Phạt nguội đang “nóng” lên

ANTĐ - Bình quân mỗi năm, thế giới có 1,3 triệu người chết vì tai nạn giao thông, tương đương 3.000 người chết/ngày và 20-50 triệu người bị thương/năm, thiệt hại nhân mạng lớn không thua kém các cuộc đại chiến, xung đột trên toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, mỗi năm có 10.000 người chết, tính ra mỗi năm tổn thất 3% GDP, tương đương 4,5 tỷ USD vì TNGT. Đáng lưu ý là, trong số đó có 7.000 người thiệt mạng vì tai nạn xe máy. Vậy, giải pháp nào để giảm thiểu TNGT, trong khi chưa thể cấm xe máy, phương tiện chủ yếu ở nước ta?

Ở các nước, tàu hỏa trên cao, tàu điện ngầm được coi là phương tiện công cộng lý tưởng, còn xe buýt chỉ đáp ứng một phần nhu cầu đi lại. Các phương tiện công cộng phải hoàn thiện  theo lộ trình 10-20 năm. Theo Vụ trưởng An toàn giao thông, Bộ GTVT, giải pháp căn cơ nhất hiện nay là tách riêng làn ô tô và xe máy. Trong mấy năm qua, Malaysia đã giảm được 20% số người chết do TNGT bằng giải pháp này. Tuy vậy, trong điều kiện hạ tầng giao thông, mật độ phương tiện đông đúc như hiện nay, đề xuất phạt nguội các phương tiện vi phạm bằng cách lắp camera có thể mang lại hiệu quả cao, đồng thời hạn chế hành vi vi phạm luật như chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, đi sai làn, dừng đỗ không đúng, không đội mũ bảo hiểm.

Thực hiện mục tiêu chống ùn tắc giao thông, giảm số vụ TNGT và số người chết, CATP Hà Nội đã được trang bị Trung tâm điều khiển, giám sát giao thông bằng hệ thống camera, mỗi ngày Phòng CSGT ghi nhận khoảng 30 trường hợp vi phạm. Trước thực trạng giao thông hiện nay, Phòng CSGT khẳng định rằng, hoàn thành sớm được nút nào thì CSGT sẽ triển khai xử lý phương tiện vi phạm tại khu vực đó, chứ không chờ lắp xong trên tất cả các nút giao thông trong thành phố thì mới xử phạt. Song, khó khăn lớn nhất khi áp dụng xử phạt qua ghi hình là xe không chính chủ còn nhiều, việc gửi giấy báo vi phạm đôi khi không đúng đối tượng, khiến việc xử lý chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. 

Ở hầu hết các nước, vi phạm Luật Giao thông chủ yếu bị phạt nguội, hiếm khi bị phạt nóng tại hiện trường như ở ta. Trong hoàn cảnh thực tế hiện nay, phạt nguội chưa thể thay thế ngay hình thức phạt nóng. Song, phải thừa nhận phạt nóng đang phát sinh nhiều bất cập như xin xỏ, gọi điện, cãi cọ, đôi khi chống lại người thi hành công vụ, gây nguy hiểm cho CSGT. Rõ ràng vấn đề phạt nguội đang “nóng” lên nhưng không thể vì thế mà chần chừ triển khai phạt nguội dù phải đầu tư tốn kém. Và suy cho cùng, dù phạt nóng hay phạt nguội cũng đều hướng đến mục đích lập lại trật tự an toàn giao thông, giảm số vụ TNGT, giảm số người chết, bị thương vì TNGT.