“Đoạt hồn” ám ảnh người xem nhiều hơn là sợ
Hồi hộp đến phút 89
Đạo diễn Hàm Trần tiết lộ ý tưởng làm “Đoạt hồn” được anh ấp ủ từ cách đây 4 năm trong lần anh cùng hai người bạn đọc được bản tin về các xác chết trôi sông và cả ba nảy ra ý định phải làm một bộ phim kinh dị về việc này. Nhưng cũng phải 3 năm sau ý tưởng này mới được biến thành kịch bản và chuyển thể thành phim. Và cũng như nhiều bộ phim kinh dị Việt được sản xuất trước đây, “Đoạt hồn” bị Hội đồng duyệt phim Quốc gia gắn mác 18+ (không dành cho khán giả dưới 18 tuổi) khi ra rạp. Tuy nhiên khác với nhiều phim kinh dị trước đó, bộ phim của đạo diễn Hàm Trần chọn cách dụ khán giả phải suy nghĩ từng tình tiết trong phim nhiều hơn là dọa, khiến người xem hồi hộp nhiều hơn là sợ. Kể cả theo dõi rất sát phim, người xem cũng khó mà đoán định trước diễn biến tiếp theo của câu chuyện.
Những thước phim mở đầu bằng cảnh một cô gái với bộ quần áo rách rưới, mình đầy thương tích ôm theo con rối nước làm bằng gỗ cùng ánh mắt uất hận tuyệt vọng nhảy cầu tự vẫn. Cũng tại đoạn sông này không lâu sau đó, một cô bé 8 tuổi rơi xuống nước, đã tắt thở khi được tìm thấy xác nhưng rồi đột nhiên sống lại với nhiều biểu hiện khác thường. Và rồi những cái chết trôi sông đó là cái cớ cho bí mật về một tội lỗi dần được hé lộ, mà cái tài của Hàm Trần là để, mỗi nhân vật dù chính hay phụ đều bị nhìn như kẻ tội đồ cho đến khi sự thật được làm sáng tỏ ở cuối phim.
Ám ảnh từ hình ảnh
“Đoạt hồn” không có nhiều cảnh khiến người xem phải thét lên hay che mặt vì sợ nên nếu ai mua vé đến rạp xem để tìm cảm giác mạnh hẳn sẽ không hài lòng. Nhưng bù lại, phim kể một câu chuyện chạm vào suy nghĩ của mỗi người. Ở đó những người trẻ có đời sống dễ dãi và trót dại mang thai ngoài ý muốn sẽ phải suy nghĩ lại về mầm sống của đứa con vô tội và tự vấn lương tâm mình trước ý nghĩ từ bỏ chúng. Cũng có câu chuyện về tình cảm gia đình, mà bao trùm lên tất cả là tình phụ tử và tình mẫu tử. Trong phim, người xem sẽ cảm nhận nỗi đau của nhiều người mẹ có hoàn cảnh khác nhau: từ nỗi đau của người mẹ trẻ khi bất lực nhìn con mình bị cướp đi đến mức tuyệt vọng tìm đến cái chết. Ngay cả chết đi rồi vẫn vương vấn cuộc sống trần gian vì nỗi nhớ thương con. Những mối dắt tình cảm này khiến “Đoạt hồn” mang dáng dấp của một bộ phim tâm lý nhiều hơn là kinh dị.
Đạo diễn Hàm Trần tiết lộ ý định không hù dọa bằng hình ảnh mà ám ảnh người xem đến khi ra về. Đó cũng là lý do anh quyết định chọn cách hóa trang nhân vật rất kỹ và trau chuốt từng cảnh quay. Khâu hóa trang do một chuyên viên người Thái Lan đảm nhận với nhiều kỷ xảo hóa trang từ trước đến nay ít khi được áp dụng như: da giả, máu nhân tạo được làm từ dung dịch huyết tương cô đặc pha với một số dược phẩm an toàn… Cũng bởi vậy các nhân vật trong phim của Hàm Trần mới chỉ nhìn thôi cũng khiến người xem hoảng sợ, nhất là cô bé vào vai nhân vật chính Mỹ Thanh. Bản thân nữ diễn viên Nhung Kate – người vào vai hồn ma trong phim cũng thấy sợ khi nhìn mình trong gương lúc vừa hóa trang xong và ám ảnh về hình ảnh này rất lâu. Đây cũng là điều mà nhiều bộ phim kinh dị của điện ảnh Việt chưa làm được.
Hụt hẫng phút 90
Dù khá thành công khi làm người xem bị cuốn hút từ đầu đến cuối với những suy tưởng và tiên đoán, nhưng “Đoạt hồn” lại có cái kết chưa thuyết phục. Gói ghém tất cả 89 phút phim bằng cái kết chỉ là giấc mơ xem ra là cách làm khôn khéo để lọt qua khâu kiểm duyệt của Hội đồng duyệt phim Quốc gia, nhưng cách làm này lại chưa làm người xem thỏa mãn. Bên cạnh đó, dù quy tụ dàn diễn viên gạo cội nhiều thế hệ tham gia, từ Thương Tín, Ngọc Hiệp, Trần Bảo Sơn… nhưng Hàm Trần lại chưa khắc họa được rõ nét bất cứ nhân vật nào khiến tuyến phản diện thì phản diện vừa phải, còn nhân vật chính diện cũng trở nên mờ nhạt. Tuy nhiên so với nhiều phim kinh dị Việt thì đây vẫn được đánh giá là bộ phim có hướng đi mới, khác hẳn và chỉn chu hơn nhiều.