Phim tài liệu “Ranh giới” gây chấn động về cuộc chiến sinh tử giữa đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  50 phút bộ phim tài liệu “Ranh giới” phát sóng trong khung giờ đặc biệt trên VTV1 đưa người xem đến với cuộc chiến sinh tử ở phía trong bệnh viện, nơi các y bác sĩ đang ngày đêm giành giật sự sống cho bệnh nhân là các thai phụ nhiễm Covid-19.

Không có bất cứ lời bình nào xuyên suốt từ đầu đến cuối, “Ranh giới” mở ra bằng hình ảnh ba y bác sĩ đang cuống quýt bấm điện thoại gọi tổng đài cấp cứu một trường hợp ôxy đang rơi vào tình trạng báo động đỏ. Dù gấp gáp và cần kíp đến nỗi suýt bấm nhầm sang số khác song người gọi vẫn giữ được sự bình tĩnh khi kết nối được với đầu dây bên kia. “Đã có lúc, tôi nghĩ đây là ranh giới của sự chịu đựng” – câu nói duy nhất mở ra bộ phim có lẽ là của một nhân viên y tế, song đó cũng chính là tâm tư, tâm trạng của tất cả các y bác sĩ đang công tác trên tuyến đầu cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Bối cảnh mà bộ phim tài liệu “Ranh giới” ghi nhận là bệnh viện Hùng Vương nơi được Sở Y tế TP.HCM phân tầng điều trị theo biểu đồ hình tháp, từ tầng 1 đến tầng 4 trong tháp 5 tầng điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Một tòa nhà trong bệnh viện được chuyển đổi thành khu K1 gồm 120 giường điều trị sản phụ là F0 với quy mô lớn nhất thành phố. Chính ở tòa nhà ấy, cuộc chiến chống dịch Covid-19 trở nên căng thẳng hơn rất nhiều bởi nhiệm vụ cứu chữa mỗi bệnh nhân chính là chạy đua với tử thần để giành giật 2 mạng sống cùng một lúc, nếu thành công thì niềm vui nhân đôi, còn không may mất mát thì nỗi đau cũng gấp bội.

Trong những căn phòng điều trị sản phụ nhiễm Covid-19, phần lớn các bệnh nhân đều rơi vào tình trạng khó thở và buộc phải thở nhờ sự hỗ trợ của máy tạo ôxy. Trên thực tế kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện và hoành hành, cụm từ “thở máy” có lẽ không ít người đã nghe rồi, thậm chí một số gia đình có điều kiện còn tự trang bị máy tạo ôxy tại nhà để phòng khi cần dùng đến nhưng có lẽ nếu không nhìn thấy hình ảnh những bệnh nhân khó nhọc và vật vã thế để thở máy thế nào, có lẽ chẳng ai lường hết được việc thở máy không hề đơn giản và cũng chẳng dễ chịu như người ta vẫn nghĩ.

Một thai phụ nhất quyết tháo dây giữ ống thở, muốn được tự cầm tay giữ mặt nạ ống thở để thỉnh thoảng bỏ ra vì nghĩ làm như vậy sẽ dễ thở hơn; một thai phụ khác cũng từ chối thay mặt nạ thở ôxy và đòi chuyển viện, thậm chí xin bỏ con vì thai đè không thở nổi khiến nhân viên y tế phải nhờ bác sĩ giải thích và thuyết phục…

Ở một góc khác trong phòng bệnh, một thai phụ yếu ớt run rẩy “em sợ quá, em muốn gặp con” khi được y bác sĩ bấm điện thoại nghe chồng động viên trước khi chị phải gây mê để đặt nội khí quản. Còn với các y bác sĩ, công việc quen thuộc là tiếp tục động viên bệnh nhân giữ bình tĩnh, tập trung hít thở và dùng đủ mọi biện pháp y tế để cứu sống họ, cứu sống đứa bé trong bụng họ: “Không thể ngủ được, mở mắt ra chị ơi, mở mắt ra từ từ nào, hít thở giùm em…”. Để rồi sau những nỗ lực cao nhất, chỉ mong nghe thấy câu: “có mạch rồi!”, còn khi không thể cứu được cả hai mạng sống, họ buộc phải hội chuẩn và đưa ra sự lựa chọn khó khăn: bỏ con để cứu mẹ. Cuộc điện thoại thông báo quyết định này với người thân sản phụ có lẽ là một trong những cuộc điện thoại khó nói nhất. Cuộc điện thoại khó khăn còn lại, có lẽ là khó nói hơn cả, là khi buộc phải thông báo về việc không thể cứu được ai trong hai người, cả mẹ lẫn con.

Phân đoạn người cha già nhận được cuộc điện thoại báo tin con gái mình - một sản phụ trẻ không may qua đời vì nhiễm Covid-19 khiến người xem lặng mình xúc động. Sản phụ này được bạn đưa vào viện khi bị nhiễm Covid-19, vì giấu nên gia đình không ai hay. Chỉ đến khi cô mất vì suy hô hấp nặng và được bệnh viện gọi báo tin, cha của cô mới biết. Người cha dù đang trong khu cách ly đã tìm cách xin về viện mong nhìn con lần cuối nhưng không được vì theo quy định, không được phép tiếp xúc gần với những bệnh nhân nhiễm Covid-19. Hình ảnh người cha già chỉ có thể nhìn hình ảnh cuối cùng của con gái qua điện thoại được nhân viên y tế ghi lại, ngồi chờ nhìn thi thể của con từ xa, ôm mặt khóc nấc rồi đau đớn thốt lên: “Sao vội thế, trời ơi con ơi! Trời ơi là trời!” như lát cắt đầy chua xót trong cuộc chiến chống đại dịch mà ở đó, chính các y bác sĩ nhiều khi cũng bất lực khi không thể giành lại sự sống cho người bệnh trước lưỡi hái tử thần: “Không cứu được nó đau lắm, đau từ trong tim, cũng chỉ nén nước mắt chứ chẳng làm được gì. Ranh giới giữa cái sống và cái chết quá mong manh”.

