Pác Nặm, chuyến công tác để đời!

ANTD.VN - Đầu tháng 7-2009, mưa lớn đã trút xuống các tỉnh miền Bắc, nặng nề nhất là các tỉnh khu vực vùng núi phía Bắc. Mưa lớn gây lở đất, vùi lấp 10 người tại thôn Khên Lền, xã Công Bằng, Bắc Kạn. Nhận được thông tin ấy, chiều 6-7, nhóm phóng viên Báo ANTĐ lên đường đến Bắc Kạn để kịp thời phản ánh tình hình của đồng bào nơi đây, cũng như chia sẻ một phần nhỏ bé nỗi đau mất mát với gia đình những người bị nạn. 

Đánh vật với dốc trơn, đường nhão

Gần 21h tối 6-7 chúng tôi mới có mặt tại huyện Pác Nặm. Do vậy, sáng sớm 7-7 đoàn mới bắt đầu vào hiện trường. Cùng gia nhập đoàn hôm ấy ngoài nhóm phóng viên ANTĐ còn một số phóng viên đến từ các báo Nông thôn ngày nay, Dân Trí, Vietnamnet, Hãng tin Reuters.

Đường vào xã Công Bằng đã bị lũ cuốn trôi, làm sập, đất đá lấp hết, muốn vào thôn Khên Lền, nơi còn 9 người mất tích dưới núi đất đá thì phải đi bộ, phải trèo đèo, lội suối, luồn rừng. Trèo qua 2 con dốc dựng đứng, hết gần 2 tiếng đồng hồ, tôi bắt đầu thấy ù tai, thở không ra, đứng còn loạng choạng.

Lúc này, đoàn phóng viên ban đầu “lạc” nhau dần, chia thành 2-3 nhóm vì tùy vào khả năng leo đèo mà người đi nhanh, người đi chậm. Gặp 3 anh bộ đội đang đi trở ra, tôi bèn hỏi ngay: “Anh ơi còn bao nhiêu nữa thì đến Khên Lền?”. Một trong ba người trả lời: “Cứ đi đi, độ 3 tiếng nữa thôi”... 

Lại đi, thôi thì cắn răng mà đi. Hết đường đèo, bắt đầu xuyên rừng, chúng tôi gặp 2 phóng viên Báo Hànộimới đang đi trở ra. Phóng viên Dương Hiệp nhắc: “Em không đi vào đó được đâu, đường dưới kia trơn lắm, quay ra thôi”. Thấy tôi không nói gì mà tiếp tục lầm lũi đi, anh động viên: “Đi độ 2 tiếng nữa thôi là đến nơi rồi. Nhưng em đang cầm cái gì thế, sữa à, cho anh một hộp, đói quá!”.

Hành trang chuẩn bị cho chuyến đi trèo đèo, băng rừng để vào hiện trường thôn Khên Lền là 8 hộp sữa đã trót cho hết dọc đường. “Oạch”, anh Hữu Thọ (Báo Nông thôn ngày nay) đi trước bị ngã. Tôi hoảng, cái dốc dựng như vách thành, trơn như đổ mỡ, lúc đó đã nghĩ, giá như có tấm gỗ tôi sẽ ngồi lên đó và trượt xuống như chơi cầu trượt. Đói, khát, mệt, giờ thì không còn biết bẩn sạch gì nữa, ngồi bệt luôn xuống đất bùn nhão như cháo và bắt đầu thở... 

Pác Nặm, chuyến công tác để đời! ảnh 2Vượt hiểm nguy đến với bà con hoạn nạn

Chuyến đi công tác vào vùng lũ quét tại Pác Nặm, Bắc Kạn vào đầu tháng 7-2009 đến nay với tôi vẫn là ký ức để đời của một mớ phóng viên lần đầu đi thực tế về hậu quả lũ lụt tại vùng cao.

