"Phải xem thực phẩm bẩn nguy hại như ma túy"

ANTĐ - Trao đổi bên hành lang Quốc hội, chiều 2-4, ĐBQH Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) cho rằng, thực phẩm bẩn giết con người từ từ và phải xem nó nguy hại như ma túy.

"Phải xem thực phẩm bẩn nguy hại như ma túy" ảnh 1

- PV: Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ở Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng đa số thực phẩm của chúng ta an toàn nhưng nhân dân không biết! Ông có bình luận gì về phát biểu này?

- ĐBQH Trần Ngọc Vinh: Cá nhân tôi không đồng tình với phát biểu này. Nếu Bộ trưởng Cao Đức Phát nói đa số thực phẩm sạch, vậy tại sao báo chí lại nêu ung thư nhiều thế, nếu sạch thì là nơi nào và nơi nào không sạch, sao không công bố để người dân biết? 

-  Ông đánh giá thế nào về nạn thực phẩm bẩn hiện nay? Vấn đề này có được cử tri phản ánh tới các ĐBQH?

- Thời gian vừa qua, nhiều ĐBQH đã lên tiếng về thực phẩm bẩn, về sử dụng chất cấm trong sản xuất, chăn nuôi. Cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc và phát hiện một số nơi sử dụng chất cấm chăn nuôi quá mức quy định nhiều lần. Song nỗi lo về thực phẩm bẩn không giảm, trái  lại còn tăng thêm sau vụ việc các cơ quan quản lý Nhà nước để hàng chục tấn salbutamol (chất có thể gây ung thư) được nhập về và tuồn ra thị trường, sử dụng trong chế biến thức ăn cho lợn (chất tạo nạc).

Qua tiếp xúc, cử tri chia sẻ họ rất lo lắng, giờ ra chợ không biết thực phẩm nào sạch, thực phẩm nào bẩn, cứ phải nhắm mắt ăn thôi. Thời bao cấp, dân ta lấy thước đo đơn giản là “ăn no”, sau này đời sống được cải thiện thì muốn “ăn ngon”. Nhưng giờ nhiều người dân nói với tôi rằng họ chỉ mong được ăn sạch thôi cũng khó. Ngay cả trong siêu thị, rau dán tem, nhãn đàng hoàng, bảo là rau sạch nhưng kiểm tra ra thì lại là rau bẩn. Thực phẩm bẩn giết con người từ từ và phải xem nó nguy hại như ma túy.

- Ông có kiến nghị gì để giải quyết tình trạng thực phẩm bẩn bủa vây như hiện nay?

- Tôi cho rằng phải có chế tài đủ mạnh để phạt những cơ sở, cá nhân cố tình sản xuất thực phẩm bẩn. Đồng thời phải giao vấn đề này cho chính quyền địa phương vì địa phương mới biết rõ được hộ, cơ sở kinh doanh nào sử dụng trái phép chất cấm trong sản xuất. Việc nhập khẩu chất cấm phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ, không để tình trạng tuồn ra sử dụng sai mục đích như vừa xảy ra với hàng chục tấn salbutamol. Ngoài ra, các cơ quan chức năng phải phân rõ, bộ nào chịu trách nhiệm chủ yếu về vấn đề này, bộ nào là bộ kết hợp, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. 

- Xin cảm ơn ông!

Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, ngày 1-4 khi tiến hành đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và thảo luận về những nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch 5 năm tiếp theo, lần đầu tiên buổi thảo luận ghi nhận nhiều ý kiến đề nghị đưa nhiệm vụ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trở thành một chỉ tiêu phấn đấu trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm tới. Điều này cho thấy vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang nhức nhối hơn bao giờ hết.

Trong khi đó, cũng tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng đa số thực phẩm của chúng ta an toàn nhưng nhân dân không biết. Phát biểu này của Bộ trưởng đã không được các ĐBQH và nhân dân đồng tình.

Theo ĐBQH Trần Ngọc Vinh, thực phẩm bẩn giết con người từ từ và phải xem nó nguy hại như ma túy.

ĐBQH, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan: Thực phẩm bẩn gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm 

"Bệnh ung thư đang tăng nhanh từng ngày, từng giờ. Đó là thực trạng mà cá nhân tôi cảm thấy rất buồn. Nhiều người, trong đó có những ĐBQH nhắc tới thực phẩm “bẩn” như là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư.

