Nữ thủ khoa với niềm say mê nghệ thuật

ANTĐ - Một thiếu nữ 15 tuổi gây bất ngờ cho nhà văn hơn mình 20 năm tuổi đời bởi sự hiểu biết đĩnh đạc, lễ phép, nền nếp và giản dị khác với một bộ phận lớp trẻ bị cuốn theo những trang bị hình thức. Một thủ khoa với cú đúp thành tích ở hai môn khoa học trái ngược nhau: Hóa học và Văn học - Phan Hà Linh, đỗ đầu vào lớp 10 trường chuyên Hà Nội - Amsterdam lại đọc sách văn học với số lượng đáng nể. 

Phan Hà Linh chơi dương cầm hàng ngày

Nỗ lực học tập vì niềm say mê

Phan Hà Linh cao 1m63, đôi mắt mở to sau cặp kính cận 5 điop, rụt rè kể về những thành tích học tập nhưng lại hoạt bát khi nói đến môn học mà em say mê - Hóa học. Dù được mời gọi, dù các môn học quan trọng khác mà em đạt điểm cao, Hà Linh vẫn dứt khoát lựa chọn Hóa học. Quả thực, đây là một sự lạ bởi phái nữ, ít người thích và bản lĩnh để theo đuổi môn này.

Tưởng những phương trình, phản ứng hóa học, các chất... khiến em cứng nhắc trong tư duy hoặc khó khăn khi diễn đạt, bởi dân chuyên tự nhiên vốn hay khô khan nhưng Hà Linh lại đưa người đối thoại liên tiếp gặp bất ngờ. Trong khuôn viên nhà em, ngoài hoa tươi, tranh và sách hiện hữu trong mọi không gian. Hà Linh cất giữ một chồng giấy khen, không chỉ là thành tích học tập mà là những “đích cũ” cần vượt qua trong cuộc chạy tiếp sức của chính mình trên con đường học tập mà em đã dành phần lớn thời gian mỗi ngày bằng sự say mê.

Hà Linh không có vẻ hãnh diện hoặc thích nói về những gì đã đạt được, sự vất vả trong học tập. Với em, một học sinh chuyên nhưng lại có quan điểm khác với những học sinh trường chuyên khác. Hà Linh cho rằng, thời là học sinh, qua 3 cấp phải học giỏi đều các môn bởi đấy là kiến thức phổ thông. Mỗi môn đều có vẻ đẹp và sự hấp dẫn riêng, tất cả làm nên nền tảng căn bản cho bất kỳ ai bước qua những năm tháng học tập ấy.

Thế nên, việc em là học sinh giỏi 9 năm liền từ trường Lê Văn Tám, Quốc tế VIP (Tiểu học), lên cấp II vào trường Amsterdam... là đương nhiên. Hà Linh không học nhằm lấy điểm cao, để khoe, để lấy oai mà mỗi bài học đều tự tìm hiểu, liên hệ thực tế và tìm thêm tài liệu. Cần mẫn không đủ, phải sáng tạo và rèn luyện tư duy độc lập.

Với quan niệm về sự học như thế, Phan Hà Linh đã thành một hiện tượng khi trở thành nữ thủ khoa kép, thậm chí là “hattrick” khi giành giải Nhất môn Khoa học, giải Nhất môn Hóa học trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố mà có điểm tổng kết Ngữ văn gần 9,0 thì quả là không dễ thấy. Hà Linh đều đạt 8,5 điểm môn Ngữ văn, thủ khoa vào lớp chuyên Văn 8,5 điểm, thủ khoa vào lớp 10 chuyên Hóa.

Năm 2015, Linh đoạt giải Nhất thi học sinh giỏi cấp quận môn Hóa học. Năm 2016, Linh đoạt giải Nhất cuộc thi học sinh giỏi môn Hóa học cấp thành phố, được tuyển thẳng vào trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Cuối cùng, em đã chọn học chuyên Hóa, trường Hà Nội - Amsterdam. Trong lễ tri ân và trưởng thành dành cho học sinh khối 9 - Nineternal năm 2016 của trường Amsterdam, Phan Hà Linh được chọn để thay mặt 200 học sinh khối 9 phát biểu, dự Lễ tuyên dương và khen thưởng học sinh giỏi Thủ đô năm 2016. 

Yêu đến độ say mê môn Hóa học, khi được hỏi “Em coi nhà khoa học nào là một biểu tượng?”, Linh đáp ngay: “Nhà khoa học Marie Curie”. Câu trả lời này không lạ bởi theo em bà là nhà khoa học thiên tài, bất chấp bao khó khăn của cuộc sống và điều kiện nghiên cứu vẫn miệt mài làm việc trong phòng thí nghiệm. Người phụ nữ Ba Lan bé nhỏ ấy sống ở Paris cùng chồng, nhận giải Nobel Vật lý (1903), Hóa học (1911, cùng với Pièrre).

Phan Hà Linh tâm sự: “Em rất tiếc trong một lần đến Pháp cùng gia đình mà chưa vào Điện Panthéon để thăm viếng những tên tuổi làm rạng danh nước Pháp và cống hiến cho nhân loại, trong đó có vợ chồng nhà khoa học Pièrre và Marie Curie. Nhất định lần sau có cơ hội thăm lại nước Pháp, đến quận 5 Thủ đô Paris em sẽ thăm bà”.

Trò chuyện với Linh, tôi ngạc nhiên ở em khi các bạn cùng trang lứa, thậm chí nhỏ hơn coi điện thoại thông minh là thiết bị thời thượng thì Hà Linh lại từ chối. Em dùng laptop Dell và chiếc máy điện thoại “cục gạch” hiệu Nokia. Linh lý giải rằng em không cần iPhone vì không muốn mất nhiều thời gian với nó mà chỉ kết nối Facebook với mục đích trao đổi học tập. 

