Phim lịch sử: Vừa bước vừa run

ANTĐ - Những yếu kém của dòng phim lịch sử hay hình ảnh nhạt nhòa của nhân vật lịch sử trên phim… lâu nay luôn là nỗi buồn của Điện ảnh Việt Nam. Để gỡ rối, ngày 6-11, một lần nữa các nhà làm phim, biên kịch, đạo diễn lại cùng ngồi với nhau trong một cuộc hội thảo với chủ đề “Hội thảo nhân vật lịch sử trong phim truyện Việt Nam” - do Hội Điện ảnh tổ chức.

Mấy chục năm qua, vẫn chưa có phim nào vượt được “Đêm hội Long Trì”

Những số không tròn trĩnh

Tính tới thời điểm này, ngành điện ảnh Việt Nam đã có 60 năm hình thành và phát triển, thế nhưng số lượng phim về đề tài lịch sử lại cực kỳ khiêm tốn. Sự phát triển của phim lịch sử luôn ở trong trạng thái ngập ngừng, vừa bước vừa run và chưa bao giờ thoát khỏi quy mô nhỏ lẻ. Chính vì thế, số lượng phim lịch sử cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay như: “Đêm hội Long Trì”, “Kiếp phù  du”, “Tráng sỹ Bồ Đề”, “Thăng Long đệ nhất kiếm”. Mãi sau này, trước thời điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long mới lại có thêm vài phim nữa như:  “Tây Sơn hào kiệt”,  “Khát vọng Thăng Long”… cùng một số phim truyền hình.

Nhà biên kịch Lê Phương, tác giả phim “Đêm hội Long Trì” - một trong những tác phẩm đầu tiên của điện ảnh Việt về đề tài lịch sử cho rằng, khi “chạm” vào đề tài này, đòi hỏi người làm phim phải rất liều. Mới nghe qua nhận định này thì thấy có vẻ cực đoan, nhưng sự thật lại nghiệt ngã hơn nhiều. Đào đâu ra phim hay, phim chuẩn khi có rất nhiều con số 0 trên đầu: không trường quay, không kinh nghiệm, không kinh phí và không cả người tài. Cũng theo nhà biên kịch Lê Phương, thì phải đầu tư dài hạn cho người tài, cũng không nên chọn kịch bản theo phong trào, lại càng không nên chọn người tài theo kiểu đấu thầu. Rất nhiều đạo diễn, biên kịch có mong muốn làm một bộ phim lịch sử cho ra lịch sử, nhưng lại ngại cái tư duy kiểu “cúng cụ”. Thế là đành ngậm ngùi xếp lại ước mơ.

Đạo diễn Đào Bá Sơn, người rất thành công với “Long thành cầm giả ca” cũng khẳng định, cứ phải liều thì mới có phim. Và sự thành công của ông bắt nguồn bởi “Dám làm khi chưa đủ điều kiện cả về kỹ thuật, hạ tầng, kinh nghiệm, nhân lực…”.

Xét nét quá sẽ “giết” chết nghệ thuật

Tiến sĩ Ngô Phương Lan- Cục trưởng Cục Điện ảnh phân tích, sở dĩ dòng phim lịch sử của Trung Quốc, Hàn Quốc mạnh là bởi công tác lưu trữ của họ hoàn hảo. Trong khi đó, ở nước ta, chiến tranh loạn lạc liên miên tư liệu lịch sử cái còn cái mất. Nhiều năm trở lại đây, Cục Điện ảnh liên tục khuyến khích, tổ chức các cuộc thi sáng tác kịch bản về đề tài lịch sử, song càng làm càng thấy khó. Thế nhưng điều khiến các nhà làm phim ngại hơn cả là sự phán xét. Thực tế cho thấy, đã từng có việc cả dòng họ vác đơn đi kiện một vị đạo diễn nọ vì đã dám xây dựng hình ảnh danh nhân của dòng họ với những chi tiết tỏ tình lãng mạn. Bà Lê Phương Lan cho rằng, câu nệ từng chi tiết cũng là cách để giết sự sáng tạo, đã là nghệ thuật phải có hư cấu, từ đó chuyển tải từng thông điệp.

Cùng có chung quan điểm, theo đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, các nhà sử học hoặc khán giả muốn nghiên cứu nghiêm chỉnh lịch sử thì xin đừng mất công xét nét những tình tiết được cho là không thật, hư cấu trong phim lịch sử mà chỉ nên tìm hiểu những khác biệt so với chính sử mà các nhà làm phim đưa ra có hiệu quả gì. Sự khắt khe trong hư cấu các nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử của dư luận cũng là nguyên nhân dẫn tới việc khó có phim lịch sử hay. Và cũng vì thế, nhiều nhân vật hiện lên công thức và khô cứng, bởi các nhà làm phim không muốn rầy rà vì đã cho thêm “chất con người”. Đạo diễn Đào Bá Sơn cho biết thêm, những người tâm huyết với dòng phim lịch sử trong khi còn đang dò dẫm tìm đường thì lại còn phải “né” sự phán xét, phản biện. Có những phản biện giúp các nhà làm phim hoàn thiện mình, nhưng cũng có không ít phản biện làm nản chí những người đã và đang dấn thân vào “đường đi khó”, khiến các nhà đầu tư ngại ngần không dám mở hầu bao.

Đã có rất nhiều quan điểm, đóng góp cho việc phát triển dòng phim lịch sử Việt Nam, song các nhà đạo diễn, biên kịch gần như thống nhất chung một nhận định là thiếu trầm trọng người tài và phải tìm cho được người tài. Nhưng kể cả khi tìm được người tài mà trăm thứ vẫn cứ bó buộc như hiện tại, mọi phương tiện hỗ trợ vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh thì có tài mấy cũng chỉ làm ra những sản phẩm với chất lượng… chẳng giống ai mà thôi.