Quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên tăng nhiệt?

ANTD.VN - Trung Quốc quyết định ngừng nhập khẩu than đá từ Triều Tiên trong một động thái được dư luận đánh giá là sự trừng phạt của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng do vụ thử tên lửa của Triều Tiên hồi đầu tháng. Tuy nhiên, xung quanh hành động này của Trung Quốc hiện vẫn còn tồn tại những hoài nghi.

Quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên tăng nhiệt?  ảnh 1Một lô than đá Trung Quốc nhập khẩu từ Triều Tiên

Ngày 18-2 vừa qua, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ ngừng nhập khẩu than của Triều Tiên cho đến hết năm 2017. Mục đích của lệnh cấm này không được Bắc Kinh nói rõ, song có thể thấy đây là biện pháp trừng phạt của Trung Quốc đối với hành động thử tên lửa của Triều Tiên hôm 11-2, đồng thời gửi tín hiệu tới chính quyền mới của Mỹ về việc Trung Quốc sẵn sàng tham gia cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên với tất cả các bên liên quan.  

Theo giới phân tích, việc Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu than từ Triều Tiên là cần thiết trước những hoài nghi của cộng đồng quốc tế về việc nước này không tuân thủ nghị quyết trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, đây có thể chỉ là động thái tạm thời của Trung Quốc nhằm xoa dịu dư luận.

Nếu Trung Quốc thực hiện đầy đủ các lệnh cấm đối với Triều Tiên theo nghị quyết của LHQ, nền kinh tế của nước này sẽ chịu ảnh hưởng lớn. Triều Tiên phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thu từ than và khoáng sản bán cho Trung Quốc. Theo số liệu thống kê năm 2016, thương mại với Trung Quốc chiếm khoảng 90% hoạt động thương mại của Triều Tiên, trong đó, 40% là than và khoáng sản.  

Theo Tạp chí The Wall Street Journal (Mỹ), trước khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu than từ Triều Tiên, lượng xuất khẩu than của Triều Tiên sang Trung Quốc trong tháng 12-2016 đã cao hơn mức cho phép theo cơ chế trừng phạt của LHQ.

Các số liệu gần đây của cả LHQ lẫn Chính phủ Trung Quốc cho thấy trong tháng 12-2016, Triều Tiên đã xuất khẩu gần 2 triệu tấn than, trị giá khoảng 160 triệu USD, trong khi Trung Quốc trên thực tế là nước duy nhất nhập khẩu than của Bình Nhưỡng. Con số này cao hơn nhiều so với mức trần mà Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ áp đặt đối với hoạt động xuất khẩu than của Triều Tiên.  

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng giới chức Trung Quốc cần có thời gian để tiến hành những thủ tục pháp lý cần thiết và đưa ra những chỉ thị đối với các cơ sở kinh doanh có liên quan. Bộ này cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc luôn thực thi nghiêm túc các nghị quyết của HĐBA. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc tuyên bố ngừng nhập khẩu than của Triều Tiên. Trước đó, Trung Quốc đã tuyên bố nhiều lần, tuy nhiên, giống như lần này, tuyên bố của Trung Quốc luôn sử dụng những từ ngữ mơ hồ về mối liên hệ giữa việc ngừng nhập khẩu than của Triều Tiên với các biện pháp trừng phạt của LHQ. 

“Nếu Trung Quốc gây sức ép với Triều Tiên thì họ chỉ có duy nhất một lý do: Đó là thể hiện thái độ hợp tác với Chính quyền Trump để đổi lại sáng kiến về các cuộc đàm phán mới”.

Stephan Haggard, Chuyên gia về Triều Tiên tại ĐH California, San Diego, Mỹ.

Triều Tiên vẫn là một “tài sản” chiến lược của Trung Quốc, đóng vai trò như một vùng đệm giữa nước này và Hàn Quốc - một đồng minh của Mỹ. Chiến lược của Trung Quốc rất rõ ràng, đó là duy trì sự ổn định xung quanh nước này, trong đó có việc đảm bảo ở một mức độ cơ bản về kinh tế cho quốc gia láng giềng Triều Tiên. Trung Quốc đã liên tục né tránh thực hiện đầy đủ các biện pháp trừng phạt của quốc tế đối với Triều Tiên và việc Trung Quốc thắt chặt kinh tế với Triều Tiên thường chỉ là tạm thời.

Tuy nhiên, qua tuyên bố của Trung Quốc, điều quan trọng có thể thấy là Trung Quốc đã buộc phải đình chỉ việc nhập khoáng sản từ Triều Tiên theo Nghị quyết số 2270 của LHQ được thông qua vào tháng 3-2016 về các biện pháp trừng phạt Triều Tiên.

Nghị quyết này có một lỗ hổng lớn vì nó loại trừ trường hợp nguồn thu từ xuất khẩu của Triều Tiên phục vụ mục đích nhân đạo, bởi việc Triều Tiên sử dụng số tiền có được từ xuất khẩu khoáng sản - bao gồm cả than - vào mục đích nhân đạo hay mục đích khác là rất khó kiểm chứng. Dường như  điều khoản này được đưa ra để dành cho Trung Quốc, nước này sẽ tiếp tục nhập khẩu than từ Triều Tiên và cho rằng đây là mục đích nhân đạo.

Đơn cử ngày 7-4-2016, vài tuần sau khi nghị quyết trừng phạt Triều Tiên có hiệu lực, Bộ Thương mại Trung Quốc chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu than, sắt và quặng sắt từ Triều Tiên. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, cụ thể là vào tháng 8-2016, mọi thứ lại trở lại bình thường ở biên giới Trung - Triều.

Việc mất đi nguồn thu lớn từ xuất khẩu than đá có thể sẽ siết chặt gọng kìm đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau khi chính quyền Bình Nhưỡng tăng cường các vụ thử hạt nhân và tên lửa từ năm ngoái. Tuy nhiên, Trung Quốc hiếm khi nhượng bộ một cách đơn giản. Rõ ràng sau động thái vừa qua, Trung Quốc sẽ muốn Mỹ đáp lại một cách phù hợp.