Tôi nghĩ thực phẩm bẩn không chỉ gây ung thư mà còn gây nhiều bệnh khác. Về khoa học, tôi được biết, đến thời điểm này, chưa có một nghiên cứu nào khẳng định chắc chắn về việc thực phẩm gây ung thư nhưng cũng chưa có nghiên cứu nào phủ nhận điều đó. 

Rõ ràng, đối với người dân, thói quen ăn uống, sử dụng thực phẩm dẫn đến bệnh tật nói chung, ung thư nói riêng là nguy hiểm nhất. Tuy nhiên tình trạng ung thư gia tăng đang ngày càng trở nên nhức nhối, gây bức xúc trong xã hội có thể vì trong quá khứ chúng ta đã sử dụng những hóa chất có nguy cơ gây ung thư nhưng không biết nó độc hại.

Cũng có thể trước đây có nhiều người chết vì ung thư nhưng chúng ta không chẩn đoán được, còn bây giờ có thể phát hiện được chính xác bệnh, do đó cảm nhận rõ hơn về số bệnh nhân ung thư ngày càng tăng". 
                                                                                      Nguyễn Phan

"Phải xem thực phẩm bẩn nguy hại như ma túy" ảnh 4Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NN&PTNT Nguyễn Tử Cương: Báo động thực phẩm bẩn
“Tôi cho rằng thực phẩm không an toàn gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng đang là vấn đề đáng báo động. Hiện nay, đã xuất hiện ngày càng nhiều mối nguy gây mất an toàn thực phẩm do người sản xuất chủ động đưa các chất cấm vào vật nuôi, cây trồng và thực phẩm trong quá trình chế biến nhằm kiếm lợi cho riêng mình.  

Ví dụ, nhúng 2,4 D (một loại hóa chất gây ung thư) để chuối chín nhanh và vàng đều; tiêm thuốc an thần cho lợn trước khi vận chuyển; sử dụng salbutamol (độc tố gây hại thần kinh) để tạo nạc trong chăn nuôi lợn; trộn chất vàng ô (gây ung thư) vào thức ăn nhằm tạo màu vàng cho da gà… Hậu quả là người ăn những thực phẩm ấy bị ngộ độc thần kinh, suy thận, ung thư…

Có nhiều cơ quan có chức năng kiểm soát an toàn thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm như Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Y tế… nhưng thực phẩm không an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng vẫn ngày càng tăng. Nguyên nhân chính là ở hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm không thống nhất, mâu thuẫn và chồng chéo.

Khi thực thi công vụ, mỗi cơ quan sẽ dựa vào một văn bản pháp luật (có thể là Luật, Nghị định, Thông tư…) có lợi cho cơ quan mình để thực thi công vụ. Lực lượng kiểm tra an toàn thực phẩm thường “nhằm” vào các doanh nghiệp lớn (khi đi kiểm tra thường báo trước) mà bỏ qua các cơ sở nhỏ lẻ. Mặt khác, việc kiểm tra an toàn thực phẩm chỉ hoạt động tích cực trong tháng cao điểm, sau đó buông lỏng. Kết quả là tình trạng mất an toàn thực phẩm cứ tiếp diễn”.
                                                                                              An Nhiên 

Ăn toàn hóa chất độc hại, sao tránh khỏi ung thư
GS-TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, 80% nguyên nhân gây ung thư là do môi trường bên ngoài. Trong đó, thức ăn, ô nhiễm thực phẩm là tác nhân gây nên 40% ca ung thư. Như vậy, cứ 10 người ung thư thì có 4 người do ăn phải thực phẩm không an toàn. 

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 150.000 người mắc ung thư mới và khoảng 80.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Hiện nay, tỷ lệ ung thư của Việt Nam được đánh giá là cao nhất thế giới mà nguyên nhân bị nghi ngờ là do các loại hóa chất độc hại có trong thức ăn hàng ngày.

