“Ông nhà xác” kể chuyện tiễn đưa những hài nhi xấu số về bên kia thế giới

ANTĐ - “21 năm là người đưa tiễn những hài nhi xấu số, tự tay tôi khâm liệm cho hàng nghìn sinh linh, chứng kiến muôn vàn số phận éo le. Nhưng cho đến nay, có lẽ chuyện khiến tôi ám ảnh nhất chính là lúc gom những mảnh thi hài dập nát của một bệnh nhi mới hơn 10 tuổi nhảy từ tầng 8 xuống đất tự tử. Quãng đường về nhà xác hôm ấy như dài vô tận. Tôi đẩy xe trong vô thức mà nước mắt cứ lăn dài không sao ngăn nổi”…

Bị đuổi đánh vì nghi oan “ăn trộm nội tạng”

Đó là tâm sự của ông Nguyễn Quang Hưng - nhân viên “Nhà đại thể” thuộc khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ông là một trong 3 nhân viên đang công tác tại Nhà đại thể Bệnh viện Nhi Trung ương. Có lẽ môi trường làm việc phải tiếp xúc nhiều với tử thi khiến ai lần đầu tiên gặp họ đều có chung một cảm giác: lạnh. Hiếm hoi lắm mới thấy họ mỉm cười.

Trong 3 người, có lẽ ông Hưng là cởi mở hơn cả. Ông bảo, người ta khi làm nghề này thường ít muốn mọi người biết. Dẫu sao vẫn có một sự xa lánh hay đúng hơn là “kỳ thị” khi nhìn nhận công việc của những người làm trong Nhà đại thể - một nơi mà người ta vẫn quen gọi là Nhà xác. Gớm chết, cái ông này suốt ngày ở gần người chết, khiếp lắm! Tốt nhất là nên tránh xa kẻo ma ám. Hay cái ông này chẳng làm được việc gì mới đi trông nhà xác. Thậm chí có những người đang bế con nhỏ, thấy mấy “ông nhà xác” đi qua là lảng tránh, bế con chạy sang chỗ khác vì sợ hơi lạnh… Những câu chuyện kiểu như vậy, những người làm công việc không ai muốn làm này gặp rất nhiều. Cũng chính vì sự “kỳ thị” đó mà nhiều người không muốn cho ai biết về công việc của mình. Họ thường nói giấu là làm tạp vụ, hay hộ lý, hay chung chung là làm ở bệnh viện… Riêng ông Hưng, ông lại muốn kể hết chuyện đời, chuyện nghề của mình để nhiều người biết, mong nhận được một sự thông cảm dành cho những người đang làm công việc như ông. 

Khuôn mặt hốc hác, tròng mắt hõm sâu, khiến ông trông già hơn nhiều so với cái tuổi 45 của mình. Sinh năm 1969 tại Cầu Giấy - Hà Nội, trong một gia đình không mấy khả giả. Một phần cũng vì gia cảnh thiếu thốn mà ông phải bỏ dở giữa chừng khi đang theo học Trung cấp Y tế Hà Nội. Năm 1991, khi khoa Giải phẫu bệnh của Bệnh viện Nhi Trung ương tuyển nhân viên, ông đã xin vào làm. Ý định ban đầu của ông là muốn tiếp tục theo ngành Y mà ông đeo đuổi bấy lâu nay. Nhưng ông lại được phân công về làm ở Nhà đại thể của bệnh viện, thế rồi ông gắn chặt cuộc đời mình với công việc này. Khi mới được nhận vào làm việc, ông có nhiệm vụ hỗ trợ bác sĩ giải phẫu các thi hài để xác định nguyên nhân tử vong. Và đó cũng chính là những thử thách đầu tiên dành cho ông. Ông kể: “Ngày ấy tôi từng nhiều bận bị người nhà các cháu đuổi đánh. Người ta cho rằng chúng tôi khiến thi thể các cháu không còn nguyên vẹn. Có người ác khẩu còn vu cho cho chúng tôi cái tội ăn trộm nội tạng tử thi. Chẳng cần nghe giải thích, họ lao vào đuổi đánh. Bản thân tôi cũng đau đớn vô cùng bởi không ai muốn làm việc đó. Nhưng công việc là công việc. Vì khoa học, vì tương lai sẽ không còn những đứa trẻ phải sớm lìa đời do các căn bệnh tương tự nên chúng tôi đành cắn răng thực hiện”. 

