Những thói quen tiêu hao năng lượng và sức khỏe

ANTĐ - Thực tế cho thấy, những thói quen xấu chi phối và điều khiển cuộc sống hàng ngày, gây tiêu hao sinh lực và sức khỏe của chúng ta. Vì vậy, rất cần có nghị lực để từ bỏ những thói quen xấu.

Thức khuya, thiếu ngủ: Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong những năm thập niên 60 của thế kỷ trước, một người bình thường ngủ khoảng 8 giờ/ngày, và hiện nay đã giảm xuống 6,5 giờ. Nguyên nhân được chỉ ra là, do cuộc sống phát triển quá nhanh khiến chúng ta bị cuốn vào vòng xoáy công việc và sự gia tăng của các bệnh lý có liên quan từ sự rối loạn giấc ngủ. Nhiều người cho rằng, sau một tuần làm việc căng thẳng, thức khuya thì có thể ngủ nướng vào cuối tuần, nhưng một nghiên cứu từ Đại học Northwetern (bang Illinois-Mỹ) cho thấy, thiếu ngủ thường xuyên không thể ngủ bù vào 1 hoặc 2 ngày, vì sự bù đắp này có thể gây ra sự mất cân bằng trong quá trình trao đổi chất gây ra các bệnh về tâm thần, béo phì và rối loạn chuyển hóa.

Chịu đựng những cơn đau mãn tính: Rất nhiều người cho rằng mình vẫn có sức khỏe chống chọi được những cơn đau và bỏ qua việc kiểm tra sức khỏe, nhất là đối với nam giới. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những bệnh nhân trầm cảm, hội chứng căng thẳng sau chấn thương và đau mãn tính có nhiều điểm tương đồng. Nó có thể gây ra một loạt các chuỗi phản ứng làm cho các cơ yếu đi, giảm sự thèm ăn, giảm ham muốn tình dục, hoạt động thể chất, giấc ngủ bồn chồn, và giảm cả khả năng tập trung. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến chúng ta mất nước, kiệt sức và giảm chất lượng cuộc sống. 

Lạm dụng cà phê, nước tăng lực: Thông thường, một tách cà phê sáng có thể giúp chúng ta có tinh thần sảng khoái và tăng khả năng tập trung trong công việc. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên chúng ta nên uống 8 ly nước mỗi ngày, và không ít người cho rằng uống cà phê cũng như uống nước. Việc lạm dụng cà phê có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, vì nó có thể gây ra chứng mất ngủ và mất nước. Ngoài ra, nước tăng lực cũng nằm trong số đó, nó  cung cấp cho cơ thể chúng ta nguồn năng lượng tạm thời, nhưng cái chính là cơ thể phải được nghỉ ngơi hợp lý chứ không phải bằng cách bổ sung năng lượng kiểu này. Vì các hóa chất hay đường trong nước tăng lực có thể gây tổn thương cho gan, hệ thần kinh và tim mạch.

Bác sĩ “Google”: Trên internet có rất nhiều thông tin về các triệu chứng của nhiều chứng bệnh, nên mọi người thường truyền tai nhau hay “search” trên internet để tự chẩn đoán và tự chữa bệnh. Điều này rất nguy hại, đặc biệt là đối với trẻ em. Vì thế, để tìm ra nguồn gốc căn bệnh bạn nên đến khám bác sĩ, bạn sẽ được chẩn đoán và có những phương pháp điều trị hợp lý đảm bảo cho sức khỏe của mình. 

Lười vận động: Hoạt động thể chất không chỉ làm giảm nguy cơ các bệnh tim mạch, trầm cảm mà còn tăng cường sức đề kháng, tăng cường trao đổi chất, giúp các cơ phát triển khỏe mạnh và dẻo dai hơn, tăng tuổi thọ. Một nghiên cứu tại Đại học Nam California (Mỹ) trong 12 năm thực hiện trên 2.600 người cao tuổi cho thấy, hoạt động thể chất ảnh hưởng đến tuổi thọ nhiều hơn sự đảm bảo chỉ số trọng lượng cơ thể. Nói cách khác, cho dù bạn gầy nhưng thường xuyên tham gia hoạt động thể chất sẽ giúp tăng tuổi thọ hơn những người có trọng lượng bình thường mà lười vận động.