Phan Hà Linh bên ông, bà nội và bác ruột Phan Ngọc Tiến

Làm giàu tâm hồn từ truyền thống gia đình

Ông nội Phan Hà Linh là nhà văn Phan Đào Nguyên, người đã dạy cô cháu gái viết chữ đẹp, chăm đọc sách và biết trân trọng văn chương, nghệ thuật. Bác của Hà Linh là nhà báo Phan Ngọc Tiến cũng quan tâm đến Hà Linh từ nhỏ và chưa bao giờ thôi khích lệ cháu ruột rằng hãy đọc nhiều sách.

Cha của Hà Linh là kỹ sư tự động hóa Phan Ngọc Biên và chú là doanh nhân Phan Ngọc Hiền đều giỏi môn tự nhiên nhưng đề cao tinh thần văn hóa nghệ thuật trong đời sống cũng có sức ảnh hưởng rất nhiều lên Hà Linh. Có lẽ chính truyền thống gia đình đã hình thành nên những điểm “cổ điển” đáng quý ở cô gái Phan Hà Linh này.

Ngoài ra, do đã đọc gần hết giá sách của ông nội, yêu thích những tác phẩm văn học Những người khốn khổ; Không gia đình... nên Hà Linh sở hữu vốn từ vựng giàu hơn các bạn cùng lứa, bởi thế em đã có bài thi 14 trang môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển vào lớp 10. Không lệ thuộc vào những bài văn mẫu, suy nghĩ theo lối mòn, Hà Linh thích tìm tòi, đào sâu, phát huy khả năng tưởng tượng, bởi thế trong một bài tập về nhà, em đã viết 33 trang cho đề bài: “Hãy tượng tưởng 30 năm sau, em và các bạn trở về trường cũ dự đại lễ mừng ngôi trường tròn 60 năm, hãy kể lại sự kiện ấy bằng bài văn có sự kết hợp giữa hiện thực và lãng mạn”... 

Dù dành phần lớn thời gian trong ngày để học tập nhưng Hà Linh luôn đọc sách mỗi ngày vào lúc nghỉ chờ đi học thêm hoặc trước giờ đi ngủ. Em cười tươi thú vị khi tôi nhắc đến hình ảnh nhà bác học Albert Einstein không phải bên chồng sách chất cao mà cái đầu sư tử của ông với đôi mắt sáng và vầng trán trí tuệ đang hứng khởi với cây vĩ cầm.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi ngưng lại khi tôi gợi ý: “Em đàn nhé?”. Vậy là buổi chiều mùa hè dịu mát đâu chỉ bởi phòng máy lạnh, cửa kính cách âm mà từ những ngón tay thon dài của nữ thủ khoa kép lướt trên phím đàn của chiếc dương cầm giai điệu của bản nhạc “River flows in you” của tài năng piano đương đại người Hàn Quốc Yiruma.

Thuở nhỏ, sống cùng ông bà nội, Hà Linh thông minh, chịu khó, tư chất sống tình cảm, đặc biệt là em tự lập, không ỷ thế gia đình khá giả. Ngoài giờ học, em vẫn giúp mẹ việc nhà, tham gia các hoạt động của khu phố, các chị em họ rủ nhau đi bơi, tập Yoga. Ngoài bữa ăn sum họp thành thông lệ vào trưa thứ bảy hàng tuần, đại gia đình Hà Linh vẫn sum họp cùng nhau và mọi người thường xuyên cùng làm từ thiện.

Theo nếp gia đình, Hà Linh luôn nhiệt tình với các chiến dịch thiện nguyện tại trường, bảo vệ và làm xanh môi trường thiên nhiên xung quanh… Minh chứng bằng những hành động thiết thực, dịp 1-6 vừa qua, Hà Linh gom góp số tiền tiết kiệm của mình để nấu cơm rồi đến Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương trao tận tay cho các bệnh nhi, bệnh nhân nghèo đang điều trị tại đây.  

Ước mơ khởi nguồn từ những câu hỏi

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, Hà Linh cho biết sau khi học hết cấp III sẽ du học ngành Hóa mĩ phẩm. “Có cơ hội hấp dẫn đến mấy, học xong em sẽ trở về Việt Nam, mang kiến thức của mình để phục vụ cộng đồng” - Phan Hà Linh tâm sự - “Em sẽ biến tình yêu môn Hóa học nói riêng và khai thác giá trị của khoa học làm ý nghĩa cuộc sống”. 

Trong suy nghĩ của tôi, Phan Hà Linh không chỉ lãng mạn như kiểu “Lá thư trong chai” (Nicholas Sparks) hay “Khi lỗi thuộc về những vì sao” (John Green) - hai cuốn sách mà em vừa đọc xong, mà ánh sáng những vì sao trong em lại chính từ sự suy ngẫm bằng những câu hỏi “vì sao?”.

Trong tưởng tượng của em: “30 năm sau làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao để đi khắp nơi, để làm giàu cho cuộc đời bằng sự cho đi, cống hiến chân thành”. Em tâm đắc câu nói của Albert Einstein: “Học từ ngày hôm qua, sống ngày hôm nay, hy vọng cho ngày mai. Điều quan trọng nhất là không ngừng đặt câu hỏi”. Ước mơ về tương lai của nữ thủ khoa kép Phan Hà Linh đang được viết nên từ khởi nguồn những câu hỏi như vậy!