Kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước 30-4-1975/30-4-2015:

Những thước phim không cầm được nước mắt

ANTĐ - “Ký ức chiến tranh nhìn từ hai phía”, tựa đề của bộ phim tài liệu phóng sự cho thấy không chỉ là góc nhìn của bên thắng cuộc, mà còn là tâm tư, suy nghĩ của bên bại trận về cuộc chiến tranh diễn ra tại Việt Nam cách đây 40 năm. 25 tập phim do nhà văn, NSƯT Minh Chuyên viết kịch bản và đạo diễn đã để lại nhiều dư âm xúc động trong lòng người xem.

Những thước phim không cầm được nước mắt ảnh 1Trong suốt 20 ngày ở Mỹ, đạo diễn, NSƯT Minh Chuyên đã tìm gặp hơn 
170 cựu binh Mỹ từng tham chiến tại chiến trường Việt Nam 

Cuộc hành trình đi tìm “hai phía” 

Đạo diễn, NSƯT Minh Chuyên kể, để có được 25 tập phim tài liệu “Ký ức chiến tranh nhìn từ hai phía”, ông đã mất hơn 3 năm ấp ủ và chuẩn bị, rong ruổi khắp nơi để thu thập các tư liệu cần thiết. Trong đó, bước đệm quan trọng phải kể đến là vào tháng 6-2014, khi ông được mời sang thành phố Boston, Mỹ để tham dự một cuộc hội thảo văn học quốc tế. Trước đó, cuốn truyện ký “Di họa chiến tranh” của ông từng được dịch và xuất bản tại Mỹ. Khép lại cuộc hội thảo, NSƯT Minh Chuyên thay vì được 20 ngày để nghỉ ngơi và tham quan thì ông lao vào làm phim luôn. 

Vốn đã định tranh thủ chuyến sang Mỹ lần này sẽ ghi hình cho loạt phim ký sự kể trên nên ông lập tức vác máy quay đi khắp 4 bang ở Mỹ, gặp hơn 170 cựu binh Mỹ từng tham chiến tại chiến trường miền Nam Việt Nam cũng như các chuyên gia, nhà báo, quay phim, thậm chí là cả cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ để nghe họ nói về cuộc chiến từ phía bên kia. Bất ngờ ở chỗ, rất nhiều người Mỹ khi hay tin ông muốn gặp để tìm hiểu về cuộc chiến năm xưa đã không quản ngại vất vả, tự mình lái xe hàng trăm cây số đến Boston, Washington để cùng ông hồi ức lại những tháng ngày mà không ai trong số họ muốn nhớ lại. Bản thân ông cũng rất đỗi xúc động khi đến thăm gia đình của những người Mỹ bị nhiễm chất độc da cam khi bước ra từ cuộc chiến này. 

Cũng trong 20 ngày ít ỏi ấy, đạo diễn, NSƯT Minh Chuyên kể, ông nhận thấy rõ hai luồng tư tưởng ở những người cựu binh Mỹ có mặt tại chiến tuyến năm xưa, rằng họ chiến đấu vì hai lý tưởng hoàn toàn khác nhau: một là vì danh dự nước Mỹ, vì lý tưởng của người thanh niên cho rằng đi chiến đấu là vinh quang; số còn lại thì cho rằng họ bị “lừa” sang cuộc chiến tranh Việt Nam, bị tuyên truyền rằng đi chiến đấu để giải cứu và ủng hộ nhân dân Việt Nam, song thực chất khi sang đến nơi thì họ nhận ra không phải vậy và họ đã ngả mũ, buông vũ khí, trở về nước Mỹ và tham gia phong trào phản chiến. Nhiều người trong số này sau đó đã trở thành nhà văn, đã viết sách để phê phán chiến tranh. Sự phân hóa trong tư tưởng ở ngay chính những người thuộc về bên kia chiến tuyến, đó cũng chính là điều mà ông muốn đưa vào loạt phim ký sự của mình. 

