Quan hệ Nga- Trung Quốc: “Đồng minh” bất đắc dĩ

ANTĐ -Tại lễ diễu binh mới đây ở Moskva mừng ngày Chiến thắng 9-5, một hình ảnh nổi bật đập vào mắt mọi người là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình luôn bên cạnh Tổng thống Nga Vladimir Putin suốt thời gian diễn ra sự kiện này. 
Quan hệ Nga- Trung Quốc: “Đồng minh” bất đắc dĩ ảnh 1

Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin “sát cánh” trong lễ diễu binh ở Moskva…

 Trong bối cảnh nhiều nhà lãnh đạo thế giới vắng mặt vì quan hệ “cơm không lành, canh chẳng ngọt” với Nga xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraina, đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy quan hệ Nga - Trung đang trở nên nồng ấm hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, liệu hai cường quốc từng đánh nhau “sứt đầu mẻ trán này” đã thực sự trở thành bạn bè tốt hay họ tìm đến nhau chỉ vì giải pháp tình thế? 

Sự xuất hiện của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít đối lập mạnh với quyết định không tham dự của các nhà lãnh đạo phương Tây nhằm phản đối sự can thiệp của Nga vào vấn đề Ukraina. Tháng 9 tới, Tổng thống Putin sẽ thăm “đáp lễ” Bắc Kinh để tham dự lễ kỷ niệm 70 năm kháng chiến chống quân phiệt Nhật thắng lợi và kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.

Trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình cũng đã xuất hiện một loạt dấu hiệu nồng ấm trong quan hệ Nga - Trung thời gian gần đây, từ hợp đồng Trung Quốc mua khí đốt trị giá 400 tỷ USD của Nga, Moskva bán cho Bắc Kinh hệ thống phòng không S-400. Giữa tháng này, hải quân Nga và Trung Quốc sẽ tổ chức tập trận chung ở Địa Trung Hải - một khu vực vốn được xem là “ao nhà” của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.

Đây chắc chắn là một thông điệp đầy ẩn ý gửi tới Mỹ và những diễn biến nêu trên khiến nhiều người liên tưởng đến sự hình thành của một liên minh quân sự mới nhằm tạo thế cân bằng với Mỹ và phương Tây. 

Quan hệ Nga- Trung Quốc: “Đồng minh” bất đắc dĩ ảnh 2

… nhưng thực ra mỗi người đều có con đường và toan tính riêng

Khó hình thành liên minh quân sự

Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia, điều này khó có thể trở thành hiện thực. Ông Từ Quang Dụ, một Tướng quân đội Trung Quốc đã về hưu nhận định rằng Trung Quốc và Nga không muốn thiết lập một liên minh quân sự. Thay vào đó, hai nước này đang phát triển quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện”, trong đó bao gồm các vấn đề “chính trị, kinh tế, an ninh và ngoại giao”.

Tướng Từ Quang Dụ nhấn mạnh: “Các thỏa thuận vũ khí của Trung Quốc với Nga và các cuộc tập trận hải quân chung giữa hai nước ở biển Địa Trung Hải cho thấy hai nước đang tiến hành hành động thực sự để thực hiện một mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện như vậy, và các quốc gia phương Tây nên quen dần với sự hợp tác quân sự mạnh mẽ này”.

Trong khi đó, chuyên gia Dmitri Trenin thuộc Viện Nghiên cứu và tư vấn chiến lược Carnegie, cho rằng liên minh quân sự Nga -Trung là điều phi thực tế, bởi hai nước này hiện là hai đầu tàu dẫn dắt xu hướng “phi Phương Tây hóa” trong quan hệ quốc tế, hướng tới việc thiết lập trật tự thế giới mới, trong đó phương Tây vẫn giữ vai trò quan trọng nhưng không thể ở vị trí thống lĩnh toàn cầu như hiện nay. 

Những nhận định trên không phải là không có cơ sở, bởi cả Nga và Trung Quốc đều coi phòng thủ hạt nhân là sự đảm bảo cao nhất về an ninh quốc gia. Do đó, một liên minh quân sự sẽ mang lại rất ít giá trị. Ngoài ra, mọi quốc gia đều kiên định với sự tự chủ chiến lược của riêng mình. Hiện nay cũng không có bất cứ mối đe dọa quân sự chung nào dẫn tới việc thành lập liên minh Trung - Nga.

Mặc dù cả hai nước đều không hài lòng với vị thế thống trị toàn cầu của Mỹ, nhưng chiến lược của Bắc Kinh và Moskva đối với Washington có sự khác biệt rất lớn. Mối quan hệ Trung - Nga kể từ khi bình thường hóa cách đây 1/4 thế kỷ đã và đang phát triển rất mạnh, song an ninh quân sự vẫn là lĩnh vực cực kỳ nhạy cảm mà không bên nào muốn cởi mở quá nhiều và quá sớm. 

Trong khoảng 15 tháng qua, quan hệ Nga - Trung đã chứng kiến bước phát triển nhảy vọt thành mối quan hệ thân thiện, với sự liên kết chính trị hết sức chặt chẽ. Cuộc khủng hoảng Ukraine, điều dẫn tới thế đối đầu Nga - phương Tây và sự đổ vỡ trong quan hệ giữa Nga với Liên minh châu Âu (EU) đã tạo ra bước ngoặt địa chính trị to lớn ở lục địa Á - Âu, đẩy trục địa chính trị và chiến lược của Moskva hướng về phía Đông.

