Nỗi lo bị khủng bố của cộng đồng người Hoa ở Indonesia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các thành viên của Mặt trận bảo vệ Hồi giáo (FPI - một tổ chức Hồi giáo bị cấm ở Indonesia) mới thừa nhận đã lên kế hoạch tấn công các công dân Indonesia gốc Hoa và các doanh nghiệp do Trung Quốc làm chủ. Sự phẫn nộ của họ đối với những “di sản” của Trung Quốc ở Indonesia không có gì mới, nhưng cuộc suy thoái do ảnh hưởng của Covid-19 và vấn đề Tân Cương đã thổi bùng lên một làn sóng giận dữ.
Rizieq Shihab, lãnh đạo nhóm Mặt trận Bảo vệ Hồi giáo (FPI) bị bắt năm ngoái

Rizieq Shihab, lãnh đạo nhóm Mặt trận Bảo vệ Hồi giáo (FPI) bị bắt năm ngoái

Một ngày đầu tháng 4-2021, 4 thành viên của FPI đã xuất hiện trong một đoạn video thú tội. Theo đó, 2 người đã lên kế hoạch đánh bom các cơ sở kinh doanh của Trung Quốc, các cửa hàng do người Indonesia gốc Hoa làm chủ, trong khi những người còn lại lên kế hoạch tấn công cảnh sát và quân đội bằng axit và bom ống.

Lời thú nhận gây sốc

Những thành viên này bị lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố (Densus 88) của cảnh sát Indonesia bắt giữ vào ngày 29-3 tại Jakarta và Tây Java. 5 quả bom ống đã được thu giữ từ nhà của các nghi phạm cùng 5,5kg vật liệu nổ, trong đó có 1,5kg Triacetone Triperoxide (TATP). Theo cảnh sát, những nguyên liệu chất nổ đó đủ để chế tạo thêm 70 quả bom.

Có vẻ như âm mưu của các thành viên FPI bắt nguồn từ sự tức giận khi chính phủ dành các đặc quyền cho nhà đầu tư Trung Quốc và người Indonesia gốc Hoa. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn trong suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 khiến hàng triệu người mất việc làm.

Ông Mohamad Adhe Bhakti - Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu chủ nghĩa cấp tiến và cực đoan Indonesia

Một trong những người bị bắt tên là Ahmad Junaidi cho biết, anh ta là một cảm tình viên của FPI sau khi tham gia các buổi học kinh Koran hàng tuần do người bạn tù Husein Hasni hướng dẫn. Trong một video được Cổng thông tin an ninh Detik.com phát hành, Ahmad tiết lộ rằng, sau mỗi phiên họp, nhóm sẽ thảo luận về các vấn đề mới nhất mà đất nước phải đối mặt và họ kết luận: “Indonesia đang bị kiểm soát bởi Trung Quốc”. “Chúng tôi đã có nhiều cuộc thảo luận về việc đất nước đang ở trong tình trạng đã bị Trung Quốc kiểm soát… Cuối cùng, những người bạn đã thúc giục tôi thực hiện các vụ đánh bom vào các ngành công nghiệp của Trung Quốc ở Indonesia”.

Một nghi phạm khác là Bambang Setiono thừa nhận là thành viên của FPI từ tháng 12-2020. Anh ta thú nhận đã lên kế hoạch cho các cuộc tấn công, chẳng hạn như ném bom tự chế nhằm vào người Indonesia gốc Hoa và các cửa hàng do người Hoa làm chủ. Anh ta cũng muốn tấn công bằng bom xăng để yêu cầu trả tự do cho lãnh đạo FPI là Habib Rizieq Shihab - người từng bị bắt vào tháng 12-2020 vì vi phạm các quy tắc chống dịch Covid-19.

Một nghi phạm khác là Habib Husein Hasni kể, vị trí cuối cùng của anh ta trong FPI là Phó trưởng nhóm thánh chiến ở Đông Jakarta. “Nhà tôi là nơi chế tạo bom. Hiện giờ tôi biết cách chế tạo bom từ TATP và bột flash”. Husein tuyên bố đã dạy cho các thành viên FPI cách chế tạo bom và sau khi hàng trăm quả bom ống được chế tạo, chúng sẽ được phân phối đến các chi nhánh của FPI và các hội đồng lãnh đạo khu vực trên khắp Indonesia. Mục tiêu của những quả bom đó là binh sỹ quân đội, cảnh sát, hoặc các cơ sở công cộng.

Lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố của cảnh sát Indonesia Densus 88 liên tục triệt phá các âm mưu tấn công trong nước

Lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố của cảnh sát Indonesia Densus 88 liên tục triệt phá các âm mưu tấn công trong nước

Xu hướng đáng lo ngại

Người gốc Hoa ở Indonesia trong quá khứ đã phải đối mặt với sự phân biệt đối xử. Một số nhà phân tích lo ngại rằng, cộng đồng này vốn chiếm khoảng 5% trong tổng dân số 270 triệu người Indonesia, có thể sẽ lại phải hứng chịu các cuộc tấn công bạo lực. “Việc phát hiện các âm mưu khủng bố gần đây là đáng lo ngại. Cá nhân tôi lo lắng cho sự an toàn của người Indonesia gốc Hoa và những người đến từ Trung Quốc” - ông Mohamad Adhe Bhakti, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu chủ nghĩa cấp tiến và cực đoan (PAKAR) nói.