Trở về Việt Nam, đạo diễn Minh Chuyên lại rong ruổi trên từng cây số, đi đến tất cả những điểm chiến đấu khốc liệt nhất của cuộc chiến năm xưa, từ chiến trường miền Bắc đến Quảng Trị, từ Khe Xanh đến đường 9, từ dốc Miếu Cồn Tiên đến các vùng miền Đông Nam bộ… Rồi ông tìm gặp để xin sự tư vấn từ gần 100 tướng lính của ta, từ Đại tướng Lê Văn Dũng, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Trung tướng Nguyễn Thước… Ở tuổi không còn trẻ, đi từng ấy nơi, gặp từng ấy con người, suốt quãng thời gian đó, đạo diễn, NSƯT Minh Chuyên làm việc không ngơi nghỉ liên tục 16 tiếng mỗi ngày và chỉ tự cho phép mình nghỉ ngơi khi ngủ. 

Những ký ức hào hùng

Trong số 25 tập phim đang lần lượt lên sóng đến với khán giả ở nhiều kênh của VTV, đạo diễn NSƯT, Minh Chuyên không giấu sự tâm đắc nhất mà ông dành cho 2 tập “Trận đánh không cân sức” (tập 11) và “Những anh hùng ở lại Khâm Đức” (tập 12). Cách đây ít hôm, ông và một số nhân chứng trong 2 tập phim này cũng đã dành thời gian đến CLB Thăng Long (Hà Nội) để cùng ngồi lại xem phim rồi trò chuyện với các hội viên của CLB là những lão thành cách mạng và cán bộ hưu trí đang sinh hoạt tại đây. Trong khán phòng nhỏ hôm ấy, ai nấy đều lặng đi khi được xem những thước phim này. 

Những thước phim mở đầu bằng hình ảnh các cựu binh của Tiểu đoàn Đặc công 404 (đơn vị trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Khâm Đức (Quảng Nam) làm nên chiến thắng hào hùng trong cuộc chiến chống Mỹ 40 năm về trước) trong bộ trang phục áo lính năm xưa, bò toài phục kích trong tư thế sẵn sàng tấn công cứ điểm địch. Trong dòng hồi ức về trận chiến khốc liệt này, câu chuyện của họ từ đầu đến cuối không có “mùi” súng đạn, cũng không nhắc đến sự thắng thua, mà chỉ xoay quanh sự hy sinh thầm lặng của 16 chiến sĩ là đồng đội của mình đến giờ vẫn chưa tìm được hài cốt. 

Sự thật từ phía bên kia

Điều bất ngờ là những hình ảnh tư liệu được sử dụng trong 2 tập phim mà đạo diễn, NSƯT Minh Chuyên làm về trận chiến Khâm Đức năm 1970 chủ yếu lại do chính cựu binh - nhà báo Mỹ Christopher Jesen cung cấp. Ngày đó, các trận đánh diễn ra cùng những thương vong từ cả hai phía đều được cựu nhà báo Mỹ này ghi lại trên phim 16mm, đến vài năm trước thì chuyển sang kỹ thuật số nhưng chỉ để cất đi. Đến cuối đời, cựu binh Mỹ này quyết định công khai những thước quay này lên mạng xã hội Youtube, trong đó có những hình ảnh khủng khiếp về sự hy sinh của 16 chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 404 trên chiến trường Khâm Đức.

Christopher cho biết, ông mong muốn có thể giúp mọi người nhìn ra sự thật đằng sau cuộc chiến. Không lâu sau, chính Christopher cũng bất ngờ khi đọc được dòng bình luận của những người tự nhận là thân nhân của 16 chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến này và mong ông giúp họ tìm ra hố chôn tập thể nơi người thân của mình nằm lại suốt hơn 40 năm qua. 

Xem lại những thước phim, nhiều người không cầm được nước mắt. Sau buổi chiếu, nhiều cựu binh đã ở lại chờ gặp bằng được đạo diễn, NSƯT Minh Chuyên chỉ để nói lời cảm ơn ông vì đã cho mọi người được thấy câu chuyện cảm động về cuộc chiến nhìn từ nhiều góc độ khác nhau. Riêng với người đạo diễn tài ba này, ông biết dư luận Việt Nam cũng rất quan tâm đến tiếng nói của những cựu binh Mỹ. Và bằng việc đứng từ góc nhìn của hai bên, sự hy sinh mất mát và cả những thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ đất nước sẽ càng thêm ý nghĩa và có giá trị lịch sử muôn đời.