Phim Hàn Quốc, Trung Quốc lại "đổ bộ" màn ảnh Việt

ANTĐ - Chỉ cần bật tivi vào bất kỳ thời điểm nào, lướt qua một số kênh truyền hình, chúng ta có thể dễ dàng “chạm mặt” những bộ phim Hàn Quốc, Trung Quốc. Rất nhiều đài từ Trung ương đến địa phương vẫn  trình chiếu nhan nhản những bộ phim Hàn Quốc, Trung Quốc khiến khán giả  bội thực. 
Phim Hàn Quốc, Trung Quốc lại "đổ bộ" màn ảnh Việt ảnh 1


Tràn ngập phim Hàn Quốc, Trung Quốc

VTV1 hiện nay chỉ chiếu phim Trung Quốc với 2 bộ phim “Điện thoại di động” và “Chúng ta là anh em”. VTV2 là kênh chuyên khoa học và giáo dục cũng cố gắng chiếu phim giải trí với bộ phim Trung Quốc là “Vịnh Xuân Quyền”. Trong khi đó VTV3 lại là các phim Hàn Quốc như phim “Tổng thống”, “Bằng chứng ngoại tình”, “Chốn hậu cung”… VTV6 cũng chỉ chiếu phim Hàn Quốc và Đài Loan với phim “Công chúa của tôi” và “Lần thứ hai mình yêu nhau”. Theo thống kê, kênh VTV9 có đến 8 giờ để phát sóng phim nước ngoài trong một ngày, nhưng các phim được chiếu cũng chỉ là những tác phẩm của điện ảnh Hàn Quốc, Trung Quốc…

Ngoài những kênh thuộc Đài Truyền hình Việt Nam, các kênh truyền hình địa phương cũng dày đặc phim Hàn Quốc và Trung Quốc. 4 bộ phim được chiếu trong khung giờ phát sóng  phim nước ngoài của HTV7 cũng chỉ là phim Hàn Quốc, Trung Quốc… Các kênh truyền hình của hệ thống truyền hình cáp cũng không kém phần sôi nổi khi khung giờ chiếu phim nước ngoài có phần thoải mái hơn.

Cần phải định hướng thẩm mỹ cho công chúng

Nhiều khán giả cho rằng, mở tivi hiện nay sẽ chỉ thấy phim tình cảm lâm li bi đát của điện ảnh Hàn Quốc, còn nếu không thì sẽ thấy những cảnh võ thuật đến chóng mặt của điện ảnh  Trung Quốc. Ngoài ra khi cần xem những bộ phim của những nền điện ảnh khác thì lại mỏi mắt không thấy. Cũng không thể phủ nhận được rằng, Hàn Quốc và Trung Quốc là 2 quốc gia có nền văn hóa, điện ảnh lớn và có sức ảnh hưởng tại châu Á. Chỉ tính riêng lĩnh vực điện ảnh, họ đã trở thành một nền công nghiệp chiếm thị phần lớn và có sức lan tỏa. Tuy nhiên, những phim đang được chọn chiếu trên các kênh truyền hình của Việt Nam không phải phim nào cũng đặc sắc và có giá trị nghệ thuật cao. Nhiều phim chất lượng nội dung cũng làng nhàng, xem chỉ để “giết thời gian” cho những người nhàn rỗi. Chúng ta chỉ nên chọn những phim đặc sắc, được coi là “kinh điển” của điện ảnh Hàn Quốc và Trung Quốc chứ không nên tùy tiện “vơ bèo gạt tép” như hiện nay.

Bên cạnh đó, việc khai thác các bộ phim từ Mỹ, Nga, Pháp… thường gặp khó khăn hơn cho các công ty khai thác phim bởi kinh phí của những bộ phim này cao hơn những phim của Hàn Quốc, Trung Quốc. Phim của Hàn Quốc, Trung Quốc vừa có sẵn, lại rất nhiều thể loại, giá thì đương nhiên là “rẻ” hơn so với các nước khu vực châu Âu, châu Mỹ… cộng với việc số lượng người yêu thích phim Hàn, phim Trung Quốc đã có sẵn, nên vì thế nhà đài chẳng dại gì mà không chiếu. Có thể nói chiếu phim Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ giúp cho các nhà đài thu hút thêm được số lượng người xem bởi tình tiết, nội dung phim đơn giản, dễ hiểu, dễ theo dõi, dễ xem… từ đó sẽ hút thêm nhiều quảng cáo, đó là chưa nói chi phí bản quyền phim còn “mềm”.

Tuy nhiên chức năng của các nhà đài không phải chỉ là mua phim, hút quảng cáo mà còn phải thực hiện một chức năng quan trọng là định hướng thẩm mỹ cho công chúng. Việc chiếu phim của các nền điện ảnh lớn khác trên thế giới sẽ giúp khán giả hiểu biết hơn về nhiều nền văn hóa khác nhau. Song cũng cần phải lựa chọn và thẩm định kỹ lưỡng chứ không nên chiếu tràn lan và dễ dãi như hiện nay. Nhìn sang Trung Quốc, mới đây Tổng cục Truyền hình, Điện ảnh, Truyền thông quốc gia đã ra quyết định cấm các đài truyền hình trên toàn quốc  không được phép chiếu phim nước ngoài từ 19h - 22h hàng ngày. Việt Nam có lẽ cũng cần phải tính đến điều này.