PGS.TS Bùi Hiền lại công bố bảng chữ cái mới theo hướng cải tiến tiếng Việt

ANTD.VN - Sau bão dư luận về đề xuất cải tiến tiếng Việt PGS.TS Bùi Hiền đã công bố bản hoàn chỉnh về nghiên cứu này với quan điểm đây là nghiên cứu khoa học mang tính cá nhân.

PGS.TS Bùi Hiền vừa công bố bản hoàn chỉnh về nghiên cứu cải tiến chữ quốc ngữ gồm cả phần phụ âm và nguyên âm. Được biết, dự kiến ban đầu, nghiên cứu này sẽ được công bố vào tháng 3-2018.

Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Hiền cho biết, việc ông công bố phần còn lại (nguyên âm) sớm hơn so với dự kiến không phải vì bị "ném đá" mà đơn giản để công trình được trọn vẹn hoàn chỉnh.

PGS.TS Bùi Hiền chính thức công bố nghiên cứu hoàn chỉnh về cải tiến chữ quốc ngữ

“Thời gian qua dù có bị nhiều ý kiến phản đối gay gắt nhưng tôi cho đó là hiện tượng bình thường bởi công trình của tôi vẫn chưa hoàn chỉnh. Lãnh đạo Chính phủ và Bộ GD&ĐT cho biết vẫn chưa có chủ trương áp dụng phương án cải tiến chữ quốc ngữ nào, đó là việc của các nhà quản lý. Việc tôi nghiên cứu dưới góc độ khoa học và mang tính cá nhân thì đó là quyền của tôi”- ông Hiền nói.

PGS Bùi Hiền kết luận: “Công trình nghiên cứu cải tiến chữ quốc ngữ chỉ nhằm mục đích điều chỉnh bảng chữ cái hiện hành dựa trên hệ thống ngữ âm tiếng Thủ đô Hà Nội, chứ không hề tác động vào hệ thống âm vị làm cho tiếng nói khác đi dẫn tới ý nghĩa lời nói cũng khác đi.

Cách quy đổi theo bảng chữ cái mới được đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền

Về chữ viết cũng giữ nguyên dạng hệ thống chữ cái La tinh, và chỉ tạo thêm 1 chữ cái mới để chỉ âm vị phụ âm “nhờ” mà trong bảng chữ La tinh không có.

Đây chỉ thuần tuý cải tiến cách quy định cho những ước lệ mới giữa các chữ cái (kí tự) với các âm vị tương ứng để đảm bảo theo đúng nguyên tắc “ 1 âm – 1 chữ, 1 chữ - 1 âm” nhằm loại bỏ hoàn toàn các tổ hợp 2-3 phụ âm ghép biểu đạt một âm vị, vốn là nguồn gốc của các lỗi chính tả như hiện nay (ch, th, tr, gi, gh, kh, ng, ngh, nh, ph)”.

Ví dụ, thay vì trước đây viết “c” đọc là “cờ” thì nay viết “c” đọc là “chờ”, tương tự, nay chữ “w” được đọc là “ngờ”, chữ “x” được đọc là “khờ”, “q” đọc thành “thờ”…Chẳng hạn viết là “cính tả” thì vẫn đọc như trước là “chính tả”, "xô xan" thì đọc là "khô khan"...