Phát triển quá nhanh, văn hóa ứng xử "chạy theo" không kịp

ANTD.VN - Thế hệ những người Hà Nội trên 60 tuổi hôm nay thỉnh thoảng ngồi nhẩm đếm lại những đổi thay của thành phố mình đang sống. Buồn vui lẫn lộn. Đó là thế hệ được sống trọn vẹn trên cả quãng đường dài xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thành đạt cũng có. Hy sinh mất mát cũng nhiều. 

Phát triển quá nhanh, văn hóa ứng xử "chạy theo" không kịp ảnh 1Bây giờ trên xe buýt, thanh niên thản nhiên ngồi chễm chệ, phớt lờ các cụ già

Thế nhưng dù đã đi xa hay vẫn còn ở lại thành phố này, họ luôn dành cho nó toàn bộ tình yêu, lòng kính trọng và cả những nỗi niềm lo lắng cho tương lai.

Một trong những đổi thay mang lại nhiều lo lắng nhất chính là những phép tắc ứng xử trong cộng đồng đã bị biến đổi theo chiều hướng xấu đi rất nhiều. Nó không những làm méo mó bộ mặt văn minh lịch lãm của thành phố mà còn tác động trực tiếp đến thị dân ở mọi nơi, mọi chỗ. Hẳn những người ở thế hệ trên dưới 60 tuổi còn nhớ như in những tháng năm chiến tranh, bao cấp gian khổ thiếu ăn thiếu mặc nhưng chưa bao giờ thiếu tình người.

Những thanh niên mới lớn thập kỷ 1970 bước chân vào giảng đường đại học lúc ấy phần lớn phải đi học ở những trường xa mãi trong Thanh Xuân, Cầu Giấy, thậm chí lên cả vùng bán sơn địa Vĩnh Phúc, Hương Canh, Vĩnh Yên… Hãn hữu lắm mới có đứa gia đình khá giả cấp cho một chiếc xe đạp để đến trường. Chiếc xe đạp ấy cũng nhanh chóng biến thành tài sản chung của cả lớp khi có việc cần. Số còn lại hoàn toàn đi bằng xe buýt, tàu điện. Họ phải tự đào tạo cho mình những ứng xử tàu xe một cách thoải mái nhất bởi trước mắt là bốn đến năm năm liền gắn bó với phương tiện này.

Những chiếc xe buýt nhãn hiệu Karosa được nhập khẩu từ Tiệp Khắc về chạy trên tất cả các tuyến đường từ nội thành ra ngoại thành lúc nào cũng trong tình trạng nêm người chật cứng. Vậy nhưng hành khách trên xe vẫn luôn có ý thức nhường nhau những khoảng không dù chật hẹp nhất. Tàu điện cũ nát và tốc độ chạy chậm hơn nên chỉ khi lỡ chuyến xe buýt sinh viên mới dùng đến.

Phương tiện công cộng trở nên phổ biến toàn thành phố đã vô tình tạo ra những nhóm hành khách quen thuộc đúng giờ. Họ biết mặt, nhớ tên nhau. Khách vãng lai cũng có nhưng không nhiều. Đám lưu manh trộm cắp vặt cũng có nhưng hầu như bị phát hiện ngay từ lúc bước chân lên xe. Rất hiếm kẻ dám liều mạng gây án. Cái cộng đồng nho nhỏ theo giờ ấy biết cách bảo vệ và nhường nhịn nhau trở nên một nét sinh hoạt đặc sắc của thành phố. Nhiều năm sau lớp người ấy vẫn còn giữ được mối quan hệ bạn bè từ thuở xe buýt công cộng. Vài đám còn thành gia thất. 

Nhà văn Đỗ Phấn

Theo một nghĩa chưa xa lắm, hồi đầu thế kỷ trước Hà Nội vẫn chỉ như một cái làng lớn bao gồm nhiều làng gộp lại. Những sinh hoạt có tính hương ước vẫn còn bền vững trong mọi tầng lớp thị dân. Người dân ở trong một khối phố vẫn còn có những hiểu biết cơ bản về hoàn cảnh của nhau như ở làng vậy.

