Nước hồ ở Hà Nội trong sạch dần

ANTĐ - Qua khảo sát 30 hồ tại 6 quận nội thành (Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng) cho thấy chất lượng nước nhìn chung đã có chuyển biến tốt hơn so với năm 2010, số lượng các hồ ô nhiễm nặng và ô nhiễm rất nặng đang có xu hướng giảm dần. Kết luận trên được đưa ra trong Báo cáo hiện trạng hồ Hà Nội 2015 của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng.
Nước hồ ở Hà Nội  trong sạch dần ảnh 1

Tình trạng ô nhiễm hồ có nhiều chuyển biến tích cực 

Chất lượng nước đã cải thiện

Trong thời gian dài, hàng loạt ao hồ trên địa bàn thành phố bị lấn chiếm hoặc rơi vào tình trạng ô nhiễm trầm trọng. Những năm gần đây, công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường nước đã có bước phát triển mới và đạt được những kết quả khả quan. “Báo cáo hồ Hà Nội 2015” đưa ra những thông tin mang tính khoa học, cập nhật về sự thay đổi của các hồ Hà Nội trong 5 năm qua, những tiến bộ trong công tác quản lý, khôi phục hồ, đồng thời đưa ra những khuyến nghị chung về công tác quản lý và bảo vệ hồ.

Theo đánh giá được báo cáo đưa ra, trong 5 năm qua Hà Nội đã rất nỗ lực trong công tác kè hồ. Kết quả điều tra 112 hồ, ao, đầm, thủy vực lớn nhỏ tại 6 quận trung tâm Hà Nội có 86 hồ đã kè toàn phần (chiếm 77% số lượng ao, hồ Hà Nội); 10 hồ chỉ kè một phần (chiếm 8%) và 32 hồ chưa được kè (chiếm 26%).

So sánh với thông tin năm 2010 cho thấy, số lượng ao, hồ đã kè toàn phần và một phần tăng. Môi trường bờ của các ao, hồ có sự cải thiện, số hồ được đánh giá là hồ sạch tăng mạnh, số hồ bị đánh giá là rất bẩn giảm dần (trong số 30 hồ được phân tích có 5 hồ được đánh giá không ô nhiễm, 11 hồ có dấu hiệu ô nhiễm, 8 hồ ô nhiễm nặng và 6 hồ ô nhiễm rất nặng). Chất lượng vệ sinh ở các bờ hồ khá tốt, 82% số hồ đã kè toàn phần có môi trường được đánh giá là sạch và khá sạch, chỉ còn 14% là bẩn và 4% là rất bẩn. Chất lượng nước của các ao, hồ đã có sự cải thiện tốt hơn, số lượng hồ ô nhiễm nặng và rất nặng giảm dần. 

Ngoài những kết quả đạt được, báo cáo cũng cho biết ô nhiễm hồ và sự xuống cấp cảnh quan hồ vẫn đang là thách thức lớn của thành phố. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới ô nhiễm chất lượng nước hồ là do các hoạt động của con người như xả trực tiếp nước thải sinh hoạt, rác thải, lấn chiếm lòng ao, hồ, đặc biệt ở những ao hồ nhỏ giữa các khu vực dân cư đông đúc. Do đó, Hà Nội muốn có được những hồ như mong muốn, với chất lượng nước, hệ sinh thái và cảnh quan bờ sạch đẹp, thì cần phải xác định được chức năng cụ thể của mỗi hồ. 

Diện tích mặt hồ đang bị thu hẹp

Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng chia sẻ: “Các hồ, ao, sông nhỏ ở Hà Nội là tài sản môi trường quý giá của Thủ đô. Quản lý tài sản môi trường này đòi hỏi cách tiếp nhận tích hợp, kết hợp giữa bảo tồn kỹ thuật, sự tham gia của cộng đồng, của các nhà khoa học”. Quá trình tổng hợp so sánh số liệu cho thấy từ năm 2010-2015, hiện trạng các hồ Hà Nội khá ổn định về số lượng, tuy nhiên diện tích mặt nước hồ có phần bị thu hẹp.

Trong 5 năm qua trên địa bàn Hà Nội đã có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn và 7 hồ mới được bổ sung. Như vậy, tổng số ao, hồ Hà Nội hiện nay là 112 hồ, giảm 10 hồ so với năm 2010. Về diện tích nước mặt hồ năm 2015 là gần 7.000.000m2, giảm 72.540m2 so với năm 2010. Tính riêng quận Hai Bà Trưng, một trong những quận có nhiều ao hồ nằm trong đất dự án của thành phố, từ năm 2010-2015, toàn quận đã mất đi 26.640m2 diện tích mặt nước. Nguyên nhân chủ yếu là do 3 hồ (ao Trại Cá, ao Công an quận Hai Bà Trưng và 1 ao ngõ 153/34 Vĩnh Tuy 1) bị san lấp; một số hồ khác bị lấn chiếm hoặc nằm trong vùng quy hoạch.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, “Báo cáo hồ Hà Nội 2015” là một sản phẩm khoa học có ý nghĩa, mang tính cộng đồng cao. Với các thông tin cơ bản cũng như thực trạng của từng hồ ở 6 quận trung tâm của Hà Nội, báo cáo sẽ là công cụ quan trọng giúp cộng đồng có các sáng kiến cụ thể cùng nhau bảo vệ hồ.

Cùng quan điểm, bà Ngô Thị Hồng Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cũng khẳng định, “Báo cáo hồ Hà Nội 2015” đã đánh giá sát thực về hiện trạng ô nhiễm, cũng như  sự xuống cấp cảnh quan của các hồ trên địa bàn. Chính vì thế, việc công bố “Báo cáo hồ Hà Nội” sẽ là cơ sở, để các đơn vị chức năng liên quan có kế hoạch quản lý và bảo vệ ao, hồ tốt hơn trong thời gian tới.