Pokémon Go - trò chơi hấp dẫn đưa người chơi đến với... tử thần!

ANTD.VN - Trò chơi nhập vai Pokémon Go đang lan tỏa nhanh chóng trên toàn cầu, với một sức hấp dẫn đặc biệt. Và ngày 6-8-2016, Việt Nam cũng hòa chung xu hướng này khi game Pokémon chính thức được phát hành. Thế nhưng, trong khi cả thế giới ngày càng say sưa với Pokémon Go, nhiều người bắt đầu lo sợ rằng, việc say mê với trò chơi này có thể khiến người chơi gặp nguy hiểm, thậm chí rơi vào lưỡi hái tử thần.

Từ những tai nạn nguy hiểm…

Bị bắn chết vì đột nhập vào nhà dân, bị đâm trọng thương khi chạm mặt kẻ xấu, bị anh trai đâm do nghi ngờ xóa app Pokémon của mình trên máy, trượt chân ngã xuống vách núi, tài xế đâm vào gốc cây, gây tai nạn liên hoàn giữa đường, đâm vào trường học hoặc đâm vào xe cảnh sát vì vừa chơi vừa lái xe... là những sự cố mà một số game thủ trên toàn thế giới đã gặp phải khi chơi Pokémon GO.

Theo đó, người đầu tiên trên thế giới gặp nạn khi đang chơi Pokémon GO là một thanh niên 17 tuổi có tên Marcus Jackson sống tại Chicago (Mỹ). Vụ việc xảy ra hôm 8/7. Do quá mải chơi Pokémon GO, Marcus Jackson đã vô tình đi vào khu vực có nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động. Anh đã bị một kẻ xấu đâm nhiều nhát hòng cướp chiếc điện thoại trên tay

Đặc biệt, ngày 20-7 tại thành phố Chiquimula (Guatemala), Jerson Lopez de Leon và Daniel Moises Picen (17 tuổi), khi đang đi tìm Pokémon dọc một đoạn đường sắt đã không may bị một nhóm người xấu bắn 20 phát đạn. Jerson tử vong sau đó tại bệnh viện, còn Daniel bị thương nặng ở chân. Jerson Lopez de Leon là người đầu tiên trên thế giới chết khi đang chơi Pokémon Go.

Jerson Lopez de Leon là người đầu tiên trên thế giới chết khi đang chơi Pokémon Go. Ảnh: Los Angeles Times

Cho đến những cảnh “Giời ơi đất hỡi”

Theo The Daily Telegraph, Elizabeth Corps đến từ Chessington (Anh) tổ chức đám cưới cuối tháng 7 vừa qua cùng chú rể Joe Whiddelt. Tuy nhiên, sự kiện trọng đại cả đời đã bị xao nhãng ít nhiều khi nơi tổ chức lễ cưới lại chính là đấu trường dành cho những game thủ Pokémon Go. Ngay cả chú rể Joe cũng “quên” cả vợ mình vì mải mê cầm điện thoại chinh phục những con thú ảo.

Kohei Uchimura - một vận động viên thể dục dụng cụ Nhật 6 lần đạt huy chương vàng nội dung thể dục toàn năng thế giới - mới đây khi tham gia Olympic Rio 2016, anh đã bị phạt vì lén lút chơi Pokémon Go.

Cụ thể, Brazil chưa cho phép người dùng chơi trò Pokémon nên việc bắt thú ảo là vi phạm pháp luật. Ngay khi bị phát hiện chơi Pokémon trong giờ luyện tập, Kohei đã bị xử phạt tại chỗ. Ở quê nhà Nhật Bản, Kohei còn phải trả số tiền lên tới 5.000 USD (khoảng 120 triệu đồng) tiền cước di động chơi Pokémon Go.

Kohei Uchimura - Vận động viên đẳng cấp quốc tế, bị phạt vì Pokémon Go. Ảnh: Japan Times

Tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin nước ngoài, có thể thấy hàng chục vụ tai nạn nguy hiểm, không ít sự cố giao thông, cùng vô số tình huống dở khóc dở cười liên quan đến trò chơi Pokémon GO đã xảy ra chỉ sau hơn 1 tháng trò chơi này ra mắt. Hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm và rủi ro của Pokémon Go cũng dần được nhiều người gióng lên đầy lo ngại.

Nhiều người Việt Nam lo ngại về Pokémon Go

Tuy mới chỉ chính thức phát hành ở Việt Nam được 3 ngày, nhưng trò chơi nhập vai này đã thu hút đông đảo giới trẻ Việt Nam. Cũng từ đó, nhiều người bắt đầu bày tỏ lo ngại về những rủi ro có thể xảy ra khi chơi Pokémon Go, đặc biệt là với đặc thù giao thông ở nước ta.

