Phim chiến tranh dựa trên câu chuyện có thật gây ấn tượng ngoài rạp chiếu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

ANTD.VN -  Chiến tranh tuy không phải thể loại dành cho đại đa số khán giả nhưng lại luôn đem đến ấn tượng mạnh bằng thông điệp nhân văn sâu lắng. "Đội do thám" là tác phẩm điện ảnh mới nhất khơi gợi lên nhiều suy ngẫm và chiêm nghiệm cho người xem sau khi thưởng thức.

Cốt truyện của "Đội do thám" khiến người xem không khỏi liên tưởng đến "1917"- bộ phim từng thắng giải Oscar năm 2019. Câu chuyện trong Thế chiến II của "Đội do thám" cũng giống như "1917" - không phải một trận chiến hào hùng làm thay đổi cục diện chiến trận thế giới. Đó là một câu chuyện nhỏ như hàng ngàn vạn câu chuyện khác diễn ra trong chiến tranh, tuy mộc mạc nhưng không hề kém phần dữ dội.

Dựa trên tiểu thuyết "Peace" của tác giả Richard Bausch – từ một câu chuyện có thật, bộ phim theo chân nhóm lính Mỹ đang thực hiện nhiệm vụ dò la tin tức về hang ổ của lực lượng Đức tại vùng núi miền Bắc lạnh giá nước Ý. Theo lời đạo diễn Robert Port- người từng giành giải Oscar cho phim tài liệu về thảm họa 11-9, "Đội do thám" là đúc kết sau một đời cố gắng hiểu vì sao ông nội anh luôn từ chối kể về thời gian tham chiến trong Thế Chiến II.

So với 1917, "Đội do thám" không có được đầu tư đỉnh cao tương tự ở nghệ thuật quay phim nhưng chuyện phim lại có phần thân mật và cảm xúc hơn. Phim mở đầu bằng vụ việc gây sốc: một sĩ quan Mỹ xử tử người phụ nữ dường như vô tội. Sự kiện này giống như một hồn ma ám ảnh tinh thần 4 thành viên còn lại của tiểu đội suốt cuộc hành trình trên đỉnh núi lạnh phủ tuyết.

Bốn người lính gồm Marson (Alexander Ludwig), Hopewell (Mitch Ainley), Heisman (RJ Fetherstonhaugh) và Asch (Chris Brochu) mỗi người một tính cách luôn vấp phải sự đấu tranh tư tưởng nội tâm mãnh liệt khi hoàn thành nhiệm vụ được giao. Những người lính nhận được sự giúp đỡ từ một người đàn ông Ý lớn tuổi. Bề ngoài người đàn ông có vẻ đáng tin và nhiệt tình chỉ dẫn họ nhưng mặt khác nhóm lính không thể tin tưởng hoàn toàn người đồng minh bất ngờ này. Cùng lúc đó, họ còn phải thoát thân khỏi sự truy đuổi của một nhóm lính bắn tỉa thiện xạ.

Thay vì đầu tư vào hình ảnh, đạo diễn Robert Port tập trung cho nghệ thuật kể chuyện và khai thác sâu tâm lý nhân vật. Dàn diễn viên trẻ của bộ phim đáp ứng được kỳ vọng khán giả khi thể hiện tròn vai những người lính mắc kẹt trong hàng loạt câu hỏi tự vấn về đạo đức và nhân tính. Đặc biệt, tuy mới chỉ là phim đầu tay nhưng "Đội do thám" đã chứng tỏ được vị đạo diễn kiêm biên kịch không hề là "tay mơ". Sở hữu sở trường ở mảng phim tài liệu, Rober Port có cách tiếp cận mảng đề tài chiến tranh thông minh và thuyết phục với nhiều khoảnh khắc chân thật gây xúc động. Hơn thế, bộ phim còn được đành giá cao khi có kinh phí thấp nhưng thành công trong việc tạo dựng nên không khí hồi hộp, căng thẳng đặc trưng của thể loại chiến tranh - điều thường đòi hỏi chi phí sản xuất cao cho bối cảnh và thiết kế.

Có thể nói, "Đội do thám" đã làm tròn nhiệm vụ của một bộ phim chiến tranh đích thực. Nó nhắc khán giả nhớ về những hậu quả khủng khiếp của chiến tranh và những mất mát người lính phải gánh chịu. Sau tất cả hy sinh, điều còn sót lại cho họ chỉ còn đau thương và tuyệt vọng. Đây có thể nói là bộ phim đạt hiệu quả một cách kịch tính khi lột tả những trăn trở đạo đức của những hành động được thực hiện trong thời chiến, đặc biệt là với hành động giết người.