Cách đây mới chỉ chừng 10 năm, khi nền y học nước ta còn chưa phát triển, điều kiện kinh tế hạn hẹp khiến tỷ lệ tử vong ở trẻ em vô cùng lớn. Mỗi đêm, trong Bệnh viện Nhi Trung ương có đến hàng chục trường hợp tử vong. Ông kể, vừa mới đón một thi hài từ khoa này thì khoa bên cạnh đã gọi ông. Nhiều cháu mới chỉ ra đời được một tiếng. Trên biên bản chỉ ghi vỏn vẹn: “Hưởng dương 1 ngày tuổi”. Mỗi khi có hài nhi nào mất, dù là nửa đêm, ông lại lóc cóc đẩy chiếc xe lên “đón” cháu về. Ông cẩn thận quấn cho các cháu chiếc tã mới nhất, mặc vào bộ quần áo tươm tất nhất rồi mới đặt các cháu vào những chiếc hòm gỗ để đưa vào ngăn lạnh. Mỗi ngăn lạnh như vậy có 3 đến 4 cháu nằm chung mà vẫn thấy lọt thỏm. Đến bây giờ, y học phát triển, số ca tử vong đã giảm đi rất nhiều, thường thì gia đình đều xin cho các cháu được về nhà luôn, chỉ một số ít có hoàn cảnh khó khăn mới gửi lại để thu xếp lo liệu. 

Những câu chuyện ám ảnh

Trong suốt 21 năm làm nghề, ông Hưng đã trải nhiều câu chuyện ám ảnh. Ông nhớ có một trường hợp đáng thương: “Chuyện xảy ra cách đây đã vài năm, hai vợ chồng trẻ ở cách Hà Nội đến 300km lặn lội đưa con ra khám bệnh. Bệnh trở nặng, cháu bé phải ở lại bệnh viện suốt cả tháng trời. Chi phí ngày càng tốn kém nhưng bệnh tình của cháu thì không có dấu hiệu thuyên giảm. Tuy nhiên, hai vợ chồng vẫn cố gắng vay mượn để chạy chữa cho cháu bé. Hơn một tháng sau thì cháu mất. Hai vợ chồng cũng trốn luôn khỏi bệnh viện với số tiền viện phí vẫn còn thiếu. Lúc tắm rửa cho cháu bé, chúng tôi phát hiện ra mẩu giấy họ để lại: “Chúng em đã bán tất cả gia tài để lo chạy chữa cho cháu. Giờ bọn em chẳng còn gì, xin bệnh viện giúp chúng em lo cho cháu”. Tôi đành nuốt nước mắt tắm rửa cho cháu, rồi thuê xe đưa xuống Nghĩa trang Văn Điển để làm điện táng. Chỉ tội cho thằng bé, mới chưa đầy tuổi đã phải cô đơn một thân một mình về thế giới bên kia”. Có gia đình không đủ cả tiền thuê xe đưa cháu về, ông lại bỏ tiền thuê “xe ôm” giúp họ đưa con về quê. Nhưng với ông, họ đáng thương hơn đáng giận. Chỉ hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng. Ông có nghe kể lại, sau hôm đấy, hai vợ chồng kia đã lên tận Nghĩa trang Văn Điển đón con về. Nhưng đáng giận nhất là những kẻ đang tâm vứt bỏ con mình. Như trong một ca trực, các cô y tá thấy ở chân cầu thang có một cái túi màu đen. Mãi không thấy có người nhận mang đi, các cô mở ra mới kinh hoàng phát hiện xác một bé trai sơ sinh vẫn còn cuống rốn. 