Thời gian gần đây, một số lãnh đạo FPI đã bị bắt và tổ chức lên tới hàng trăm nghìn người này bị đưa vào danh sách cấm của chính quyền. Tại sao FPI lại quay sang chống Trung Quốc như vậy? Ông Adhe cho biết, có vẻ như âm mưu của các thành viên FPI bắt nguồn từ sự tức giận khi chính phủ dành các đặc quyền cho nhà đầu tư Trung Quốc và người Indonesia gốc Hoa.

Điều này càng trở nên rõ ràng hơn trong suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 khiến hàng triệu người mất việc làm. Theo thống kê, Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của Indonesia vào năm ngoái, với vốn đầu tư 4,8 tỷ USD, sau vị trí số 1 của Singapore. “Các nghi phạm cảm thấy chính phủ không công bằng, điều này khiến họ trở nên ghen tị với người Trung Quốc và người Indonesia gốc Hoa” - ông Adhe nói.

Chuyên gia Adhe cho rằng, tôn giáo và địa chính trị là những yếu tố khác khiến người Trung Quốc bị những kẻ cực đoan nhắm tới. Công dân Trung Quốc và người Indonesia gốc Hoa bị coi là “ngoại đạo” vì hầu hết họ không theo đạo Hồi, đồng thời những kẻ cực đoan cũng tức giận trước việc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc và cuộc khủng hoảng người Rohingya ở Myanmar.

Iwa Maulana - nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu giam giữ (Jakarta) cho biết, các mối đe dọa từ FPI đối với người Trung Quốc có khả năng trở nên nghiêm trọng vì suy nghĩ “Trung Quốc đang kiểm soát Indonesia”. Tất nhiên, suy nghĩ đó không chỉ có trong đầu các thành viên FPI mà còn phổ biến với hàng nghìn người Indonesia. “Những người đó thường có cuộc sống khó khăn, không có thu nhập… và bây giờ họ có một mục tiêu là các ngành công nghiệp Trung Quốc, vốn được coi là nguồn gốc cho sự bất bình của họ”.

Ông Maulana cho biết, sự hiện diện của công nhân Trung Quốc ở Indonesia đã làm gia tăng căng thẳng khi họ bị coi là lấy đi việc làm của người dân địa phương. Tính đến tháng 5-2020, Indonesia có 98.900 lao động nước ngoài, chiếm chưa đến 0,1% trong tổng số 124 triệu lao động. Lao động từ Trung Quốc chiếm nhóm lớn nhất với 35.781 lao động, tiếp theo là Nhật Bản với 12.823 lao động và Hàn Quốc là 9.097 lao động.

Cảnh báo với cộng đồng

Lời thú nhận của các thành viên FPI đã khiến cộng đồng người gốc Hoa ở Indonesia đặc biệt quan tâm. “Tôi khá lo lắng. Tất cả các thành viên trong gia đình tôi đều cố gắng tránh những nơi công cộng” - một sinh viên Indonesia gốc Hoa, 21 tuổi ở Jakarta cho biết.

Johanes Herlijanto - giảng viên tại Đại học Pelita Harapan (Jakarta) cho biết, tình hình hiện tại khác xa với các sự kiện năm 1998, khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á gây ra bạo loạn ở Jakarta và các doanh nghiệp do người Indonesia gốc Hoa làm chủ bị cướp phá và đốt cháy. Khoảng 1.200 người đã chết vì bạo lực và nhiều người trong cộng đồng đã bỏ trốn khỏi đất nước.

Ông Herlijanto lưu ý rằng, hiện tại nhiều người Indonesia bản địa không thể phân biệt giữa người Indonesia gốc Hoa và những người đến từ Trung Quốc để làm việc hoặc thành lập doanh nghiệp. Những người này mặc nhiên được coi là đại diện cho tầng lớp giàu có. “Những người bị áp bức cảm thấy việc sử dụng bạo lực nhắm vào người gốc Hoa cũng giống như việc nhắm vào tầng lớp giàu có. Điều này đã ăn sâu vào nhận thức của người Indonesia quá lâu”.

Ông Adhe - Giám đốc điều hành PAKAR cho biết, trung tâm đã ghi nhận ít nhất 5 âm mưu khủng bố nhằm vào các doanh nghiệp Trung Quốc và người Indonesia gốc Hoa trong những năm qua. Trong số đó có vụ đe dọa đánh bom năm 2012 tại một ngôi chùa ở Glodok - nơi có nhiều người Trung Quốc lui tới ở Jakarta. Ông Adhe cho biết, chính phủ có thể giúp xoa dịu làn sóng chống Trung Quốc bằng cách minh bạch lý do tại sao một số doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu các dự án lớn. “Ví dụ, nếu một công ty Trung Quốc hoặc một công ty nhà nước được lựa chọn cho một dự án xây dựng, chính phủ nên đưa ra lời giải thích như: liệu công ty Trung Quốc hoặc công ty nhà nước đó có đủ sức cạnh tranh và đầu tư vốn hay không” - ông Adhe nói.