Phát ngôn của Sở Y tế Quảng Trị về cá nục nhiễm phenol là vội vàng

ANTĐ - Chiều nay, 13-6, TS Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế khẳng định, hiện trên thế giới, chưa có bất cứ nước nào có quy định về hàm lượng phenol trong hải sản. Do đó, phát ngôn của đại diện Sở Y tế tỉnh Quảng Trị về lô cá nục nhiễm phenol là vội vàng.
Chiều nay, 13-6, TS Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế lên tiếng khẳng định, hiện trên thế giới chưa có bất cứ nước nào có quy định về hàm lượng phenol trong hải sản, dù vậy phát ngôn của đại diện Sở Y tế tỉnh Quảng Trị về lô cá nục nhiễm phenol là vội vàng.

2 ngày nay, thông tin cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị phát hiện 25 tấn cá nục nhiễm phenol với hàm lượng phenol trong cá là 0,037 mg/kg khiến dư luận hết sức lo ngại. Đại diện Sở NN&PTNT Quảng Trị cho rằng không có quy định nào về hàm lượng phenol trong thực phẩm thì đại diện Sở Y tế tỉnh này lại nhấn mạnh đây là chất cực độc không được phép có trong thực phẩm.

TS Nguyễn Hùng Long trao đổi với báo chí chiều 13-6

Trao đổi với báo chí chiều 13-6, TS Nguyễn Hùng Long cho biết, phenol là chất rắn không màu, hoặc màu trắng, ở dạng dung dịch, có thể là chất tổng hợp hoặc được tạo thành trong tự nhiên, được sử dụng phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Con người có thể bị phơi nhiễm với phenol qua nhiều đường khác nhau như không khí, đất, nước (tiếp xúc), ngay trong môi trường làm việc nhất là môi trường sản xuất nilon, nhựa…

Riêng đối với thực phẩm, phenol có thể tìm thấy trong xúc xích, thịt ba chỉ rán… Chất phenol cũng có thể có trong thực phẩm tự nhiên, nhất là một số loại trái cây như táo, nho đỏ, ca cao, củ cải, khoai tây, dâu, cà chua, lạc… Về tác hại của phenol với sức khỏe, hiện các nghiên cứu chưa có bằng chứng cho thấy phenol liên quan đến ung thư. Cơ quan quản lý môi trường của Mỹ không xếp phenol vào nhóm hóa chất gây ung thư.

Ông Nguyễn Hùng Long khẳng định, hiện theo tất cả các tài liệu của Codex, EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, chưa có nước nào quy định mức giới hạn của phenol trong hải sản, có lẽ vì trong hải sản không có chất này hoặc có trong sản phẩm tự nhiên nhưng hàm lượng rất nhỏ, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Chỉ duy nhất Cơ quan quản lý thực phẩm châu Âu có một nghiên cứu cho thấy, hàm lượng phenol ăn vào cơ thể người qua thực phẩm hàng ngày là 0,18mcg/ 1kg thể trọng người/ ngày là an toàn.

Trở lại với thông tin 25 tấn cá nục của Quảng Trị nhiễm phenol, Phó Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Hùng Long phân tích, việc cơ quan chức năng của tỉnh này lấy 6 mẫu nhưng chỉ phát hiện một mẫu cá nục có phenol và mức hàm lượng phenol phát hiện là 0,037 mg/ kg, như vậy quy đổi ra trung bình 1 người Việt Nam (nặng khoảng 50-55kg) ngày nào cũng ăn 2 lạng cá này thì hàm lượng phenol vẫn ở dưới mức cho phép, không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Trị, Cục ATTP cũng đã yêu cầu Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Trị lấy thêm một số mẫu cá nữa để kiểm nghiệm. Ông Nguyễn Hùng Long cho biết, trong thời gian từ giờ đến khi có kết quả kiểm nghiệm thêm nhiều mẫu cá khác thì Cục ATTP kiến nghị Quảng Trị tạm thời ngừng lưu thông lô sản phẩm (lô cá nục) nhiễm phenol nói trên. Đến khi có kết quả sẽ công bố, nếu kết quả khẳng định cá nục không chứa hoặc chứa phenol ở hàm lượng 0,037 mg/kg như trên thì có thể cho phép lô cá này được tiếp tục lưu thông vì trong phạm vi an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Cũng theo TS Nguyễn Hùng Long, việc Chi cục ATVSTP Quảng Trị nhận định phenol là chất kịch độc và kiến nghị tiêu hủy ngay lô cá nục nhiễm phenol như vậy là hơi vội vàng. Thực tế đây đúng là chất độc nhưng không phải cứ có trong thực phẩm là độc mà nó có ngưỡng nhất định. TS Nguyễn Hùng Long nhấn mạnh: “Trước bất cứ một vụ việc gì có ảnh hưởng đến sức khỏe cần thận trọng, xem xét kỹ trước khi công bố để tránh gây hoang mang dư luận, người tiêu dùng, để ảnh hưởng đến người sản xuất kinh doanh”.