Phải thay đổi quan niệm

ANTĐ - “Học sinh sau khi tốt nghiệp THPT nếu như không bị gia đình bắt ép thì có thi trượt đại học cũng chẳng ai hào hứng học nghề”, chị Tố Loan (29 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) nói về vấn đề học nghề hiện nay.

- Sao lại thế?

- Vì ai cũng nghĩ học đại học mới kiếm được việc tốt, thu nhập cao. Thực tế thì sinh viên ra trường rất khó xin việc trong khi các doanh nghiệp có muốn trả lương cao cho lao động lành nghề thì cũng không biết kiếm đâu ra. Theo tôi, nếu đã có bằng tốt nghiệp THPT, người học có thể đi làm sau 2 năm học trung cấp nghề. Bất cứ quốc gia nào cũng cần nhiều lao động có tay nghề và sẽ cần thợ nhiều hơn kỹ sư. Học tốt thì đây là con đường kiếm tiền nhanh hơn, sau này có muốn học thêm cũng không muộn.

- Theo chị còn nguyên nhân nào nữa khiến người ta không mặn mà với học nghề không?

- Thứ nhất, chương trình dạy nghề hiện toàn kiến thức cũ, chỉ phù hợp với nền sản xuất gia công, chưa đạt được trình độ khu vực. Thứ hai, luật dạy nghề chưa sát thực tế, không quy định cụ thể về nội dung, chương trình, hình thức, tổ chức giảng dạy thường xuyên để lấy văn bằng, chứng chỉ ở các trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề nên đến nay vấn đề này vẫn không triển khai được. Và việc phân luồng học sinh làm chưa hiệu quả. Tư vấn nghề cần phải mời cả các bậc phụ huynh đến thì mới thay đổi quan niệm được.

- Phải thay đổi cách nghĩ của các em học sinh về học nghề như thế nào?

- Cơ hội trong cuộc đời không thiếu. Chọn cho mình nghề phù hợp tức là tự tạo cho mình một bệ phóng tốt để vào đời. Điều đáng tự hào của mỗi người không phải ở chỗ anh có bằng cấp này nọ mà ở chỗ anh lập thân, sớm tự nuôi mình và sau  này nếu có điều kiện sẽ lo cho người thân.