Phải minh bạch các lĩnh vực cấm đầu tư, kinh doanh

ANTĐ - Ngày 11-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của 2 dự án: Luật Đầu tư (sửa đổi) và  Luật Doanh nghiệp  (sửa đổi). 


Đảm bảo hài hòa giữa quyền tự do kinh doanh với yêu cầu quản lý Nhà nước là điều kiện quan trọng để quản lý hiệu quả (Trong ảnh: chờ làm thủ tục thành lập doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch đầu tư Hà Nội)

Liên quan tới Luật Đầu tư (sửa đổi), theo  Chủ nhiệm Ủy ban  Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, hiện nay, có 9 nhóm vấn đề còn ý kiến khác nhau. Trong đó, có nhiều ý kiến đề nghị rà soát, quy định cụ thể các lĩnh vực cấm đầu tư, chi tiết danh mục ngành, nghề đầu tư có điều kiện vào dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Một số ý kiến đề nghị quy định danh mục cấm đầu tư và danh mục cấm kinh doanh vào một danh mục và quy định trong Luật Đầu tư để tránh chồng chéo. Cũng có ý kiến đề nghị Chính phủ trình UBTVQH trước khi ban hành danh mục cấm đầu tư. Ý kiến khác đề nghị giao cho Chính phủ quy định về ngành, nghề đầu tư có điều kiện để đảm bảo tính ổn định, lâu dài của Luật...                                  

Qua nghiên cứu các ý kiến đóng góp, Ủy ban Kinh tế đề nghị, sau khi hoàn thiện, danh mục những ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh sẽ được quy định cụ thể tại Điều 5 của dự thảo Luật. Đồng thời, sẽ quy định tiêu chí, nguyên tắc để xác định danh mục ngành, nghề đầu tư có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và giao Chính phủ rà soát, tập hợp, công bố danh mục này sau khi báo cáo UBTVQH xem xét, cho ý kiến. 

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT  Bùi Quang Vinh nhất trí với yêu cầu sớm cụ thể, chi tiết các danh mục ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Song, Bộ trưởng thông tin: “Dù Thủ tướng đã ký văn bản yêu cầu các bộ, ngành cung cấp danh mục ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện của ngành mình và giải trình cụ thể, song đến nay mới chỉ có 3 bộ, ngành thực hiện”.

Thảo luận về sửa đổi Luật Doanh nghiệp, nhiều ý kiến UBTVQH yêu cầu, phải hài hòa giữa tự do kinh doanh và yêu cầu quản lý Nhà nước. Theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, doanh nghiệp đăng ký ngành, nghề kinh doanh và sau đó, được quyền kinh doanh theo đúng ngành nghề đã đăng ký và được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Như vậy, về thực chất, doanh nghiệp chỉ được quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề đã đăng ký. Nếu doanh nghiệp muốn kinh doanh các ngành, nghề chưa ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì phải làm thủ tục bổ sung, điều chỉnh Giấy chứng nhận; nếu kinh doanh ngành, nghề không ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì hoạt động kinh doanh bị coi là trái phép. 

Ủy ban Kinh tế đề nghị không ghi ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải có nghĩa vụ kê khai, thông báo ngành, nghề kinh doanh với các cơ quan có thẩm quyền khi đăng ký kinh doanh hoặc khi bổ sung ngành, nghề kinh doanh để thực hiện nghĩa vụ của mình. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, cần đảm bảo hài hòa giữa quyền tự do kinh doanh với yêu cầu quản lý Nhà nước. Đồng thời, cần phải rà soát để sửa đổi đồng bộ nhiều văn bản pháp luật khác (như về xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự đối với hành vi kinh doanh ngoài lĩnh vực đã đăng ký…) để đảm bảo tính khả thi của luật. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, khó nhất hiện nay là xác định rõ các lĩnh vực cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Nếu còn chưa làm rõ thì không đủ điều kiện để trình Quốc hội thông qua. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, 2 dự luật phải thể hiện được tinh thần dân chủ đi liền với kỷ cương, trách nhiệm. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Thông thoáng cho hoạt động đầu tư kinh doanh, nhưng phải ngăn chặn được những hiện tượng tiêu cực trong đời sống kinh tế”.