Những nước xuất khẩu pháo hỏa tiễn hàng đầu thế giới

ANTĐ - Vừa qua, Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới của Nga đưa ra báo cáo về thị trường xuất khẩu pháo hỏa tiễn (pháo rocket) trong vòng 4 năm tới.

Để tiện đánh giá, phân loại trung tâm đưa ra tiêu chuẩn từ “mới” ở đây được hiểu theo nghĩa là giàn phóng rocket mới chế tạo hoặc giàn nâng cấp để kéo dài tuổi thọ phải tiệm cận trình độ công nghệ của giàn phóng mới, loại được nâng cấp phải có giá hơn 1 nửa của giàn phóng mới cùng loại, sản xuất cùng 1 thời kỳ.

Hệ thống pháo hỏa tiễn Tornado-G của Nga với 2 cụm 15 ống phóng

Báo cáo của Trung tâm cho biết: căn cứ vào hợp đồng hiện có, ý định mua sắm và các gói thầu có thể hoàn thành trong giai đoạn 2012 – 2015, trong 4 năm tới số lượng pháo rocket mới được xuất khẩu trên toàn thế giới (chỉ tính các hệ thống hoàn chỉnh) là 147 giàn phóng, tổng kim ngạch là 1,628 tỷ USD. 4 năm qua (2008 – 2011), số lượng pháo rocket đã xuất khẩu hoặc được cấp phép sản xuất trên toàn cầu là 964 giàn, đạt kim ngạch 1,82 tỷ USD, trong đó số lượng pháo rocket mới là 201 với tổng giá trị là 1,779 tỷ.

Như vậy trong 4 năm tới, tổng lượng pháo rocket mới xuất khẩu trên thế giới giảm 36,73%, kim ngạch xuất khẩu cũng giảm 9,26%. Từ năm 2008 – 2011, nhu cầu bình quân của thế giới đối với các loại pháo rocket mới là 50 giàn/năm, đến giai đoạn 2012 – 2015 sẽ giảm xuống còn 37. 

Giàn phóng pháo rocket M-270 gồm 2 cụm 6 ống phóng của Mỹ

Bảng xếp hạng 9 nước xuất khẩu pháo rocket hàng đầu thế giới như sau:

Đứng đầu thế giới là Nga với 79 giàn với tổng giá trị 748,2 triệu USD. Trong 4 năm đầu Nga xuất khẩu 49 giàn, thu về 478,2 triệu USD, 4 năm tới Nga bán được 30 giàn với giá 270 triệu.

Xếp thứ nhì là Trung Quốc. Trong 8 năm, Bắc Kinh thu về 369 triệu USD từ hợp đồng bán 54 giàn pháo hỏa tiễn. Từ 2008 – 2011, họ chỉ xuất được 12 giàn, giá trị có 100 triệu USD, nhưng 4 năm sau họ nhận được đơn đặt hàng 42 giàn phóng có tổng giá trị tới 269 triệu.

Tuy kém 4 giàn phóng nhưng Mỹ lại thu về một khoản gấp 3,5 lần Trung Quốc là 1,302 tỷ USD. 4 năm qua, Mỹ xuất đi 31 giàn để thu về 703,2 triệu USD, còn từ nay đến năm 2015 họ sẽ bán 19 giàn với giá 598,8 triệu.

Do giai đoạn 2012 – 2015 không ký được hợp đồng nào nên Israel đành ngậm ngùi xếp vị trí thứ 4 với 48 giàn trị giá 1,223 tỷ USD (chủ yếu là các loại Lynx và Naizha).

Brazil được xếp hạng 5. Tổng cộng trong 8 năm họ xuất khẩu được 36 giàn phóng loại “Aspen Boutros-2” cỡ nòng 300mm, trị giá 460 triệu USD.

Vị trí kế tiếp thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ trong năm 2010 người Thổ đã xuất khẩu sang Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) 24 giàn rocket T-122 (cỡ nòng 122mm) có giá trị 90 triệu USD.

Thật ngạc nhiên khi Hàn Quốc lọt vào danh sách này với vị trí thứ 7. Họ đã chế tạo cho Jordan 20 giàn roket 70mm với giá 60 triệu USD.

Triều Tiên cũng không chịu kém cạnh Hàn Quốc khi được xếp vị trí thứ 8. Tuy vậy họ chỉ có 1 hợp đồng bán 14 giàn pháo rocket M-1985 trị giá 50 triệu USD cho Myanma năm 2008.

Iran đứng cuối cùng với vỏn vẹn 5 giàn pháo hỏa tiễn loại Shaheen xuất khẩu sang Sudan.