Phát hiện hoá thạch khủng long được cho là to nhất thế giới

ANTĐ - Hoá thạch của một con khủng long được cho là sinh vật lớn nhất từng sống trên trái đất vừa được các nhà cổ sinh vật học tìm thấy ở Argentina.

Dựa vào khúc xương đùi khổng lồ được tìm thấy, người ta ước lượng nó dài khoảng 40m,  cao 20m và nặng 77 tấn – tương đương 14 con voi và nặng hơn 7 tấn so với kỉ lục được ghi nhận trước đó.

Các nhà khoa học  tin rằng con khủng long này thuộc giống Titanosaur – một giống khủng long ăn thực vật ở cuối kỉ phấn trắng.

Một người nông dân địa phương đã phát hiện ra bộ hoá thạch ở sa mạc gần La Flecha, cách Trelew, Patagonia 250 km về phía tây. Một đoàn làm phim từ BBC Natural History Unit đã đến tận nơi để ghi lại hình ảnh các nhà khoa học khai quật lên bộ hoá thạch lịch sử.

Một khúc xương của con khủng long dài hơn cả chiều cao của một người trưởng thành

Dựa vào niên đại của đá, các nhà khoa học cho rằng loài sinh vật ăn cỏ khổng lồ này đã sống ở rừng rậm nhiệt đới Patagonia trong khoảng từ 95 đến 100 triệu năm trước. Mặc dù đây là một loài khủng long khổng lồ, nó vẫn chưa được đặt tên chính thức.

Các nhà nghiên cứu cho biết họ sẽ nghĩ ra một cái tên thích hợp miêu tả được sự to lớn của nó cũng như vinh danh người chỉ trang trại, người đã phát hiện ra bộ hoá thạch này.

Đã có rất nhiều đối thủ cho danh hiệu “loài khủng long lớn nhất thế giới”. Gần đây nhất là một con khủng long giống Argentinosaurus, thuộc loại chân thằn lằn, cũng được tìm thấy ở Patagonia. Người ta đã ước lượng nó khoảng 100 tấn khi mới tìm ra nhưng sau đó rút lại còn 70 tấn sau khi nghiên cứu kĩ.