Phải biết xấu hổ

ANTĐ - Sau khi anh James Joseph Kendall (quốc tịch Mỹ) cùng các bạn người nước ngoài lội xuống con mương ở phường Yên Hòa để vớt rác, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã đến thăm, cảm ơn và tự tay gắn lên ngực áo ông Tây dọn cống huy hiệu của Thủ đô như một sự ghi nhận trân trọng. Động thái kịp thời và đầy tính khích lệ của người đứng đầu thành phố đã được người dân đánh giá cao. 

Anh James Joseph Kendall là người đã sáng lập nhóm “Vì Hà Nội sạch” với những hành động thiết thức để làm sạch môi trường thành phố. Hình ảnh những thanh niên đến từ những đất nước văn minh đi ủng, đeo găng tay, sử dụng những công cụ thô sơ moi cống, vớt rác như những công nhân vệ sinh môi trường thực sự đã gây ấn tượng mạnh với những người chứng kiến. Không hiểu rằng, trước hành động dọn rác ngay trong “nhà mình” của những người bạn nước ngoài, liệu những người dân hàng ngày vẫn vô tư xả rác, vứt rác có cảm thấy day dứt hay xấu hổ?

Hành động của anh James Joseph Kendall và những người bạn  không hề có ý nghĩa “tượng trưng” hay hình thức để được báo chí, truyền hình khuếch trương, quảng bá mà nó thực sự đã “đánh” thẳng vào đầu óc, suy nghĩ và hành vi của mỗi người dân nhất là giới trẻ. Thực tế cho thấy, ở các công viên, trên những tụ điểm vui chơi giải trí sau mỗi dịp lễ hội lại tràn ngập rác thải, cỏ cây, hoa tươi bị giẫm nát. Gần đây nhất trong kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động, tại các bãi biển, khu du lịch sau khi du khách rút đi là những “biển” rác nổi bềnh không còn chỗ đặt chân. Có thể nói không quá lời khi cho rằng tình trạng vô tư xả rác bừa bãi đang xảy ra từ ở thành phố cho tới nông thôn mà chưa có phương pháp hiệu quả nào để có thể ngăn chặn. . 

Trước khi câu chuyện anh James Joseph Kendall cùng bạn bè dọn rác trên con mương ở phường Yên Hòa chúng ta đã từng được chứng kiến nhiều hình ảnh những người bạn nước ngoài dọn rác ngay trong nhà mình.

Đó là câu chuyện một nhóm giám đốc, nhân viên các công ty, doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức các buổi nhặt rác vào cuối tuần ở khu vực quanh hồ Gươm. Hay chuyện của những ông Tây cặm cụi thu nhặt từng cọng rác, vỏ lon, chai bia mà những người dân vứt ra ở một số bãi biển miền Trung.

Không hiểu sẽ cần thêm bao nhiêu người nước ngoài nữa sang Việt Nam để móc cống, nhặt rác, trong khi chính những người Việt Nam vẫn cứ vô tư xả rác? Mỗi ngày, mỗi tháng, nếu mỗi cá nhân vẫn cứ vô tư,  thoải mái xả rác, thành phố rồi sẽ biến thành một bãi rác khổng lồ. Không quá lời khi nói rằng, chừng nào chúng ta chưa biết xấu hổ trước những hành động của những người bạn mốn làm sạch đẹp cho thành phố thì ngay cả hiện tại lẫn tương lai, chỉ còn một cách độc nhất là... chung sống với rác thải.