"Nồi lẩu" của người sống trong khu tập thể cũ

ANTD.VN - Từ lời kể của một cậu bé sống vào thời buổi hỗn loạn tại một khu chung cư cũ, “Câu chuyện bên nồi lẩu” là những chiêm nghiệm, suy tư về những kiếp người, về nhân quả… Nếu gọi đây là lẩu, thì ắt hẳn bạn đọc sẽ thấy là một nồi lẩu thú vị, vì nó được gia giảm đủ thứ cảm xúc từ đắng cay, đau đớn… cho đến những ngọt ngào, mãn nguyện. 

Tác giả Tăng Xuân Trường

Từng bị từ chối vì viết thẳng

Thường trang bìa một cuốn sách, người ta giới thiệu dăm ba dòng về tác giả, sơ qua cho độc giả biết, nhất là tác giả chưa có mấy tiếng tăm. Đằng này giở cuốn “Câu chuyện bên nồi lẩu”, chỉ có độc dòng duy nhất “Kiệm - Mấy thằng bồi bút vỉa hè”. Lân la đi hỏi thì biết Kiệm vốn là tên dùng chung của hai tác giả, nhưng hỏi một người thì ắt ra người còn lại, vì đến 90% nội dung là do tác giả này chấp bút. 

Gặp Tăng Xuân Trường, cây bút chính của tác phẩm,  “khui” ra được anh vốn là dân Toán, tốt nghiệp Đại học Sư phạm. Nhưng với bản tính thích tung tẩy, tự do, nên ngoài đi dạy học, anh còn làm đủ thứ nghề, từ dịch thuật, nhà báo và bây giờ là viết văn. Hỏi vì sao lại chuyển sang địa hạt văn chương, anh nói đơn giản là được rủ rê, rồi nghĩ có quyển sách mà cầm trên tay thì cũng “sướng”, thế là viết thôi.

Nói vậy, nhưng kỳ thực, anh vốn say mê  văn chương và thần tượng cụ Nguyễn Tuân từ nhỏ, nhưng chắc duyên chưa đến, vì gửi đi mấy tập truyện ngắn thì đều bị từ chối. “Chắc đấy là “dư chấn” từ hồi làm báo, tôi sống trong môi trường nhìn đâu cũng thấy tiêu cực nên thích đả kích, phê phán, viết thẳng như ruột ngựa, chẳng nơi nào nhận in” – Tăng Xuân Trường nói. 

 “Câu chuyện bên nồi lẩu” nói như Tăng Xuân Trường thì xếp vào thể loại nào không quan trọng, cứ coi nó là một loại tạp văn, ai đọc thấy đồng cảm, gật gù vài cái đã là thành công. Sách gồm 3 phần “Trong nhà, ngoài ngõ”, “Quán nước vỉa hè” và “Thơ trà đá”, trong đó người đọc có thể được “nếm” một món lẩu mang hương vị rất Hà Nội, từ lời kể của một đứa trẻ  sống trong khu tập thể cũ kỹ, những phận người lam lũ của người đàn ông bán bún đêm hay chị bán bánh mỳ hay những chiêm nghiệm về kiếp người, về nhân quả mang nhiều triết lý sâu xa. 

Bìa cuốn sách “Câu chuyện bên nồi lẩu”

Tìm về quãng thời gian đã mất

 Nếu chỉ đọc mỗi cái tên “Câu chuyện bên nồi lẩu” thì chắc nhiều người nghĩ đây là những câu chuyện phiếm tào lao. Kỳ thực, nó lại là những trải lòng của một con người đã đi qua khá nhiều sóng gió cuộc đời, để rồi nhìn lại thời tuổi trẻ với một thái độ điềm nhiên, nhẹ bẫng. Tăng Xuân Trường lớn lên trong khu tập thể Văn công quân đội, Cầu Giấy, nơi các dãy nhà cấp 4 liền kề san sát nhau.

Gia đình anh sống trong căn hộ xập xệ, không có phòng tắm, cửa bị mục, tường nhà có thể cạy ra từng mảng. Nhưng thế cũng chẳng sao, vì hồi ấy ai cũng ở khổ như vậy. Giống như bao gia đình khác, người lớn mải miết đi làm, tăng gia sản xuất, những đứa trẻ con ở nhà lêu lổng, toàn chơi những trò nghịch dại như bắt nhái, bắt rắn, thả diều trên sân thượng, hái trộm quả rồi bị chó cắn không biết bao lần.

Anh tâm sự: “Hồi ấy đứa nào cũng ngây thơ lắm, gia đình thiếu thốn đủ đường nhưng cũng chẳng biết thiếu là thế nào, vì chẳng có cái gì so mà biết khổ hay sướng”. Cũng vì nghĩ cái khổ là cái khổ chung, nên năm 7-8 tuổi, anh mới lờ mờ hiểu được bi kịch của gia đình. Anh trai vừa chào đời được mấy ngày đã mất vì viêm phổi, vì nhà hộ sinh bất cẩn tắm nước lạnh.

Rồi người cha đang khỏe mạnh bỗng lâm bệnh và trở nên thoái chí. Từ chỗ trụ cột, là chỗ dựa của gia đình, ông gần như kiệt quệ trong những lời chỉ trích, khinh miệt từ người ngoài. Bản thân anh, con trai cả cũng bỗng dưng lâm vào trận ốm dai dẳng, mình mẹ gồng gánh hết mọi chuyện, trở thành người phụ nữ mạnh mẽ, can trường.

Cũng may, năm tháng trôi qua, gia đình anh cũng vực dậy, những biến cố năm xưa giờ chỉ là chuyện của quá khứ. “Khi đọc cuốn sách này, bố mẹ tôi đã khóc vì họ đã tìm lại được quãng thời gian đã mất. Nhiều bác, nhiều cô chú khi đọc cũng cảm thấy có phần giống họ. Đối với tôi, đó là thành công” - anh tâm sự. 

Với Tăng Xuân Trường, kể khi đã trưởng thành và có cuộc sống riêng, anh vẫn đi về ngôi nhà năm xưa. Chỉ có điều giờ nó không còn là ngôi nhà cấp bốn xập xệ nữa. Và đôi lúc, mỗi khi trong lòng thấy cồn cào một nỗi nhớ, anh lại mong mình bé lại, để được nhìn lại khoảng sân trước nhà, với bãi cây cối rậm rạp, những con côn trùng, chão chuộc kêu…