 Cùng lúc đó, sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của Bắc Kinh đã dọn đường cho Trung Quốc thể hiện vai trò ngày một lớn ở lục địa này. Trước sự ngăn chặn của Mỹ và các đồng minh ở khu vực vùng biển phía Đông, Trung Quốc đã chuyển hướng chiến lược sang phía Tây, khiến nước này và Nga ngày càng xích lại gần nhau hơn. 

“Cuộc hôn nhân vụ lợi”

Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia đều cho rằng mặc dù quan hệ Nga - Trung đã được tăng cường mạnh mẽ trong thời gian gần đây, nhưng hai cường quốc này khó có thể là bạn mãi mãi. Nhà báo Quách Tuyết Đoan ở Hồng Kông phân tích rằng Trung Quốc và Nga đều là hai cường quốc lớn có chung một khu vực biên giới rộng lớn.

Trong quá khứ hai nước cũng đã từng xảy ra xung đột biên giới, nên chắc chắn sẽ có tâm lý đề phòng lẫn nhau. Việc Trung Quốc và Nga tăng cường quan hệ hợp tác trong thời gian gần đây chỉ là điều “vạn bất đắc dĩ” trong bối cảnh Nga phải đối phó với sự bành trướng ảnh hưởng của NATO, còn Trung Quốc phải đối phó với chiến lược “xoay trục trở lại châu Á” của Mỹ, một chiến lược bị Bắc Kinh cho là được Washington thực hiện nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Chính vì lý do này mà dù không muốn, nhưng hai kỳ phùng địch thủ khu vực đã buộc phải bắt tay với nhau, khiến quan hệ giữa hai nước giống như một “cuộc hôn nhân vụ lợi.” 

Đồng quan điểm trong vấn đề này, chuyên gia Mike Rowse  - một chuyên gia phân tích người Hồng Kông gốc Anh cho rằng quan hệ giữa Nga và Trung Quốc hiện đang phát triển mạnh mẽ do hai bên đều đang cần đến nhau. Nga do bị NATO bao vây nên đã tìm đến Trung Quốc để mở “đột phá khẩu” mới về kinh tế nhằm đối phó và phá vỡ thế bao vây cô lập của phương Tây do Mỹ cầm đầu.

Trung Quốc trong khi đó cũng đang muốn phá thế bao vây của Mỹ và các đồng minh trên biển, đồng thời cũng nhìn thấy ở Nga nguồn năng lượng khổng lồ để giải tỏa cơn khát năng lượng của họ, nên hai nước đã tìm đến với nhau. Mặc dù vậy, sự nồng ấm trong quan hệ giữa Trung Quốc và Nga chỉ là tạm thời, và Moskva không bao giờ quên họ từng có xung đột biên giới với Trung Quốc trong quá khứ, cũng như là truyền thống xâm lăng bành trướng của Trung Quốc.

Trung Quốc là một nước giàu tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản, trong khi Nga chỉ có dầu khí. Trung Quốc đang phấn đấu trở thành đầu tàu kinh tế thế giới, còn Nga đang đua tranh để trở thành đầu tàu chính trị thế giới, nên hai cường quốc này khó có thể làm bạn được với nhau, mà sẽ trở thành các đối thủ cạnh tranh.

Việc Trung Quốc mua khí đốt của Nga rõ ràng chỉ là quan hệ đôi bên cùng có lợi, khi Trung Quốc khát năng lượng, còn Nga thì cần tìm khách hàng mới để thay thế châu Âu trong bối cảnh Moskva đang bị NATO bao vây tứ bề. Tuy nhiên, nếu như Nga “gặp vấn đề” thì Trung Quốc có thể ngừng mua khí đốt của Nga. 

Trong môi trường toàn cầu hiện nay, Moskva và Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ xây dựng mối quan hệ hợp tác thay vì cạnh tranh. Lĩnh vực hợp tác sẽ vừa mở rộng lại vừa đi sâu, bao gồm năng lượng và giao thông, cơ sở hạ tầng và ngân hàng, nông nghiệp và nguồn nước, vũ trụ và công nghệ, an ninh khu vực và trật tự lục địa.

Trong mỗi lĩnh vực, cả hai nước đều đang triển khai hoặc trù tính sự hợp tác thực chất, qua đó đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới. Tiến trình hợp tác có thể không suôn sẻ, nhiều lợi ích của hai nước không phải lúc nào cũng phù hợp nhau, nhưng định hướng thay đổi là rất rõ. Trung Quốc đang trở thành mối ưu tiên hàng đầu của Nga và Bắc Kinh đang định hình chiến lược Á - Âu, trong đó Moskva là một thành tố trung tâm.

Những nước khác, từ Mỹ tới các nước châu Âu và Nhật Bản, đều đang theo dõi chặt chẽ những động thái trong quan hệ Nga - Trung. Họ không mong muốn một liên minh Nga - Trung mới, với sự hoàn thiện bằng một hiệp ước quân sự. Tuy nhiên, sự tái lập mối quan hệ hữu nghị Nga - Trung là một tín hiệu cho thấy sự thay đổi trật tự thế giới, trong đó phương Tây vẫn có vai trò rất lớn, dù không còn ở địa vị thống trị.