Quan hệ Nga  - EU băng giá?

(ANTĐ) Hội nghị thượng đỉnh Nga - EU còn chưa diễn ra nhưng hiện người lạc quan nhất cũng khó có thể hy vọng nó sẽ kết thúc suôn sẻ. Không những thế, người ta lo rằng cuộc gặp có thể là sự mở đầu cho một chương khó khăn trong quan hệ Nga - EU.

Quan hệ Nga  - EU băng giá?

(ANTĐ) Hội nghị thượng đỉnh Nga - EU còn chưa diễn ra nhưng hiện người lạc quan nhất cũng khó có thể hy vọng nó sẽ kết thúc suôn sẻ. Không những thế, người ta lo rằng cuộc gặp có thể là sự mở đầu cho một chương khó khăn trong quan hệ Nga - EU.

Tổng thống Putin (Nga) tiếp ngoại trưởng Đức trước hội nghị thượng đỉnh Nga - Eu
Tổng thống Putin (Nga) tiếp ngoại trưởng Đức trước hội nghị thượng đỉnh Nga - Eu

Hiệp ước hợp tác Nga - EU ký năm 1997 sẽ hết hạn vào ngày 1-12-2007. Để chuẩn bị cho việc ký hiệp ước mới, Tổng thống Nga V. Putin sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nga - EU tại khu nghỉ dưỡng Samara bên sông Volga trong 2 ngày 17 và 18-5 với sự tham gia của Thủ tướng Đức A. Merkel (Đức đang nắm vai trò chủ tịch luân phiên EU), Chủ tịch ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso và nhiều quan chức cấp cao EU khác.

ấy thế nhưng càng gần đến thời điểm có tính quyết định trên, lời qua tiếng lại giữa hai bên lại càng căng thẳng hơn. Tháng trước, Cao ủy EU phụ trách thương mại P. Mandelson bình luận: “Mức độ không hiểu biết lẫn nhau giữa Nga và EU đang tiến đến chỗ nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh”. Nhật báo “Vedomosti” của Nga thì dự đoán hội nghị sẽ là một thất bại đáng hổ thẹn, đồng thời coi cuộc gặp ở Samara là “vô nghĩa”. 

Nhìn vào mô tả của báo chí châu Âu, dường như mọi nguyên nhân của sự căng thẳng đều bắt nguồn từ nước Nga. Nào là Matxcơva duy trì lệnh cấm các sản phẩm thịt của Ba Lan khiến Warsaw phủ quyết việc khởi động các cuộc đàm phán về quan hệ đối tác chiến lược mới giữa EU và Nga. Nào là Nga đóng cửa đường ống dẫn dầu tới Látvia, dẫn tới phản ứng của nước này đe dọa phủ quyết mọi thỏa thuận của EU với Nga. Nào là Nga kêu gọi tẩy chay hàng hóa của Estonia do mâu thuẫn trong quan hệ song phương.

Thế nhưng, hành động của Nga đâu phải vô cớ. Làm sao Matxcơva có thể làm ngơ trước hàng loạt các động thái ngấm ngầm nhằm vào Nga? Giải thích thế nào khi Ba Lan đồng ý cho Mỹ đặt 10 quả tên lửa đánh chặn tại nước mình, khi mà mối đe dọa lại được giải thích là xuất phát từ Iran nằm cách xa Ba Lan hàng nghìn km? Làm sao mà Nga không có hành động trả đũa khi Estonia cho đào mồ các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô hy sinh trong khi giải phóng Estonia khỏi ách phát-xít Đức?

Không ít lời chỉ trích đang được một số nước EU đưa ra nhằm gây sức ép với Nga trước hội nghị thượng đỉnh, thậm chí xuất hiện cả tuyên bố đe dọa ngăn cản việc Nga gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) trong năm nay. Có điều, nước Nga đâu còn là đối tác dễ bắt nạt như một thập kỷ trước đây. Không những thế, nhiều nhà phân tích cho rằng, giờ đây, chính Nga mới là “người lĩnh xướng” trong quan hệ Nga - EU. Báo chí mô tả rằng, là người đang cung cấp 30% năng lượng nhập khẩu của EU, trong đó có 44% lượng khí đốt, nước Nga đủ sức “sưởi ấm và làm băng giá cả châu Âu”.

Thêm vào đó, Nga có những quan hệ đặc biệt với nhiều nước lớn trong EU, đặc biệt là với Pháp và Đức, bởi những nước này đã từng lập lên nhóm “phản chiến” chống lại quyết định mở cuộc chiến chống Iraq của Mỹ. Tình thân hữu giữa đôi bên đã được chứng minh bằng thỏa thuận giữa Nga và Đức về dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt chạy ngầm dưới biển Baltic mà không qua Ba Lan như trước đây, khiến Warsaw hết sức tức giận do sẽ mất trắng các khoản thu trung chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu.

Chính vì thế, cái giá phải trả cho sự căng thẳng trong quan hệ Nga - EU giờ thấy cảm nhận rõ hơn ở phía Tây, chứ không phải ở Nga. Diễn biến mới nhất cho thấy chuyến công du bất thường tới Mátxcơva của Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier ngay trước hội nghị thượng đỉnh Nga - EU nhằm tháo gỡ bế tắc giữa đôi bên đã không thu được kết quả mong đợi. Quan hệ Nga - EU sẽ khó có thể thoát khỏi băng giá khi mà nước Nga không được đối xử như một đối tác bình đẳng và được tôn trọng.

Hoàng Sơn