Quả bom "hồ sơ Paradise" phát nổ

ANTD.VN - Tiếp sau quả bom “Hồ sơ Panama” cách đây hơn 1 năm, vụ “Hồ sơ Paradise” được cho sẽ tạo ra cơn địa chấn không kém khi rò rỉ những thông tin về những hoạt động của nhiều nhân vật nổi tiếng trên chính trường cũng như thương trường thế giới.

“Hồ sơ Paradise” sẽ tạo nên cơ địa chấn động không kém vụ “Hồ sơ Parama” cách đây hơn 1 năm

Truyền thông quốc tế ngày 5-11 đồng loạt đưa tin về một vụ rò rỉ hồ sơ tài chính được gọi là “Hồ sơ Paradise” trong đó tiết lộ về các khoản đầu tư gây tranh cãi của nhiều nhân vật nổi tiếng. Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) cho biết, 95 đối tác truyền thông tham gia vào việc công khai hơn 13,4 triệu tài liệu trong “Hồ sơ Paradise”, trong đó chủ yếu được thu thập và tập hợp bởi tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung và ICIJ, hợp tác với các báo Guardian và BBC (Anh) và New York Times (Mỹ).

Tương tự như vụ “Hồ sơ Panama” bị phanh phui lần đầu hồi tháng 4-2016, các nhà báo điều tra quốc tế gọi những tài liệu mới công bố là “Hồ sơ Paradise” ám chỉ “thiên đường thuế” giúp những người giàu có giấu tiền mà trước mắt đã tiết lộ các hoạt động được cho là liên quan tới trốn thuế ở nước ngoài của hơn 120 chính trị gia, nhà tài phiệt trên thế giới, trong đó có những nhân vật rất nổi tiếng.

Theo thông tin về “Hồ sơ Paradise” đăng tải trên tờ Guardian (Người bảo vệ), khu điền trang Duchy of Lancaster của Nữ hoàng Elizabeth II đã đầu tư hàng triệu bảng Anh vào một Quỹ đầu tư trên Đảo Cayman. Tờ báo nổi tiếng của Anh này cho biết, điền trang này đã sử dụng các quỹ đầu tư tư nhân nước ngoài thường được giới đầu tư Anh sử dụng để trốn thuế. Tuy nhiên, Người phát ngôn của điền trang Duchy of Lancaster ngay sau khi thông tin trên được công bố đã khẳng định, tất cả các khoản đầu tư của điền trang này đều được kiểm toán đầy đủ và hợp pháp. 

Trong khi đó Hãng tin Anh Reuters dẫn thông tin hồ sơ rò rỉ cho biết Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, cũng là một tỷ phú đầu tư, nắm giữ 31% cổ phần của Tập đoàn Navigator Holdings thông qua một mạng lưới đầu tư phức tạp. Theo đó, Navigator Holdings có quan hệ đối tác làm ăn với Tập đoàn năng lượng Sibur của Nga. Trong số các cổ đông của Tập đoàn Sibur có con rể của Tổng thống Nga Vladimir Putin là ông Kirill Shamalov và bạn của nhà lãnh đạo Nga là ông Gennady Timchenko. 

Phản ứng trước thông tin trên, Người phát ngôn Bộ Thương mại Mỹ trong ngày 5-11 đã khẳng định, ông Wilbur Ross “không liên quan tới các quyết định làm ăn với Sibur của Navigator và chưa từng gặp các cổ đông của Sibur cũng như biết về quan hệ giữa hai công ty”. Còn tờ New York Times (Thời báo New York) đăng tải tuyên bố của Sibur cho biết các đàm phán với Navigator do giới lãnh đạo điều hành của công ty tiến hành chứ không liên quan đến các cổ đông và công ty này cũng chưa từng gặp Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross.  

“Hồ sơ Paradise” cũng rò rỉ thông tin tỷ phú người Nga Yuri Milner là nhà đầu tư lớn của hai “ông kẹ” mạng xã hội Twitter và Facebook. Ông Yuri Milner được cho là có liên quan tới hai tổ chức tài chính Nhà nước Nga. Trong đó, theo tiết lộ, Ngân hàng Nhà nước VTB của Nga đã chuyển 191 triệu USD vào quỹ đầu tư của ông Milner và số tiền này được sử dụng để mua cổ phiếu của Twitter vào năm 2011.

Bên cạnh đó, “Hồ sơ Paradise” cũng “điểm danh” một số công ty đa quốc gia như Apple, Nike và Uber về các hoạt động trốn thuế. ICIJ cho biết, thời gian tới sẽ công bố thêm các tài liệu liên quan, khui ra những góc khuất về hoạt động trốn thuế của các “VIP” trên cả chính trường và thương trường.

Hơn 1 năm trước, quả bom “Hồ sơ Panama” phát nổ đã làm rung chuyển nhiều nơi trên thế giới, khiến nhiều chính trị gia, lãnh đạo doanh nghiệp phải từ chức hoặc đối mặt với nguy cơ từ chức. Vụ “Hồ sơ Paradise” được cho sẽ tạo cơn địa chấn không kém, làm lung lay nhiều chiếc ghế quyền lực hay ảnh hưởng tới uy tín của các nhân vật nổi tiếng.