Phim thiếu nhi Việt ngày càng khan hiếm

ANTĐ - Vào những ngày này, thử dạo qua những cụm rạp chiếu phim, có thể thấy phim thiếu nhi của điện ảnh nước ngoài vẫn ngập tràn, còn phim Việt dành cho thiếu nhi vắng bóng cả trên rạp lẫn trên truyền hình. Tại sao lại như vậy?

Ít tiền, nên cũng ít người làm

Trong tháng 6, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia sẽ khai mạc Chương trình phim Hè dành cho thiếu nhi 2013. Đây được coi là một trong những hoạt động thường niên nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí, tinh thần lành mạnh cho thiếu nhi. Nhưng điểm qua những bộ phim được chiếu trong chương trình phim hè năm nay, cũng “mỏi mắt” không thấy được một bộ phim Việt Nam. Điều này cũng giống như tình trạng của những năm trước. Chưa bàn đến chất lượng phim, mà mới chỉ nói đến số lượng thì điện ảnh nước ngoài vẫn đang chiếm ưu thế hoàn toàn. Nhiều khán giả cho rằng các nhà làm phim Việt Nam cố tình “lờ” đi những bộ phim dành cho thiếu nhi.

Nhà văn, nhà biên kịch Lê Tấn Hiển, tác giả kịch bản bộ phim Đội đặc nhiệm nhà C21 cho rằng: “Tôi nghĩ, khi đã theo cơ chế thị trường, cái gì người ta cũng tính đến lợi nhuận. Mà làm phim thiếu nhi thì lợi nhuận thấp nên nhiều năm nay vẫn không thấy hãng phim, hay đạo diễn nào làm phim thiếu nhi. Ai cũng biết phim thiếu nhi là một công cụ giáo dục đạo đức, tâm hồn, lối sống, thẩm mỹ hữu hiệu, nhưng lại bị bỏ trống lãng quên khá lâu rồi”. 

Ra rạp đã thấy phim nước ngoài, đến khi về nhà xem truyền hình, khán giả nhí cũng tránh được những bộ phim đến từ điện ảnh các nước khác. 

Làm phim thiếu nhi có khó?

Nhà văn, nhà biên kịch Lê Tấn Hiển chia sẻ: “Làm phim nào cũng có cái khó, và phim thiếu nhi có cái khó riêng. Cái khó về diễn viên “nhí”, về kịch bản phim, trường quay… cũng làm nhiều nhà làm phim đau đầu. Kịch bản phim thiếu nhi đã ít lại không có nhu cầu đặt hàng thì chuyện khan hiếm kịch bản là điều dễ hiểu. Hay như việc thực hiện Đội đặc nhiệm nhà C21 cách đây khá lâu, phim có 16 tập, nhưng đạo diễn chỉ dám làm 5 tập phim, vì 3 tháng hè chỉ có thể làm như vậy”. Chọn được diễn viên “nhí” hợp vai cũng là việc khó, sau đó phải kể đến khả năng diễn xuất tốt, nhưng lại chưa chắc được gia đình đồng ý đi đóng phim. Có đồng ý thì cũng còn phải tránh thời gian học tập của các em. Nhà quay phim Lê Tấn Phát, Đài Truyền hình Việt Nam cho biết: “Làm phim thiếu nhi sẽ tốn lượng phim hơn rất nhiều so với phim khác. Bởi ở các phim khác, những diễn viên chuyên nghiệp có nghề sẽ ít phải thực hiện lại hơn là các diễn viên “nhí” nghiệp dư.

Trên thực tế, nhiều nhà làm phim đều “né” phim thiếu nhi. Phim hay, hấp dẫn được các khán giả nhí thì đầu tiên cần phải có kịch bản chất lượng. Nhiều nhà biên kịch cũng ấp ủ những kịch bản dành cho thiếu nhi, nhưng chẳng có đơn vị nào ngỏ lời đặt hàng. Khi nhu cầu không thực sự nhiều, thì những nhà cung cấp cũng sẽ dần thưa thớt. 

Giải pháp

Muốn có phim thiếu nhi hay và hấp dẫn, cần có kế hoạch sản xuất, phương hướng rõ ràng. Từ yếu tố kịch bản sẽ giao cho đơn vị nào phụ trách, đạo diễn nào thực hiện, nội dung phim ra sao? Đó đều là những câu hỏi cần lời giải đáp. Trên thực tế nhiều đợt vận động sáng tác cho trẻ em trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật thực chất chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”.

Đạo diễn Nguyễn Anh Dũng - Đài truyền hình Việt Nam cho rằng: “Cần phải làm lại từ những thứ nhỏ nhất với phim thiếu nhi. Có thể mở cuộc điều tra xã hội học với những nhóm đối tượng trẻ em. Sau đó chiếu phim để nắm bắt tâm lý của trẻ em ngày nay. Hay xa hơn nữa là tổ chức, bồi dưỡng những lớp kịch bản phim cho thiếu nhi. Có thể cho chính những tác giả nhỏ tuổi tập viết, đưa ra ý tưởng cho phim thiếu nhi, sau đó các nhà biên kịch chuyên nghiệp sẽ “chuốt” lại. Nếu kịch bản có chất liệu tốt, tôi tin là các nhà biên kịch chuyên nghiệp và các tác giả “nhí” sẽ xây dựng được kịch bản chất lượng để làm phim”.

Nhà văn Lê Tấn Hiển hiện cũng đang trong quá trình xây dựng một kịch bản phim thiếu nhi dài tập cho biết: “Có kịch bản tốt, chất lượng, từ đó mới có chất liệu để thực hiện những bộ phim thiếu nhi, hấp dẫn các em nhỏ. Tôi nghĩ những người quen làm phim thiếu nhi rồi sẽ có kinh nghiệm hơn, nhưng hiện nay cũng đang rất cần những điều mới mẻ và mang tính đột phá”. Có như vậy, những bộ phim thiếu nhi Việt mới có đất sống ngay trên “sân nhà” khi phải cạnh tranh với những bộ phim thiếu nhi hấp dẫn của nhiều nền điện ảnh nước ngoài.