Phép vua “đấu” lệ làng

ANTĐ - Mâu thuẫn quanh việc tay vợt trẻ Lý Hoàng Nam không tập trung ĐTQG ngày một căng thẳng khi phía đơn vị chủ quản kiên quyết không “nhả” VĐV, trong khi giới chức quần vợt Việt Nam tuyên bố sẽ trị nghiêm.
Phép vua “đấu” lệ làng ảnh 1
Nạn nhân trong những mâu thuẫn, đối đầu của “người lớn” không ai khác ngoài tay vợt trẻ Lý Hoàng Nam

Bên nào cũng cho mình đúng

Davis Cup nhóm II Châu Á - Thái Bình Dương 2014 chỉ còn 4 ngày nữa sẽ khai mạc nhưng danh sách đội tuyển Việt Nam vẫn chưa thể chốt do Becamex Bình Dương IDC có đơn xin rút Lý Hoàng Nam. Lý do Hoàng Nam vừa trải qua 2 tháng thi đấu liên tục tại Mỹ và Nam Mỹ nên cần được nghỉ ngơi. Đồng thời, các trận đấu ở Davis Cup với thể thức 5 ván sẽ khiến VĐV còn trẻ như Hoàng Nam dễ gặp chấn thương và nếu thua đậm sẽ bị ảnh hưởng về tâm lý. Phía Bình Dương cũng không ngần ngại tiết lộ khả năng rút Hoàng Nam khỏi ASIAD 17 được tổ chức tháng 9 tới do tay vợt này bận dự một giải khác tại châu Âu cùng thời điểm, và trình độ các VĐV tại Á vận hội quá cao, chưa phù hợp với Nam.

Đáp lại động thái trên, phía Liên đoàn quần vợt Việt Nam (VTF) cho biết đã nhờ Tổng cục TDTT can thiệp bằng 2 văn bản yêu cầu cho Hoàng Nam tập trung. “Đây không chỉ là lợi ích cho quần vợt Việt Nam mà còn là nghĩa vụ của Nam với quốc gia. Nếu Nam vắng mặt không có lý do chính đáng thì có thể bị Tổng cục TDTT cấm thi đấu đến 3 năm”, Tổng thư ký VTF  Nguyễn Quốc Kỳ nói. Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Trần Đức Phấn thì phân tích Hoàng Nam có thể coi như tài sản quốc gia, việc Bình Dương “cấm cửa” VĐV lên tuyển là không đúng, đồng thời khẳng định cần xử nghiêm việc này.

Ai vì quần vợt Việt Nam?

Việc xin rút Hoàng Nam vì sức khỏe không đảm bảo thực chất chỉ là lý do, bởi ai cũng biết nguyên nhân sâu xa đến từ mâu thuẫn giữa đơn vị chủ quản tay vợt này và VTF, sau những tranh chấp quyền lợi quanh việc tổ chức các giải quốc tế, trong nước. Điều đáng nói là không bên nào thừa nhận mối mâu thuẫn đang tồn tại và cũng không bên nào chịu ngồi lại với nhau để tìm giải pháp tối ưu. Nguyên nhân ngoài tự ái cá nhân còn có cả sự ích kỷ của lãnh đạo 2 tổ chức khi bên nào cũng muốn cái lợi thuộc về mình. Bình Dương sợ Hoàng Nam tốn sức, thui chột vì một giải đấu không có lợi cho lộ trình phát triển, trong khi VTF sợ vắng tay vợt hạng 56 trẻ thế giới sẽ kéo thành tích của chủ nhà Việt Nam tại Davis Cup đi xuống.

Bình Dương có cái lý của mình khi họ đã phải bỏ ra cả đống tiền để đào tạo, nuôi dưỡng tài năng Hoàng Nam nhưng cũng không thể lấy đó làm cớ “thích làm gì thì làm” với VĐV do mình sở hữu. Song thực tế, trên thế giới có vô số tay vợt nổi tiếng đã từ chối tập trung ĐTQG để tham dự các giải đấu khác có lợi cho sự phát triển chuyên môn. Nói thế để thấy rằng, cũng không nên cứng nhắc buộc VĐV  nào đó thực hiện “nghĩa vụ quốc gia” mà không cần biết điều đó có lợi hay hại cho VĐV. Theo cách nói của lãnh đạo ngành thể thao, Lý Hoàng Nam là “tài sản” quốc gia, vậy tại sao không nghĩ đến việc phát triển, nhân rộng nó thay vì chỉ nghĩ đến mỗi việc thu hoạch. Và có ai nghĩ ở tuổi 17, Lý Hoàng Nam còn đang ở độ phát triển, chưa phải lúc cho ra quả ngọt?