Nói “thủy điện an toàn”, người dân vẫn “khó sống”

ANTĐ - Chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn tại phiên chất vấn của Quốc hội thì một trận động đất lại xảy ra khiến vùng Bắc Trà My chao đảo. Bên lề Quốc hội ngày 16-11, ĐBQH Ngô Văn Minh, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết, phải có giải pháp dứt khoát hơn.

- Cơ quan quản lý, cơ quan khoa học đều khẳng định đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn, các giải pháp xử lý tình thế hiện vẫn đảm bảo. Là ĐBQH của chính địa phương đang xảy ra sự cố, ông nghĩ thế nào? 

- Tuyên bố an toàn thì phải có giải pháp để thuyết phục người dân đang ở đó là đập thủy điện an toàn. Muốn vậy phải có phương án giải quyết triệt để. Thứ nhất, phải tính toán, giúp đỡ làm sao để người dân làm nhà sinh sống trong khu vực này đều có tính được tác động từ động đất, để nhà cửa của họ không bị hư hại mỗi khi động đất xảy ra. Thứ 2,  phải hỗ trợ cho bà con, nhưng hỗ trợ bao nhiêu cho đủ khi không chỉ về vật chất mà nó còn tác động tới tâm lý, sinh hoạt, đời sống của người dân, khiến dân ăn không ngon, ngủ không yên. Người dân đang bất an lắm. Vì vậy, tôi cho rằng giải pháp tốt nhất là nên dừng, xả hết nước trong thủy điện. 

- Nhưng không thể xả hết nước trong thủy điện ra vào thời điểm này vì thiết kế đập không có cửa xả đáy?

- Tôi nói lại, có 3 mục tiêu tổng hợp, quan trọng khi quyết định đầu tư một dự án là cung cấp điện cho quốc gia, điều tiết lũ cho mùa mưa và cấp nước cho mùa cạn, góp phần ổn định kinh tế cho địa phương. Nếu không đạt được 3 mục tiêu này thì tỉnh phải “tính sổ” dự án. Nhất là ở vùng Sông Tranh 2, hầu hết dân số là đồng bào dân tộc, người nghèo, vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Như vậy, chủ đầu tư cũng phải xem xét.

Tôi biết không làm cửa xả đáy ở dự án thủy điện này là chủ ý từ đầu. Có nhà khoa học bảo để tiết kiệm chi phí đầu tư nhưng tôi chưa nghiên cứu thấy. Ngay khi nghe các nhà khoa học nói không có cửa xả đáy, tôi đã rất băn khoăn, vì khi bùn lắng phải xả để đảm bảo chứa nước, rồi khi có vấn đề gì phải xả ra để xử lý. Hiện mực nước chết là 140m, tương đương 200 triệu m3 nước đang tích trong hồ. Câu chuyện không cho tích nước nhưng ở mực nước nào, chứ còn ở ngưỡng tràn là 175m là quá cao vì ngay ở mực 140m3, đã đủ để tổ máy hoạt động bình thường.

- Các nhà khoa học nói đập chịu được động đất 5,5 độ richter, trong khi trận động đất mạnh nhất ở vùng thủy điện này mới đến 4,7 độ richter...

- Các trận động đất xảy ra ngày càng nhiều, cường độ mạnh hơn. Giải pháp di dời dân cũng không khả thi bởi vùng ảnh hưởng của động đất rất lớn. Giải pháp gì bây giờ cũng khập khiễng nên dù “của đau con xót” thì cũng phải dừng thủy điện này lại. 

Các nhà khoa học đều khẳng định động đất ở thủy điện Sông Tranh là động đất kích thích do tích nước thủy điện. Ngay cả trường hợp thủy điện an toàn tuyệt đối thì người dân cũng khó sống trong vùng có động đất như vậy.