 “Cả đời làm nhân viên Nhà đại thể của tôi, câu chuyện ám ảnh nhất là khi ngồi gom thi hài của một bệnh nhi nhảy lầu tự tử ngay trong bệnh viện. Hình ảnh đó sẽ mãi ám ảnh tôi. Đó là một bệnh nhi đã hơn 10 tuổi, mắc bệnh hiểm nghèo. Mặc dù, gia đình vẫn động viên cháu chiến đấu với căn bệnh. Tôi vẫn còn nhớ, hai vợ chồng nông dân nhà rất nghèo. Người mẹ từ ngày con mang bệnh cũng đổ bệnh theo chẳng làm ăn được gì, chỉ túc trực chăm sóc con gái. Hàng ngày, ông bố phải chạy “xe ôm” kiếm thêm phụ vào tiền điều trị. Con bé như hiểu được bệnh tình, thương bố mẹ nên nhân lúc bà mẹ ra ngoài, không ai để ý đã nhảy từ tầng 8 xuống đất. Nhận được tin, tôi đến nơi thì bà mẹ đã ngất lịm đi từ lúc nào, không liên lạc được với bố cháu bé. Tự tay tôi ngồi gom xác cháu lại. Rơi từ tầng 8, cháu chẳng còn hình người. Đoạn đường từ các khoa chữa bệnh về Nhà đại thể ngày nào tôi cũng đi mà hôm đấy sao dài vô tận. Tôi đẩy xe trong vô thức mà nước mắt cứ lăn dài không sao ngăn nổi”.

Điều buồn nhất

Hơn 20 năm làm công việc lo đưa tiễn những sinh linh bé bỏng về bên kia thế giới, điều làm ông buồn nhất chính là sự xa lánh của xã hội. Ông tâm sự, nhiều bạn bè, hàng xóm khi thấy ông vẫn coi thường, tránh xa. Thậm chí thấy ông đến gần, nhà có cháu nhỏ còn đóng kín cửa. Bọn trẻ đang nô đùa, nghe lời bố mẹ dặn cứ hễ thấy ông cũng chạy biến như tránh tà, tránh hủi. Nhưng đau đớn nhất là chính những người trong bệnh viện cũng coi thường ông. Ông chỉ có thể lầm lũi làm công việc của mình suốt bao năm nay.  

Tuy nhiên, cuộc đời đã không bất công với ông khi dành cho ông một mái ấm hạnh phúc. Ông nở một nụ cười hiền hậu khi nói về gia đình của mình - một nụ cười hiếm hoi mà suốt câu chuyện lần đầu tiên tôi được nhìn thấy: “May mắn nhất cuộc đời tôi là tìm được một người hiểu, cảm thông cho công việc của mình. Ngày ấy, lấy hết can đảm tôi khai thật công việc với cô ấy. Cũng đã xác định, người ta có bỏ đi thì mình cũng đành chịu. Nhưng cô ấy đã cảm thông, chấp nhận công việc của tôi. Số phận đã công bằng khi đem người con gái nhân hậu đó đến cho tôi. Còn các con tôi, khi còn bé trước sự xì xào, xa lánh của hàng xóm cũng tủi thân, mặc cảm. Nhưng khi lớn lên, chúng cũng hiểu chuyện, mặc cảm xưa kia giờ là sự chia sẻ với bố”. Đến lúc chia tay ông, tôi nhận ra, những người làm công việc tại nhà xác không “lạnh” như mọi người vẫn nghĩ. Mà sâu thẳm trong họ là  tấm lòng nhân ái, ấm áp yêu thương. Tôi đã tự hỏi: “Nếu không có những người ấy” thì ai là người khâm liệm, chăm sóc cho những hài nhi đoản mệnh, biết đâu trong đó có cả những hài nhi là người thân của những người vẫn xa lánh mấy “ông nhà xác”?