Quân đội Pakistan hỗ trợ Qatar trong đảm bảo an ninh World Cup 2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với kỳ vọng đón khoảng 1,2 triệu du khách, Qatar đã tuyển vệ sĩ từ các lực lượng vũ trang nước ngoài và các nhà thầu an ninh để đảm bảo an toàn cho giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2022.
Binh sĩ Pakistan đến Qatar để hỗ trợ đảm bảo an ninh cho FIFA World Cup

Binh sĩ Pakistan đến Qatar để hỗ trợ đảm bảo an ninh cho FIFA World Cup

Cảnh sát và các công ty an ninh từ 13 quốc gia, bao gồm Pháp, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ đang hỗ trợ Qatar đảm bảo an ninh cho FIFA World Cup, diễn ra từ ngày 20-11 đến ngày 18-12. Nhưng Pakistan là quốc gia duy nhất cử binh sĩ tới Doha từ tháng 10 với hơn 4.500 lính bộ binh. “Việc triển khai binh sĩ được thực hiện theo yêu cầu đặc biệt của chính phủ Qatar” - một quan chức an ninh cấp cao của Pakistan nói.

Sau Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai số lượng nhân viên an ninh nước ngoài lớn nhất tới World Cup. “Hơn 3.000 cảnh sát chống bạo động Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có mặt tại sự kiện này. Ankara cũng đã đào tạo cho nhân viên an ninh Qatar trước giải đấu” - Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu nói với tờ Daily Sabah hồi tháng 9.

“Các quốc gia thường tuyển dụng các nhà thầu an ninh để hỗ trợ họ thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Thực tế là Qatar có dân số ít khiến quá trình này trở nên quan trọng và cần thiết hơn” - Giáo sư Ali Bakir làm việc tại Đại học Qatar nhận định.

Giống như mọi quốc gia Ảrập khác trong khu vực vùng Vịnh, Qatar phụ thuộc rất nhiều vào lao động nước ngoài, ngay cả đối với các chức năng quan trọng là an ninh. Theo thống kê, các quốc gia thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) gồm Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất, Bahrain, Saudi Arabia, Oman, Qatar và Kuwait có khoảng 20 - 30 triệu lao động nước ngoài, chiếm gần 1/3 dân số khu vực. Riêng ở Qatar, số lao động nhập cư là 2 triệu người, cao gần gấp 5 lần so với hơn 400.000 dân số của đất nước. Giống như các nước láng giềng, Qatar đã ưu tiên việc làm cho người bản địa, nhưng nước này vẫn phụ thuộc vào người nước ngoài để làm 95% khối lượng công việc nói chung và đối mặt với tình trạng thiếu lao động ngày càng tăng. Giành quyền đăng cai World Cup vào năm 2010, quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé này đã nỗ lực đầu tư vào các nguồn lực hậu cần cần thiết cho việc đăng cai tổ chức giải đấu trong suốt 12 năm qua. Năm 2014, Qatar thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc, kêu gọi nam giới từ 18 - 35 tuổi phục vụ trong lực lượng vũ trang trong 4 tháng. “Trong những tháng qua, chính phủ đã triệu tập các nhà ngoại giao và điều động hàng trăm dân thường đi nghĩa vụ quân sự vì World Cup” - hãng tin Reuters đưa tin vào tháng 9-2022.

Lực lượng an ninh bên ngoài sân vận động diễn ra các trận thi đấu bóng đá đỉnh cao ở Doha, Qatar

Lực lượng an ninh bên ngoài sân vận động diễn ra các trận thi đấu bóng đá đỉnh cao ở Doha, Qatar

Tuy nhiên, Giáo sư Ali Bakir cho biết, một mình đảm nhiệm việc duy trì an ninh trong suốt thời gian diễn ra các trận đấu ở World Cup là điều vượt quá khả năng của họ. Talat Masood - nhà bình luận về các vấn đề an ninh của Pakistan đánh giá: “Sẽ không thực tế nếu kỳ vọng rằng, chỉ riêng lực lượng nghĩa vụ Qatar có thể đảm bảo an ninh trong suốt sự kiện. Thách thức an ninh cho sự kiện toàn cầu này vô cùng lớn nếu chỉ một mình quân đội Qatar phải xoay xở”. Theo ủy ban an ninh của giải đấu, 32.000 nhân viên an ninh chính phủ và 17.000 người từ khu vực an ninh tư nhân chịu trách nhiệm giữ gìn an ninh cho World Cup. Trong số này, Pakistan được đánh giá cao bởi luôn hỗ trợ tốt các quốc gia vùng Vịnh khi có yêu cầu. Islamabad đã nhiều lần gửi quân đến các nước vùng Vịnh, đóng vai trò nòng cốt trong các sự kiện và xung đột then chốt. Ví dụ, trong chiến tranh vùng Vịnh 1990-1991, binh sĩ Pakistan đóng vai trò cố vấn kỹ thuật cho quân đội Kuwait. Năm 1979, các lực lượng đặc biệt của Pakistan đã giúp Chính phủ Saudi Arabia giải quyết tình trạng bất ổn ở Mecca, nơi những kẻ bạo loạn có vũ trang cố gắng tiêu diệt gia tộc cầm quyền và chiếm giữ nhà thờ Hồi giáo Grand, địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi.

Doha và Islamabad tăng cường hợp tác vào năm 2021 sau khi các quốc gia còn lại của GCC dỡ bỏ lệnh phong tỏa mà họ đã áp đặt đối với Qatar vào năm 2017. Vào tháng 8-2022, quân đội Pakistan tuyên bố sẽ cử quân đội đến giúp Qatar trong thời gian diễn ra World Cup ngay sau khi Doha đầu tư 2 tỷ USD vào quốc gia Nam Á này. Tuy nhiên, hầu hết công chúng Pakistan có lẽ không biết nhiều về việc triển khai binh sĩ nói trên vì điều này ít được đưa lên các phương tiện truyền thông địa phương.