Niềm hy vọng cho người tị nạn Syria

ANTĐ - Quyết định sẵn sàng tiếp nhận 3.000 người tị nạn Syria của Argentina không chỉ giúp giảm sức ép từ dòng người di cư hiện vẫn không ngừng tăng, mà còn làm nguội bớt mâu thuẫn trong nội bộ Liên minh châu Âu về vấn đề này.  

Dòng người di cư Syria vượt qua lãnh thổ Slovenia

Báo chí Argentina đưa tin trong buổi làm việc với Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ S. Rice tại Washington, Chánh văn phòng nội các Argentina Marcos Peña cho biết, nước này sẵn sàng tiếp nhận 3.000 người di cư Syria. Ngay sau đó, trên tài khoản cá nhân trong mạng xã hội Twitter, bà S. Rice đã bày tỏ cảm ơn ông Peña và thiện chí của Chính phủ Argentina trong việc hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay ở Trung Đông.

Cho đến nay, hơn 4,8 triệu người, tức là khoảng 20% dân số Syria, đã chạy trốn khỏi cuộc nội chiến sang các nước láng giềng và châu Âu. Chiến sự chưa chấm dứt đồng nghĩa với việc dòng người tị nạn Syria sẽ chưa dừng lại. Trong khi đó, mục tiêu của LHQ là tái định cư cho 480 nghìn người tị nạn ở các quốc gia khác vào cuối năm 2018 nhằm giảm bớt gánh nặng cho các nước láng giềng với Syria luôn nhận được ít sự phản hồi từ các nước.

Ai cũng nghĩ các quốc gia Vùng Vịnh giàu có sát với Syria là địa chỉ mà người tị nạn Syria nghĩ đến đầu tiên khi chạy khỏi tổ quốc. Song trên thực tế, dòng người tị nạn Syria chủ yếu hướng đến châu Âu. Khả năng nhập quốc tịch vô cùng khó khăn cùng cơ hội tìm được việc làm không hề đơn giản ở các quốc gia Vùng Vịnh đã khiến người tị nạn Syria đánh cược cả mạng sống của mình trên biển Địa Trung Hải để đến được châu Âu. 

Tuy nhiên, kế hoạch phân bổ hạn ngạch người tị nạn giữa các nước thuộc Liên minh châu Âu đang đối mặt với sự phản đối của một số nước thành viên. Czech, Slovakia, Hungary và Ba Lan đã tuyên bố thẳng rằng kế hoạch đó là chính sách “sai lầm”, đồng thời khẳng định sẽ không bao giờ đồng ý với việc bị bắt buộc tạo ra các cộng đồng nhập cư trên lãnh thổ của mình. Các nước này không muốn phải chia sẻ sự thịnh vượng và không gian sống của mình với người tị nạn.

Ngay với Đức, đất nước vốn được ca ngợi là “hảo tâm nhất” với người tị nạn, giờ cũng đang chia rẽ sâu sắc với quyết định mở cửa biên giới đón nhận gần 1 triệu người tị nạn của Thủ tướng A. Merkel. Trong một tuyên bố được đưa ra gần đây, cựu Thủ tướng Đức G. Schröder đã gọi quyết định của bà A. Merkel là một “sai lầm”, đồng thời cho rằng, bà A. Merkel hành động theo cảm tính mà không có kế hoạch cụ thể.

Trong bối cảnh đó, việc Argentina quyết định cứu giúp 3.000 người tị nạn Syria đã giúp tình hình dịu bớt. Tại Argentina hiện nay có nhiều người nhập cư từ Syria và Lebanon, họ rất quan tâm về những gì đang xảy ra trên quê hương mình. Theo kênh truyền hình Telesur (phủ sóng tại nhiều nước Trung và Nam Mỹ), trong thời gian gần đây đã có ít nhất 200 người tị nạn chiến tranh từ Syria và Lebanon tới được Argentina nhờ chương trình “Syria” giúp cấp thị thực nhân đạo trong trường hợp được đồng bào (không nhất thiết phải là người thân) đang sinh sống ở các quốc gia khác bảo lãnh.

Một lý do khác là trong số những nhân vật nổi bật có gốc từ Trung Đông đã tạo nên một cộng đồng rất quan trọng ở Argentina là cựu Tổng thống khá nổi tiếng C. Menem, con của một gia đình nhập cư từ Syria. Chính vì thế mà trong dịp Tổng thống Pháp F. Hollande thăm Argentina hồi đầu năm và đề nghị nước này chung tay giúp châu Âu giải quyết vấn đề người tị nạn Syria, Tổng thống Argentina M. Macri đã bày tỏ sự cảm thông. 

Ngoài Argentina, tại Nam Mỹ còn có Uruguay và Brazil đã đồng ý tiếp nhận người di cư Syria. Đây là thông tin tốt lành với những người Syria phải bỏ quê hương ra đi vì chiến tranh.