Đói, rét và những cảm xúc khôn tả

13h30 chúng tôi mới đặt chân vào đến bản Khên Lền, trời vẫn mưa như trút. Nhà sàn thứ nhất với khoảng 60 chiến sỹ công an đang tạm nghỉ thay ca. Rét, đói, uống 2 bát nước sôi càng khó chịu. Chúng tôi lại rủ nhau xuống ngôi nhà sàn thứ hai là trạm chỉ huy dã chiến, cũng chỉ thấy người là người, đủ mọi tư thế, nằm, ngồi, đứng... Rồi tôi may mắn được một anh cán bộ úp mỳ tôm cho ăn. Tôi thấm rét, bê bát mỳ tôm “không người lái” ngồi sát cái bếp củi để sưởi ấm và chợt ngửi được mùi thịt lợn thơm lừng từ chiếc nồi đậy vung cạnh bếp.

Tôi gợi ý với anh Hữu Thọ: “Anh ơi, cái nồi sau em là nồi thịt anh ạ, thơm lắm, em ngửi thấy mà”. Một lần nữa, anh Hữu Thọ lại “ra tay” với câu hỏi rất dễ thương: “Anh ơi nồi gì đây, có ăn được không?”. Anh cán bộ cười: “Nồi thịt là thức ăn tối cho anh em cứu hộ. Nhưng ưu tiên mấy phóng viên đang đói”.

Nhờ vậy mà mấy anh em có thêm bát thịt kho để ăn với mỳ tôm. Ăn xong, chúng tôi tỏa đi các hướng để lấy tư liệu. Trở ngại khác là sau khi tác nghiệp xong, thông tin đầy đủ thì không có điện, không mạng Internet, điện thoại cũng không tín hiệu, tìm mọi cách xoay xở nhưng cũng không thể truyền tin, bài về tòa soạn. 

Tối, chúng tôi được ăn cơm thịt trâu. Nhưng khi đang ăn, nghe mọi người bảo đây chính là thịt con trâu bị chết trương ở suối trong trận lũ vừa được quay lên tivi đấy, tôi không dám ăn tiếp.

Cao trào nhất là giai đoạn đi ngủ. Nhà sàn chật chội mà có đến 70 người chen chúc, ai không nhanh chân thì không có chỗ. 70 con người nhưng toàn nam giới, có mỗi mình tôi là nữ phóng viên.

8 anh phóng viên ngồi tán chuyện: “Giả sử đêm nay trời mưa to, núi lở tiếp ụp xuống thì nhà này thành mộ chôn tập thể”. Tôi trêu lại: “Em thấy cũng bình thường, có gì mà ân hận khi một mình mà có đến 70 anh đi theo, hơn cả thời mẫu hệ ngày xưa ấy”.

Sau một ngày vất vả, mọi người nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Riêng tôi ngồi ôm bếp lửa thức trắng đêm và nghĩ, đồng bào khu vực này đã phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất bao hôm, lại phải gánh chịu nỗi đau mất người thân, cùng nỗi lo sẽ làm lại như thế nào khi nhà cửa, ruộng vườn mất trắng. Trong thiên tai, giữa sự sống và cái chết chỉ là lằn ranh mỏng và con người thì quá nhỏ bé trước thiên nhiên.

Rồi trời cũng sáng, 9 phóng viên trong đoàn với 9 cái gậy lại lục tục trở ra. Trên đường về qua một lán nhà sàn, nơi nghỉ chân của đoàn bộ đội lên cứu hộ, cứu nạn, đoàn rẽ vào xin nấu nhờ mỳ tôm, không ngờ được mời ăn cơm có cá khô.

Một chậu cơm, to như cái chậu rửa mặt, thế mà có phóng viên vẫn còn vét thêm mấy bát cháy. Cơm đã ăn no, mưa cũng ngớt nên bước chân ai cũng nhanh hơn. Khi nhìn thấy 2 chiếc xe của đoàn đỗ từ sáng qua trên đường huyện lộ, tôi đã reo lên như chưa bao giờ mừng đến vậy.

Sống đến giờ phút ấy tôi mới thấm, cuộc đời mình thực sự đã quá hạnh phúc so với bao phận đời mà tôi đã gặp.