Phạt học sinh không phải để làm nhục người có lỗi

ANTĐ - TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, tâm sinh lý lứa tuổi học sinh phổ thông rất nhiều biến động nếu thầy cô, cha mẹ chỉ bắt lỗi và áp dụng những hình phạt có tính chất hạ thấp tư cách, thay vì để các em nhận thức trách nhiệm về hành vi của mình thì hậu quả sẽ khó lường.

- Ngày càng có nhiều vụ việc đáng tiếc khi các em học sinh tự tử vì những câu nói, mắng mỏ hay hình phạt ở trường cũng như ở gia đình. Đây có phải là điều đáng cảnh báo với người lớn?

- Thực tế này rất đáng cảnh báo với phụ huynh cũng như giáo viên. Về mặt tâm lý học, học sinh THCS thường được đánh giá là lứa tuổi có nhiều đột phá, biến chuyển tâm sinh lý khá mạnh mẽ, có nhiều khả năng dẫn đến những hành động cực đoan trước tác động ngoại cảnh. Giáo viên, phụ huynh hàng ngày cần quan sát, tìm hiểu, lắng nghe suy nghĩ của các em thay vì nóng giận, đưa ra những quyết định mang tính áp đặt, thiếu chia sẻ, phân tích.

- Cái chết của em học sinh lớp 7 tại huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh đang khiến gia đình bức xúc vì cho rằng cô giáo tát và phạt cởi áo lau lớp học. Nếu đúng như vậy thì đây có phải là cách ứng xử phản sư phạm? 

- Sự việc chưa được làm rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, nếu đúng như gia đình phản ánh thì theo tôi hành vi của giáo viên là không thể chấp nhận, vừa phản giáo dục, vừa thiếu tình người. Hiện giáo viên vẫn còn quen với cách phạt mang tính áp đặt với học sinh. Như tôi đã nói, phạt không phải là để làm nhục người có lỗi mà là để họ có ý thức chịu trách nhiệm với những hành vi không đúng của mình. Ở đây, học sinh có thể bị ức chế tâm lý,  trước sự đối xử như vậy, dẫn tới cảm giác không được chia sẻ, bức bối đến mức phải chọn cách tự tử. Đây là một trong những kiểu phản ứng của học sinh xuất phát từ tâm lý lứa tuổi.

- Nói như vậy có nghĩa giáo viên không được phạt, nói nặng lời với học sinh?

- Theo tôi cách giáo dục bằng bắt phạt là hình thức giáo dục cũ. Hiện nay, với xu thế phát triển chung, phụ huynh, giáo viên cần nhận thức rõ việc phải tôn trọng con em, học sinh của mình. Đây không phải là khẩu hiệu  vì các em xứng đáng được như vậy. Với những cách làm, suy nghĩ chưa đúng của học sinh giải pháp đưa ra cần dựa trên quá trình quan tâm, nắm bắt tính cách từ đó gợi mở những giải pháp để học sinh có quyền được lựa chọn cách thức phù hợp nhất. 

- Tuy nhiên giáo viên hiện nay phần nhiều vẫn được đánh giá là thiếu kiến thức về tâm lý dẫn tới cách ứng xử không phù hợp của một nhà sư phạm?

- Đúng là lượng kiến thức về tâm lý học trong trường sư phạm không nhiều và sinh viên cũng ít được thực hành. Tuy nhiên không thể đổ tại không được dạy nên không biết. Giáo viên có tay nghề phải tự trang bị cho mình những kiến thức này để có cách tiếp cận học sinh tốt nhất, giúp các em trong học tập lẫn hình thành tính cách, ứng xử tích cực. Hiện nhiều giáo viên vừa thiếu kỹ năng sư phạm, thiếu hiểu biết về tâm lý học lại quen với cách áp đặt theo quan điểm, cảm xúc cá nhân. Điều này cần được nhìn nhận lại để tránh những tình huống phản sư phạm, gây hậu quả đáng tiếc.

- Xin cảm ơn TS!