Trong một cuộc khảo sát về mức độ quan tâm của khán giả đối với trò chơi Pokémon GO trên trang fanpage “Trung tâm tin tức VTV24”, một tài khoản facebook có tên Hoàng Huyy bình luận “Trò chơi này bên nước ngoài ít xe thì chơi được. Ở Việt Nam nhiều xe máy, lao ra đường rất nguy hiểm”. Nickname Binô Bùi đồng quan điểm “Đã xem, đã nghe những vụ tai nạn xảy ra vì chơi game này. Tốt nhất đừng đưa về Việt Nam, nhiều nguy cơ quá”. Một khán giả khác lại hài hước bình luận “Mình đã tìm thấy con Pokémon của mình ở khoa chấn thương chỉnh hình trong bệnh viện”.

Bên cạnh đó, một bạn đọc có tên Paul bình luận trên báo VnExpress: “Người dân ở Việt Nam rất lười vận động, đi 30 – 40 mét cũng phải mang xe máy ra chạy mới được. Nên việc vừa chạy xe vừa tìm Pokémon rất dễ xảy ra”.

Bên cạnh những ý kiến lo ngại rủi ro về giao thông mà người chơi Pokémon Go có thể gây ra ở Việt Nam, bạn đọc có tên Jackys trên báo Tiền Phong Online còn lo ngại về nguy cơ khủng bố đến từ trò chơi này: “Để chơi được Pokémon Go, người chơi phải tích cực di chuyển theo GPS trên điện thoại, chỉ cần hacker khủng bố hack được vào hệ thống máy chủ Pokémon, tạo 1 con Pokémon hiếm ở trung tâm thành phố, thì hàng trăm người sẽ lũ lượt tụ tập về 1 chỗ tạo điều kiện cho bọn khủng bố trà trộn vào đánh bom, lúc đó thiệt hại là vô cùng lớn”.

Một số người khác lại bày tỏ lo ngại về những tác hại đến tâm lý, cuộc sống mà Pokémon Go cũng như các ứng dụng, trò chơi, mạng xã hội hiện đại gây ra cho người dùng. “Con người, riết rồi họ thích sống trong môi trường và cảnh ảo. Ngày 3 gói mì, 2 lít nước và intenet là đủ với 1 số người”, bạn đọc Song Tùng bình luận trong một bài đăng của báo Tiền Phong Online.

Đừng tự biến mình thành “Pokémon” của tử thần

Nhận xét về trò chơi Pokémon Go, bạn đọc đề tên Oscar bình luận trên trang tin Zing News cho rằng: “Người chơi không có ý thức thì trò nào cũng hại cả. Mỗi lần có Pokémon điện thoại đều rung lên. Nếu có đi ra ngoài chỉ cần thấy điện thoại rung thì mình mở lên bắt thôi. Tập trung chăm chăm vào màn hình làm gì cho tai nạn”.

Bạn đọc trên cũng bày tỏ thêm rằng điều đáng ngại nhất của Pokémon Go chính là bảo mật thông tin, bởi lẽ trò chơi này sử dụng cả thiết bị camera và định vị GPS, nên thông tin của người chơi trên toàn thế giới rất dễ bị đánh cắp.

Đúng vậy! Trên thực tế, không thể ai có thể phủ nhận rằng Pokémon Go đang tạo nên một phong cách chơi game hoàn toàn mới với nhiều lợi ích cho người chơi, đặc biệt là những người lười vận động. Đẳng cấp, sức hấp dẫn và tính giải trí của trò chơi là không phải bàn cãi.

Thế nhưng, với một trò chơi hiện đại, nhiều người chơi trên thế giới lại đang cư xử thiếu văn minh khi bất chấp sự an toàn của bản thân; làm phiền, thậm chí gây nguy hiểm cho những người xung quanh để lao vào cuộc truy tìm một sinh vật ảo.

 Trò chơi ảo hoàn toàn có thể cướp đi sinh mạng thật nếu người chơi sơ sẩy. Ảnh (minh họa) của VnExpress

Thiết nghĩ, mỗi người chơi nên tự ý thức được chơi ở đâu, khi nào để không gây phiền toái hay nguy hại cho mình và những người xung quanh! Chơi ra sao để không bị trò chơi ảo “dắt mũi” đi xa rời cuộc sống thật. Người làm chủ được trò chơi với đúng nghĩa giải trí lành mạnh, an toàn mới là người chiến thắng thật sự!

Bởi lẽ trò chơi ảo có thể cướp đi sinh mạng thật nếu người chơi sơ sẩy. Cho nên, hãy săn Pokémon thôi, đừng biến mình thành Pokémon trong trò chơi của thần chết!