Ôtô bên này, xe máy bên kia…

ANTĐ - Nếu bạn hỏi Hà Nội tuần này có gì mới, thì câu trả lời của tôi là: lạnh và nóng. Cái lạnh là do thời tiết. Đợt không khí lạnh đầu tiên đã tràn về, khiến mùa thu của Hà Nội như sâu hơn với những chùm hoa sữa đã e ấp trắng trên vòm cây xanh biếc.

Đi trong hơi thu se lạnh, khẽ kéo tà áo mỏng, khẽ nhích lại gần nhau hơn, lòng người chợt xao xuyến những cảm xúc mơ hồ. Còn cái “nóng”, nhiều người thấy, là bởi, sau một đêm, ra đường bỗng gặp những vị “khách lạ” trên nhiều tuyến phố Giải Phóng, Kim Mã, Đại Cồ Việt, Bà Triệu và Phố Huế - Hàng Bài… Lạ mà quen. Bởi trong lòng rất nhiều người Hà Nội chắc còn nhớ, cách đây ít lâu, những “vị khách” này từng đã đôi ba lần được mời đến, rồi lại biến mất do không “quy phục” được đám đông “gia chủ” mặc định với thói quen tốt có, xấu có. “Khách lạ” khiến nhiều người cảm thấy “nóng trong người” đó chính là những dải phân cách để phân đường thành hai làn riêng biệt: Ôtô bên này, xe máy bên kia.

Thực ra thì chuyện phân làn đường một cách rạch ròi là cách làm văn minh, rất đáng áp dụng càng sớm càng tốt. Bởi tốc độ của các phương tiện tham gia giao thông là khác nhau, nên đi chung đường, luồn lách chen lấn với nhau quả là một hành động khó coi, thậm chí còn thể hiện sự coi thường tính mạng con người. Chính bởi điều này, mà 100 khách nước ngoài đến Hà Nội, là 200 con mắt ngạc nhiên. Ngạc nhiên đến mức thốt ra những lời thán phục. Thán phục rất lắm và sợ hãi rất nhiều.

Chính vì vậy, Hà Nội bước vào mùa thu thứ 1001, ra đường chợt thấy những bảng tên đường dựng ngay góc phố, đây Hàng Bài - Lý Thường Kiệt, đây Trần Hưng Đạo - Bà Triệu… được chôn cọc đứng một mình chứ không phải treo ké treo tạm lên thân cây, lên cột điện, thì cũng thấy một niềm vui - dù ngậm ngùi và nhỏ bé thôi - dâng trào. Lại thêm việc bước đầu phân làn đường một cách rất linh hoạt - ít nhiều mang tính thăm dò trước khi tiến hành các biện pháp cứng rắn hơn – thì niềm vui ấy cũng được nhân lên, với hi vọng sẽ không phải đi muộn vì lý do tắc đường.

Chắc chắn, ai cũng mong đường sá nói riêng và giao thông, và những phần chung của Hà Nội được gọn gàng sạch đẹp, được khoa học hiện đại, được tiện lợi văn minh để xứng tầm với Thủ đô nghìn tuổi, cũng là một trong những “nỗi khổ” của cư dân Hà Nội được xóa sổ. Song, chưa kịp mừng thì đã nhìn thấy ngay những sự bất cập. Chính vì thế, nó làm người Hà Nội “nóng” lên mỗi khi ra đường, mỗi khi tắc đường, thậm chí cả ở những quán trà đá, cà phê, trong các cuộc tụ tập người ta cũng bàn tán sôi nổi.

Ai chẳng biết, lượng xe máy ở Hà Nội bây giờ đông đến khủng khiếp. Dù cuộc sống ngày càng khấm khá, theo đó các dòng xe ôtô phổ thông hay đắt tiền cũng đã đều có mặt trên đường phố Thủ đô, nhưng so với số lượng xe máy thì thua xa. Chính bởi vậy, việc phân đôi làn đường xem ra lại... chẳng công bằng tí nào. Xe ôtô thì to thật, nhưng không phải cứ to là được dành phần đường to. Vì đặc điểm của Hà Nội là đường sá nhỏ, lại quá nhiều ngõ ngách, không phân làn đường thì người đi xe máy có thể rẽ ngang rẽ tắt theo đúng nơi mình cần đi, cần đến. Giờ, một nửa đường kia đã dành cho ôtô, đương nhiên người đi xe máy phải chọn những lối rẽ khác, lại thêm những điểm ùn tắc mới.

Nhưng, thói quen chỉ là chuyện nhỏ, sự hợp lí mới là điều đáng bàn. Bạn tôi, người may mắn có nhà mặt phố, mới tậu được chiếc xe ôtô đắt tiền thì mừng húm. Bởi, tuy đã có bằng lái xe, nhưng kinh nghiệm lái xe trên đường đông đúc chưa nhiều, giờ đi xe mới, được đi làn đường riêng của ôtô sẽ thấy thoải mái hẳn lên, không phải chen chúc, chẳng căng thẳng căn ke khoảng cách với xe khác, cứ bám đuôi xe trước mà đi, thành làn thành hàng, dễ chịu, văn minh biết bao nhiêu. Còn tôi (và chắc là nhiều người khác nữa) thì không được lạc quan như anh. Bao lâu nay tôi vẫn trung thành với phương tiện di chuyển hai bánh, chẳng hẳn là không có tiền mua ôtô, cũng không hẳn là ngại chỗ đỗ xe, cất xe, mà bởi đi xe máy có cái dễ chịu của xe máy.

Việc ngành giao thông “xắn tay” vào cuộc để giảm căng thẳng cho người dân giao thông trong thành phố phải khẳng định đó là một việc rất nên làm. Nhưng nếu chỉ cắm lên một cái biển báo “ôtô bên này, xe máy bên kia” thôi, thì quả là hiệu quả thu lại không thể cao. Bởi việc tắc đường ở Hà Nội không hoàn toàn do ý thức của người đi đường, mà trước tiên phải kể tới sự gia tăng chóng mặt của các phương tiện, nhất là ôtô và xe máy. Trong khi đó, diện tích đường sá không tăng, thậm chí có chỗ còn bị chiếm dụng, thì việc phân làn giao thông không thôi e rằng không phải là một biện pháp lâu dài. Đồng bộ tiến hành các giải pháp là mới là một việc cần làm.