Cũng trong 50 phút phim tài liệu ấy, khán giả đã được thấy những vất vả, hy sinh không thể nào đong đếm được của đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch. Không có bữa cơm nào được ghi lại, giấc ngủ cũng chóng vánh, vật vờ trong tư thế dựa vào bất cứ chỗ nào có thể dựa, từ ghế đến tường, ngồi trên bậu cửa hoặc mệt quá ngã lăn ra sàn đất. Và cả khi ngủ, bộ trang phục bảo hộ vẫn kín mít từ chân lên đầu. Họ cũng chỉ có thể thay nhau chợp mắt khi người bệnh đã có thể ngủ yên, chỉ còn lại tiếng “bíp bíp” đều đặn của máy móc vang lên giữa màn đêm tĩnh mịch.

Trong cuộc chiến với dịch bệnh đầy cam go ấy, không chỉ các y bác sĩ làm công tác cứu chữa trực tiếp cho người bệnh mà ngay cả đội ngũ làm nhiệm vụ bảo trì ở bộ phận hành chính quản trị cũng phải căng sức để hỗ trợ thông suốt việc cung cấp ôxy kịp thời, ngay cả khi 10 trong số 12 người họ đều bị nhiễm Covid-19. Trong số này, 3 người nhiễm Covid-19 xin ở lại ngay tại khu K1 để có thể hỗ trợ thay bình ôxy, “chia lửa” với các y bác sĩ bởi “lúc xưa chưa có Covid thì ngày chỉ dùng 1 bình ôxy, giờ một ngày cần tới 50 bình”. Tất cả đều động viện nhau, dù thiếu thốn nhiều thứ, nhân vật lực đều có hạn nhưng không vì thế mà bỏ bê người bệnh, bởi hơn lúc nào hết họ đang rất cần mình, nên làm được gì thì sẽ làm hết sức.

Đạo diễn của phim tài liệu “Ranh giới” là Tạ Quỳnh Tư – người cách đây 4 năm cũng từng lấy đi nước mắt của hàng triệu người xem với 50 phút phim tài liệu không lời bình “Hai đứa trẻ” nói về hai trẻ sơ sinh bị trao nhầm tại Bình Phước khi chào đời vào năm 2012. Lần này, anh cùng với quay phim Viết Phong của VTV đã có chuyến tác nghiệp đặc biệt tại TP.HCM khi nơi này đang là tâm dịch cả nước và tạo nên những thước phim tư liệu xúc động “Ranh giới”. Vị đạo diễn này cho biết, để có thể ghi lại những hình ảnh tư liệu kể trên, anh và đồng nghiệp phải xét nghiệm PCR 3 đến 5 ngày/lần, được hướng dẫn mặc trang phục bảo hộ cẩn trọng để phòng tránh dịch, đồng thời lưu ý rất kỹ rất kỹ rằng lúc thay đồ là lúc có khả năng lây nhiễm cao.

Cũng theo đạo diễn “Ranh giới”, trong một lần xét nghiệm đợt 1 lúc đang thực hiện ghi hình bộ phim tài liệu này, một người trong nhóm của anh có kết quả dương tính với Covid-19 nên tên của anh cùng 2 vị bác sĩ khác được bôi đậm hơn. Sau đó, anh xét nghiệm lại vẫn cho kết quả âm tính, nhưng không may 2 vị bác sĩ kia lại bị dương tính. Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư chia sẻ, quá trình ghi hình bộ phim tài liệu này, anh từng trải qua cảm giác rất “sốc”, ám ảnh và day dứt khi tận mắt chứng kiến những hình ảnh khác xa nhiều so với những gì mình tưởng tượng và nghe thấy. Như khi người bệnh vừa nói chuyện được, vừa được anh giơ tay ra dấu động viên thì chỉ vài phút sau đã nằm im bất động và đội ngũ y bác sĩ phải gấp gáp cấp cứu để giành lại nhịp tim.

Được biết với những tư liệu ghi lại được sau hơn nửa tháng bám trụ tại bệnh viện Hùng Vương, đạo diễn Tạ Ngọc Tư quyết định dựng thành 2 bộ phim tài liệu là “Ranh giới” và “Ngày con chào đời”. Bộ phim tài liệu “Ngày con chào đời” sẽ được VTV phát sóng vào ngày 22-9 tới. Tựa đề của bộ phim này cũng chính là hình ảnh kết lại bộ phim tài liệu “Ranh giới” vừa phát sóng, khi các y bác sĩ bế trên tay những đứa trẻ sơ sinh còn đỏ hỏn vừa may mắn chào đời, những mầm sống mang đến những hy vọng về một ngày mai tươi sáng khi đại dịch qua đi.