Phá thai từ tuổi 12: Báo động

ANTĐ - Theo Bệnh viện Phụ sản Trung ương, 6 tháng đầu năm nay có gần 5.000 ca đến phá thai, trong đó trẻ vị thành niên chiếm tỷ lệ không nhỏ. Ngày càng nhiều trẻ mới chỉ 12-14 tuổi đã phải đi phá thai, thậm chí có những trẻ 13 tuổi mang thai đến 30 tuần mà gia đình vẫn không biết.


Phá thai từ tuổi 12: Báo động ảnh 1
Một đôi nam nữ còn rất trẻ chờ đến lượt nạo hút thai tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương


Gia tăng các ca phá thai Tại hội thảo lấy ý kiến thực hiện chính sách, pháp luật về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), sức khỏe tình dục (SKTD) vị thành niên, thanh niên do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa tổ chức mới đây, các chuyên gia đã đưa ra những con số giật mình: tỷ lệ phá thai ở tuổi vị thành niên ở nước ta hiện chiếm hơn 6% tổng số ca phá thai, cao gấp đôi tỷ lệ chung của thế giới và liên tục tăng nhanh. PGS.TS Lê Hoài Chương, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, 6 tháng đầu năm 2014, trong tổng số 4.927 ca phá thai tại bệnh viện, có nhiều em ở tuổi vị thành niên. Số liệu thống kê này mới chỉ thể hiện một phần rất nhỏ thực trạng phá thai vị thành niên bởi đa số trẻ thường tìm đến các phòng khám tư nhân để phá thai vì muốn “kín tiếng”. Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn SKSS/KHHGĐ - Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, tỷ lệ phá thai hàng năm của trẻ vị thành niên (dưới 18 tuổi) tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương từ 1-2%. Nhưng nếu tính đến 19 tuổi thì tỷ lệ này lên tới 5% và đến dưới 24 tuổi là 20%. Xót xa hơn cả là ngày càng nhiều trẻ mới 12-13 tuổi đã mang thai, phải đến bệnh viện phá thai, nhiều nhất là nhóm vị thành niên 14-15 tuổi. Mới đây bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh khám cho một trường hợp tuổi vị thành niên xin phá thai. Bệnh nhân này 13 tuổi, được bố mẹ đưa đến khi thai đã được 30 tuần. Qua hỏi chuyện, mẹ cháu bé cho biết mới phát hiện con gái mang thai cách đó 1 tuần. Tương tự, tại Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh), tỷ lệ đến phá thai ở tuổi vị thành niên trong những năm gần đây lên tới 6,05% và vẫn liên tục gia tăng. TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ chia sẻ, có rất nhiều nữ sinh từ Hà Nội vào Bệnh viện này để phá thai vì không muốn để lộ cho người ngoài biết, thậm chí có em còn phá thai 4 lần/4 năm đại học. Ngoài lối sống có phần dễ dãi, đa số các em khi được hỏi đều cho thấy sự thiếu hụt trầm trọng kiến thức về SKSS, SKTD.Đã đến lúc phải luật hóa
Theo báo cáo kết quả khảo sát do Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam vừa thực hiện trên cả nước, chỉ có 20,7% đối tượng trẻ vị thành niên sử dụng biện pháp tránh thai trong lần quan hệ tình dục đầu tiên. Trong khi đó, tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục vẫn có xu hướng gia tăng và chưa được ngăn chặn. Thống kê từ năm 2006 – 2011, cả nước có 5.600 vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện, trong đó số vụ hiếp dâm trẻ em chiếm 66%. Trước thực trạng báo động này, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, cần đưa nội dung về chăm sóc SKSS, SKTD vị thành niên, thanh niên vào Luật Thanh niên; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo hướng tiếp cận với quyền và trách nhiệm của vị thành niên, thanh niên; gắn với quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan, tổ chức có liên quan... Tại hội thảo, đề xuất này đã nhận được sự đồng tình của đại diện các ngành, địa phương. Ông Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho rằng, nếu không quy định được trong luật thì phải quy định ở các văn bản dưới luật, để đủ sức mạnh giáo dục và răn đe. Ông Nguyễn Văn Tuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh, độ tuổi vị thành niên và thanh niên (từ 10 - 30 tuổi) tại Việt Nam chiếm gần 40% dân số. Những năm gần đây, bên cạnh những tiến bộ trong công tác chăm sóc SKSS, SKTD, thực tế cũng đã nổi lên nhiều vấn đề đáng lo ngại. Theo ông Nguyễn Văn Tuyết, ngoài việc luật hóa vấn đề SKSS, SKTD vị thành niên thì điều quan trọng không kém là phải có sự quan tâm hơn của cộng đồng và nhà trường đến trẻ vị thành niên, phải định hướng, xây dựng được nhận thức, lối sống cho vị thành niên về quan điểm tình dục phù hợp trong hoàn cảnh, môi trường văn hoá Việt Nam. 

Trên 1 triệu cặp vợ chồng bị vô sinh, hiếm muộn

Thông tin được đưa ra tại hội thảo tư vấn với chủ đề “Hãy thực hiện các bước tiếp theo để có con” và phát động chiến dịch Tháng nâng cao nhận thức về hiếm muộn 2014. TS Lê Lương Văn Vệ, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, ước tính tại Việt Nam  hiện có trên 1 triệu cặp vợ chồng bị hiếm muộn cần điều trị, chiếm khoảng 7,7%. Tuy vậy, vẫn còn nhiều cặp vợ chồng chưa biết các yếu tố nguy cơ và sự thật về khả năng sinh sản.

Theo TS Lê Lương Văn Vệ, một cặp vợ chồng sau khi kết hôn nếu quan hệ tình dục bình thường sau 12 tháng hay cặp vợ chồng trên 35 tuổi quan hệ bình thường sau 6 tháng mà không có con thì cần phải đi khám vô sinh, hiếm muộn ngay để có các phương pháp chẩn đoán, điều trị. 

Cũng theo TS Lê Lương Văn Vệ, các yếu tố chính ảnh hưởng đến hiếm muộn, vô sinh gồm: tuổi tác, cân nặng, thuốc lá, rượu bia, thời điểm quan hệ tình dục...