Nơi “cơn bão” ma túy đi qua

ANTĐ - Hình ảnh bộ xương trắng quái đản, chiếc kim tiêm trên những tấm tranh cổ động được treo dọc bên đường Quốc lộ 6 khi vào địa phận thành phố Sơn La không làm tôi quá hoảng sợ. Cảm giác rợn người thực sự chỉ đến khi người quản lý nghĩa trang nhân dân Bố Ẩn chỉ cho tôi phần lớn những ngôi mộ trắng nói: “Toàn chết do ma túy cả đấy!”.

Vườn rau của học viên có sản lượng khá không chỉ đủ để cải thiện bữa ăn mà còn bán ra chợ

Quá khứ đáng buồn

Ngồi tại quán cà phê ở ngã tư cầu Trắng, giữa trung tâm TP Sơn La, tôi được anh Tạ Văn Khải, 30 tuổi, nhân viên tại quán kể những năm 2004-2005 là thời điểm “đỉnh” của nạn nghiện ma túy. Chỉ một đêm bàn ghế đã bị “khoắng” sạch, thậm chí đến gạch lát nền còn bị nghiện cậy đi. Bóng kẻ nghiện dật dờ đầy vỉa hè, ngã tư. Chúng hút, chích ngay tại đó, có đứa con gái vạch quần chích vào bẹn ngay chân cột điện, có đứa chích quá liều, sốc thuốc nằm lịm cả giờ bên đường, chúng mua bán, sử dụng ma túy đông như “trảy hội”… “Hầu như nhà ai cũng “cống hiến” một người cho nạn sử dụng ma túy”, anh Khải nói. Anh trai của Khải cũng nghiện hút ma túy và đột tử trong một lần chích quá liều. Lớp THPT của Khải có 13 người con trai thì tất cả đều đã từng thử hít heroin, thậm chí, có người không hút được thuốc lá thì “hãm” khói bằng nước lọc.

Theo giới thiệu của anh Khải, tôi tìm đến nhà bác Vũ Thị Thuận (72 tuổi, sống tại xã Hổi Hin, TP Sơn La), có 4 người con trai nghiện hút và đều đã chết vì ma túy. Gian nhà cấp 4 lụp xụp, đồ đạc trong nhà tuềnh toàng, trên bàn thờ ngày xuân cũng đủ bánh chưng, nải chuối, quả bưởi. 4 bức di ảnh của các con nằm ngay ngắn trên ban thờ. Vào ngày đầu xuân, nhìn cảnh tang thương ấy, tôi không dám hỏi nhiều, sợ bác sẽ nhớ lại những nỗi đau, những ký ức kinh hoàng. Bác Thuận cho biết, trước kia ít khi 4 đứa “nghịch tử” cùng ở nhà một lúc, vì hai thằng anh lớn luôn đi “lĩnh án”, hết trộm cắp vặt rồi buôn bán ma túy. Đau buồn nhất với bác Thuận là cậu con út, cậu dạy học tại huyện vùng sâu, cách nhà 60km, ngoan nhất nhà, những tưởng là niềm hy vọng của bác thì một ngày cũng bị đình chỉ công tác vì dính vào sử dụng ma túy. “Lúc nó dính vào ma túy thì thay đổi hẳn tính nết, nó trở nên côn đồ, sẵn sàng đánh mẹ, giật tiền để đi mua thuốc”, bác Thuận chua xót kể. 

Không giống như hoàn cảnh của bác Thuận, chị Liên, giáo viên trường THCS Quyết Thắng A, TP Sơn La cho biết, các bạn học dùng lớp chị Liên cách đây hơn chục năm không có ai “nên người” cả, đa số đều đã chết vì ma túy. Giờ đây, con số đáng buồn ấy vẫn được chị Liên tâm sự với các học trò lớp do cô chủ nhiệm để cảnh báo, giáo dục các em.

Học viên vui vẻ sau một buổi lao động hăng say

Cuộc chiến của toàn dân

Theo ông Đào Văn Hạnh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Giám đốc Trung tâm Giáo dục - Lao động tỉnh Sơn La (Trung tâm cai nghiện tỉnh), số lượng thống kê người nghiện hút trong tỉnh trước năm 2006 là 9.200 người. Sau khi nghị quyết 03-UBND TP Sơn La ra đời (phát hiện và bắt buộc người nghiện hút đi cai nghiện) thì con số lên tới 18.000 người.

Năm 2005, Chính phủ đã đưa Sơn La vào diện điểm phòng chống ma túy. Nghị quyết 03 đã thể hiện tình thần quyết chiếnvới nạn sử dụng ma túy của toàn tỉnh Sơn La,. Năm 2006, đồng chí Hoàng Văn Chấp, Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La trực tiếp là Trưởng ban chỉ đạo Nghị quyết 03, và thành lập trên 4.000 Ban chỉ đạo các cấp trên toàn tỉnh. Ông Đào Văn Hạnh cho biết, thời điểm năm 2006, chưa lúc nào phong trào “đấu tố” nổ ra mạnh mẽ và được nhân dân hưởng ứng đến như vậy. Các gia đình tự nguyện “đấu tố” con em mình, hàng xóm “đấu tố” đan chéo nhau, nhằm tránh việc các gia đình che giấu cho người nhà. Thời cao điểm đấu tranh phát hiện người sử dụng ma túy, rất nhiều chuyện bi hài mới vỡ lở: nhiều công chức, rất nhiều người được biết đến với tư cách rất “đàng hoàng” đều không vượt qua vòng kiểm tra của chiếc que thử ma túy. Nhiều gia đình, nhiều ông bố, bà mẹ, người vợ mới vỡ lở là con, cháu, chồng mình đã nghiện ma túy.

Phong trào “đấu tố” phát triển mạnh mẽ và vẫn tiếp tục đến tận bây giờ. Mỗi năm, có khoảng 3.000 lượt người cai nghiện tại các trung tâm trong toàn tỉnh, tính riêng tại Trung tâm Giáo dục - Lao động tỉnh Sơn La mỗi năm có khoảng trên 2.000 lượt người cai nghiện, chi phí sinh hoạt, thuốc men, cho mỗi học viên khoảng 4,5 triệu đồng/năm.

Tuyên chiến với nạn nghiện ma túy thực sự là cuộc chiến của toàn tỉnh, là cuộc chiến của các cấp, các ngành, của mọi nhà, mọi người dân, đặc biệt là của các Trung tâm Giáo dục - Lao động  (trung tâm cai nghiện). Tình hình ANTT tại địa bàn tỉnh được cải thiện rõ rệt. Riêng tại thành phố Sơn La đã xóa sổ được rất nhiều “điểm đen” mua bán và sử dụng ma túy, tại sân vận động, công viên, đường phố không còn bóng dáng kẻ nghiện, không còn la liệt kim tiêm trên các bãi cỏ và trả lại đó là nơi vui chơi, hoạt động thể thao đúng nghĩa.