Liên tục phát hiện thực phẩm bẩn

7 trong số 9 mẫu măng tươi ở Đà Nẵng sau khi được kiểm tra bị phát hiện là có tồn dư chất cấm Auramine O (còn gọi là chất vàng ô). Chất vàng ô là màu tổng hợp, chỉ sử dụng trong công nghiệp nhuộm và dùng để làm màu sơn quét tường. Đây là loại chất cấm sử dụng trong thực phẩm. (Kết quả kiểm tra của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản TP Đà Nẵng, ngày 1-4-2016)

Sáng 17-3-2016, lực lượng liên ngành Hà Nội kiểm tra tàu chở hàng số hiệu SY2, toa số 231814, lộ trình từ TP.HCM ra Hà Nội, phát hiện 2 tấn hàng chứa trong các bao tải trên toa tàu đều là ruốc có màu vàng nhạt, không có mùi vị của ruốc. Chủ hàng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của 2 tấn ruốc trên. Trước đó, ngày 14-3-2016, lực lượng chức năng cũng phát hiện lô ruốc với tổng trọng lượng 1 tấn, nghi làm từ sắn dây, vận chuyển từ TP.HCM ra Hà Nội. 

Ngày 14-2-2016, Chi cục Thú y TP.HCM cho biết, lực lượng chức năng đã lấy tổng số 276 lô lợn tại 5 lò mổ trên địa bàn TP.HCM xét nghiệm và phát hiện có 32 lô với tổng đàn 1.536 con lợn dính chất cấm salbutamol (chất tạo nạc, tăng trọng). Hàm lượng tồn dư chất cấm ở mức từ 34-1.400bbp, gấp 700 lần mức cho phép. Trong năm 2015, có trên 20 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu 9.140kg salbutamol về Việt Nam. Tuy nhiên, trong 6 tấn đã được bán ra thị trường, chỉ có... 10kg được sử dụng đúng quy định. 

Ngày 22-1-2016, lực lượng Cảnh sát môi trường - Công an TP.HCM đã kiểm tra cơ sở sản xuất bún tươi Tạ Hải Đường (253 đường số 9, phường Phước Bình, quận 9), phát hiện cơ sở này sử dụng phụ gia là hóa chất tẩy trắng công nghiệp cực mạnh ngoài danh mục được phép dùng trong thực phẩm (acid oxalic và tinopal CBS-X.) để tẩy trắng bún.

Không có lẽ nhân dân lo hão?
*Bạn đọc mời Bộ trưởng ra chợ kiểm tra đột xuất
Trên báo Lao động điện tử, bên dưới bản tin tường thuật phiên họp Quốc hội có nêu phát ngôn “đa số thực phẩm của chúng ta an toàn nhưng nhân dân không biết” của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, nhiều bạn đọc bày tỏ quan điểm không đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng.

Bạn đọc Dũng Hoàng nói: “Tôi thấy các con số của Bộ trưởng sao khó tin quá vậy? Đẹp quá vậy? Tôi xin mời Bộ trưởng thử ra chợ kiểm tra đột xuất mà không báo trước xem thế nào?”. Bạn đọc Thanh Hải thắc mắc: “Bộ trưởng có biết hàng ngày, có bao nhiêu người Việt Nam bị mắc ung thư mới không? Nếu cách quản lý tốt, người dân sẽ không khổ như vậy”. Một bạn đọc khác gay gắt hơn: “An toàn ở đâu? Không có lẽ nhân dân lo hão? Các nhà quản lý cần sâu sát cuộc sống người dân chứ phát biểu như vậy thì xa rời quá”.

Cũng bày tỏ sự bức xúc, trên Báo điện tử Dân trí, bạn đọc phản hồi lại phát ngôn của Bộ trưởng: “Báo đài phanh phui bao nhiêu vụ thực phẩm bẩn mất vệ sinh như vậy mà Bộ trưởng vẫn nói đa số an toàn. Tôi còn nhớ hồi là sinh viên, vừa học vừa làm tại một nhà hàng, đúng như những gì người ta nói, không dám ăn những gì mình tự làm vì 100% thực phẩm không rõ nguồn gốc nhập từ Trung Quốc. Khi có đoàn kiểm tra đến lấy mẫu xét nghiệm thì dúi cho cái phong bì, vài tuần sau nhận ngay được giấy chứng nhận an toàn thực phẩm treo giữa nhà hàng, khách ngày càng đông. Bộ trưởng chỉ nghe cấp dưới báo cáo mà không chịu vi hành thì không nắm được hết thực tế đâu”.
Một bạn đọc khác lên tiếng: “Nói như Bộ trưởng thì số người mắc bệnh ung thư đang tăng lên từng ngày, từng giờ là con số ảo à? Người dân đều biết tỏ đấy, thưa Bộ trưởng! Ông nên ra chợ xem báo cáo của ông đã chuẩn chưa?
                                                                                          Thành Nam