Chính vì thế, trong từng cộng đồng nhỏ đều có sự quan tâm, giúp đỡ nhau những lúc hoạn nạn. Đại khái lúc nhà hết gạo có thể vác rá sang hàng xóm vay tạm vài ống bơ. Ốm đau có hàng xóm thăm hỏi. Cửa hàng cửa hiệu thường lấy giá rẻ nhất với người cùng phố, cùng khu. Trẻ con nghịch dại thì tất cả những người lớn có quyền trách phạt dạy dỗ. Thị dân cũng chia thành nhiều cộng đồng nhỏ có chung công việc hoặc mối quan tâm đến một vấn đề nào đó.

Tầng lớp trí thức giao du với nhau theo cách mà chúng ta bây giờ có thể hiểu là mẫu mực của ứng xử thị dân. Khách đến chơi nhà thường hẹn trước. Giờ giấc đàng hoàng. Lỡ có đến sớm thường đứng đợi ngoài cửa mà không đột ngột bước vào. Đến muộn dĩ nhiên xin lỗi chủ nhà một cách chân thành nhất. Tầng lớp lao động phổ thông cũng luôn tôn trọng những người trí thức bằng cả tấm lòng.

Không lạ gì nhau cho nên những ai làm việc gì đó sai trái thường phải rất cân nhắc, lo lắng. Rất hiếm khi có người đổ trộm rác ra đường. Không ai dám ngang nhiên chiếm một khoảng vỉa hè để sử dụng cho mục đích riêng. Cảnh sát đứng điều khiển giao thông ở các ngã tư đông đúc cũng chưa bao giờ thấy phải dùng đến tấm vé phạt.

Thành phố phải phát triển là điều tất yếu. Nhưng tốc độ phát triển như thế nào lại là điều đáng bàn. Với một đô thị lớn như Hà Nội thì không thể viện cớ dân trí thấp nhưng ứng xử nơi công cộng hồi ba bốn mươi năm trước gần như đã bị phá vỡ hoàn toàn. Sức ép về dân số, về hạ tầng giao thông, về thoát nước, về vệ sinh đường phố đang ngày càng đè nặng lên cuộc sống của thị dân. Điều đó làm phát sinh tâm lý bực dọc mỗi khi bước ra đường.

Kèm theo đó là thái độ sống luôn muốn bon chen vượt trội của những thị dân sống chưa đủ lâu ở thành phố đã làm cho lối ứng xử của số đông thay đổi từng ngày. Người ta không còn ý thức nhường nhịn nhau nữa dù chỉ là nửa bánh xe trên đường. Cũng không còn thấy ai ngần ngại khi ném túi rác ra ngay trước cửa nhà mình. Và trong mỗi gia đình cũng bắt đầu phân hoá nghiêm trọng về quyền lợi, nghĩa vụ. Một thành phố trước đây hiếm khi nghe tiếng cãi cọ, tranh giành thì nay đã có cảnh con dâu vác dép đuổi đánh mẹ chồng ngoài đường giữa ban ngày. 

Lối sống thờ ơ của thị dân có nguyên nhân trực tiếp nhất chính là họ đã gần như chẳng còn quan hệ, quen biết gì nhau nữa. Phần do người nhập cư ngày một đông lên. Phần khác do những người cũ hơn luôn phải tìm cách đối phó với những điều khác lạ xảy ra hàng ngày. 

Đó chính là hệ lụy của tốc độ phát triển quá cao. Ta biết làm gì khi một người bình thản leo qua hàng rào dải phân cách ở ngay những con đường đôi nội thành Giải Phóng, Minh Khai, Cầu Giấy? Ta cũng chẳng biết làm gì khi một người ngả lưng đánh giấc ngon lành ngay trên chiếc ghế nhà chờ xe buýt bất kể giờ nào. Càng không thể làm gì khi một anh chàng bặm trợn dừng xe sau lưng ta cùng chờ đèn đỏ nhưng liên hồi bấm còi bắt ta nhường đường cho anh ấy vượt. Chỉ một ánh mắt thiếu thiện cảm về phía anh ấy thôi là rất có thể ta sẽ trở thành nạn nhân của một vụ án mạng.

Không một chính quyền nào đủ sức quản lý đến cả những điều nhỏ nhặt như thế. Nhưng nó lại chính là nền tảng làm nên một đô thị mất kiểm soát về ứng xử. Ta phải tự yêu lấy cuộc đời và yêu nơi mình đang sống vậy thôi.