Nói mãi, vẫn phải nói

ANTĐ - Theo ông, cơ thể con người có những bộ phận nào luôn phải chịu áp lực, chịu khổ nhiều nhất?

 - Chắc chắn là đôi tai, đôi mắt, vì thế mới có câu “chướng tai, gai mắt”. Đó là 2 bộ phận “gần dân” nhất, luôn phải “mắt thấy, tai nghe” những chuyện khó chịu, bức bối diễn ra trong cuộc sống.

- Ông quên mất một bộ phận cực kỳ quan trọng, đó là cái miệng. Dù mắt thấy rõ, tai nghe thủng nhưng miệng không nói ra thì có nghĩa lý gì?

- Ông chỉ được cái nói đúng! Thế nhưng khổ nỗi, có nhiều chuyện nói mãi, nói đi nói lại, nói đến mức nhàm chán mà cuối cùng chỉ là “miệng nói, tai nghe”.

- Nếu nói như ông thì... không nói nữa sao? Chẳng hạn, chuyện xảy cháy ở các nhà chung cư vừa rồi đấy.

- Đúng thế thật. Sau mỗi vụ cháy, người ta lại nói đến trách nhiệm của chủ đầu tư, rồi xử phạt nhưng rồi lại cháy, dân lo vẫn cứ nơm nớp.

- Ngay như chuyện xả rác thải đầu độc môi trường, chuyện người trồng rau, nuôi gia súc, gia cầm sử dụng chất cấm trong sản xuất, rồi chuyện lạm thu các loại phí, dạy thêm, học thêm… cũng nói mãi mà vẫn cứ trơ trơ đấy thôi.

- Kể ra thì còn quá nhiều chuyện đã nói mãi rồi nhưng vẫn phải nói, nói mạnh nữa để mong có chuyển biến.

- Tôi lại nghĩ hơi khác ông. Đương nhiên phải nói, nhưng nói mãi vẫn không chuyển thì phải dùng đến “cây gậy” của pháp luật. Nói đi đôi với làm, ở nhiều nước, họ nói ít nhưng chế tài đi kèm rất mạnh, quyết liệt, thì lời nói mới có sức nặng.