Nữ giám đốc chiếm đoạt tiền tỷ của hàng chục người mua tour du lịch giá rẻ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Kinh doanh du lịch giá rẻ, nữ giám đốc doanh nghiệp thiếu tính toán nên dẫn đến thua lỗ và nợ nần. Để bù đắp, bà ta tiếp tục rao bán các tour du lịch giá rẻ để chiếm đoạt số tiền lớn của hàng chục người...

Theo kháng cáo của bị cáo và cả bị hại, TAND Cấp cao tại Hà Nội vừa tiến hành phiên xét xử phúc thẩm đối với Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1980, trú ở Bắc Giang) - Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Phong Nguyệt (gọi tắt là Công ty Phong Nguyệt) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo hồ sơ vụ án, Công ty Phong Nguyệt do Nguyễn Thị Nguyệt làm chủ với đăng ký ngành nghề kinh doanh là đại lý du lịch, điều hành tour du lịch cùng một số lĩnh vực khác. Tuy nhiên, công ty này chưa được cơ quan chức năng cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, quốc tế.

Thế nhưng từ năm 2017, Công ty Phong Nguyệt ký hợp đồng hợp tác liên kết đại lý với một số đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, nhận bán chương trình du lịch để hưởng “hoa hồng”.

Thực tế, quá trình hoạt động kinh doanh, Nguyệt đưa ra những chương trình, tour du lịch trọn gói giá rẻ (chỉ bằng ½ giá của công ty lữ hành mà Phong Nguyệt ký kết), đồng thời đưa ra những lời quảng cáo chất lượng dịch vụ tốt nhằm thu hút nhiều khách hàng.

Ngoài ra, Nguyệt còn cam kết sẽ hỗ trợ đặt vé máy bay, thuê xe ô tô, đặt phòng nghỉ tại điểm du lịch và thuê hướng dẫn viên hoặc chuyển khách cho công ty “mẹ” nhằm hưởng % "hỏa hồng".

Do hạ giá nên các chương trình, tour du lịch Nguyệt tổ chức đều thua lỗ. Cuối năm 2018, Công ty Phong Nguyệt không còn khả năng tài chính để duy trì hoạt động và nợ tiền một số cá nhân, đơn vị.

Trong lúc thua lỗ, Nguyệt tiếp tục sử dụng chiêu trò hạ giá dịch vụ để thu hút khách hàng. Và rồi từ cuối năm 2018 đến cuối tháng 6-2019, Nguyễn Thị Nguyệt đã chiếm đoạt hơn 9 tỷ đồng của 96 bị hại. Số tiền này được Nguyệt sử dụng vào việc bù lỗ các dịch vụ thực hiện trước đó.

Quá trình điều tra, 3 bị hại rút đơn, không yêu cầu Nguyệt bồi thường. Như vậy số bị hại còn lại 93 người.

Một trong các nạn nhân mất tiền nhiều nhất có bà Nguyễn Thị N. (SN 1981, ở Bắc Giang) mất 550 triệu đồng khi săn tour du lịch giá rẻ của Công ty Phong Nguyệt cho người thân gồm: các tour đi Đà Nẵng – Huế, Phượng Hoàng, Cố Trấn, Singapore, Nha Trang, Bình Định…

Cơ quan tố tụng cũng xác định, Công ty Phong Nguyệt đã ký hợp đồng dịch vụ, ký phiếu đăng ký dịch vụ hoặc xác nhận bằng tin nhắn qua ứng dụng Zalo hoặc SMS.

Trước khi khách hàng xác nhận, Nguyệt nói do là chương trình giá rẻ nên khách hàng phải chuyển toàn bộ tiền tour du lịch. Việc chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân mang tên Nguyệt hoặc Công ty Phong Nguyệt.

Quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm, Nguyệt thành khẩn khai nhận hành vi gian dối của bản thân để chiếm đoạt tiền của những người có nhu cầu sử dụng dịch vụ du lích giá rẻ. Lời khai của bị cáo phù hợp với tố cáo của các bị hại và phù hợp với các chứng cứ vật chất do CQĐT thu thập.

Trên cơ sở ấy, Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Thị Nguyệt 13 năm 6 tháng tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Cho rằng mức hình phạt bị tuyên phạt là quá nghiêm khắc, bị cáo kháng cáo lên Tòa án Cấp cao tại Hà Nội xin giảm án phạt tù.

Ở chiều ngược lại, 17 bị hại trong vụ án cho rằng cần phải áp dụng hình phạt tù nghiêm khắc hơn nữa đối với nữ giám đốc công ty du lịch lừa đảo nên cũng kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm tăng hình phạt đối với Nguyễn Thị Nguyệt.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhận định, khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo biết rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Để thu hút khách hàng bị cáo đã tự hạ giá các tour du lịch, không tính toán kỹ, không cân đối được thu chi dẫn đến thua lỗ.

Sau đó, bị cáo còn dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của những người mua tour du lịch giá rẻ sau để bù lỗ cho các tour du lịch trước và trả lại tiền cho các khách hàng hủy tour… Hành vi của bị cáo thể hiện ý thức coi thường pháp luật. Từ đó Viện kiểm sát đề nghị Tòa cấp phúc thẩm bác kháng cáo của bị cáo vì không có căn cứ để chấp thuận.

Mở tòa phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo, TAND Cấp cao tại Hà Nội cũng đồng thuận với quan điểm của Viện kiểm sát nên sau khi cân nhắc, Tòa cấp phúc thẩm quyết định giữ nguyên mức án phạt tù đối với Nguyễn Thị Nguyệt.

Đối với kháng cáo của các bị hại, TAND Cáp cao tại Hà Nội cũng cho rằng không có căn cứ để chấp thuận kháng cáo tăng hình phạt đối với bị cáo. Do đó, Tòa cấp phúc thẩm cũng quyết định không chấp nhận kháng cáo của 17 bị hại trong vụ án.