết có lúc nào rảnh rỗi mà san sẻ cho nhau những buồn vui, những vất vả lo toan…

3. Bà cụ thân sinh ra bác Nhiên, suốt cả đêm vẫn ngồi một mình nhai trầu trong chái nhà ngang, không bỏ sót câu hát nào. Tôi khẽ khàng bước vào ngồi sát bên cụ. Bà cụ chép miệng: “So với cái thời con gái của tôi, quan họ bây giờ hao mòn nhiều lắm, ông ạ”. Chính những chỗ khó hát nhất lại là chỗ hay nhất, ấy thế mà con cháu mình lại lảng tránh, rồi bỏ dần, mất hẳn. Giá giờ có truyền dạy thì cũng chẳng có đứa nào học nổi”. Vẫn yên vị trên tấm phản, chung quanh ngổn nganh đồ đạc, bà cụ bỗng cất giọng. Tiếng hát vút lên thanh cao trong như nước mưa. Ba gian nhà bỗng dưng im ắng, lặng ngắt tưởng chừng không có người. Tôi cứ ngỡ như có một người con gái từ xa xưa chợt hiện về, “nhập” vào người cụ già tóc bạc trắng, phơ phất như sương khói. Già cỗi, khô cằn, da dẻ như một cây cổ thụ, nhưng giọng hát thì xanh tươi như những mầm lá non bật lên từ lớp vỏ cây nứt nẻ. Không ai biết trời đang sáng dần từ lúc nào. Chẳng người nào muốn dứt câu quan họ dang dở, cũng không nỡ buông câu “giã bạn”. Những đĩa muối gừng thì đã cạn, từ lúc nào. Biết đến bao giờ “đến hẹn” lại ngồi bên nhau? Những câu quan họ sẽ cất sâu trong lòng, dành để cho nhau, mãi mãi.