Phải có giải pháp triệt để với xe đạp điện (2)

Những nguy cơ hiển hiện

ANTĐ - Bên cạnh những thương hiệu nổi tiếng, chất lượng thì vẫn còn khá nhiều xe đạp điện hiện nay có nguồn gốc không rõ ràng. Chỉ cần chiếc bình ắc quy đấu nối với hệ thống điện được lắp ráp vào một bộ khung sắt hết sức đơn giản là có thể “hô biến” thành một chiếc xe đạp điện. Chất lượng bị thả nổi, không được kiểm soát trong khi người sử dụng lại không có ý thức chấp hành Luật Giao thông đã làm gia tăng nguy cơ TNGT.
Những nguy cơ hiển hiện ảnh 1
Xe đạp điện nguồn gốc trôi nổi, không đảm bảo chất lượng
sẽ gây nên hậu quả gấp bội khi người sử dụng vi phạm Luật giao thông


Tràn lan xe trôi nổi

Do nhu cầu sử dụng xe đạp điện tăng vọt trong thời gian qua nên các cửa hàng kinh doanh mặt hàng này cũng phát triển nhanh chóng. Ngoài những cửa hàng, trung tâm kinh doanh xe đạp điện của các hãng nổi tiếng, đảm bảo chất lượng thì vẫn còn không ít cơ sở nhập lậu loại mặt hàng này. Thật giả lẫn lộn, thị trường xe đạp điện bát nháo không chỉ đang đánh đố người tiêu dùng mà còn gây ra rất nhiều hệ lụy khó lường. 

Trong vai một người đi mua xe, phóng viên được anh Nguyễn Mạnh Quân, chủ một cửa hàng bán xe đạp điện trên phố Bà Triệu tỉ mẩn giới thiệu từng loại. Từ xe đạp bình thường được “chế” hệ thống điện đấu nối với bình ắc quy cũng có thể trở thành xe đạp điện phóng vù vù trên phố. Loại này khá tiện dụng vì vừa dùng nguồn điện để hoạt động nhưng khi hết ắc quy người sử dụng vẫn có thể đạp bằng chân. Còn đối với những chiếc xe đạp điện khác, thông thường sẽ rất khó đạp nếu như ắc quy bị hỏng hoặc hết điện vì quá nặng. Mẫu mã và chủng loại của những chiếc xe đạp này rất đa dạng. Hầu hết bên ngoài đều được dán nhãn mác bằng chữ Trung Quốc, thậm chí nhiều xe chẳng có nhãn mác nào. Chỉ tay vào một chiếc xe đạp điện thấp và nhỏ, Quân “phất” giá 11 triệu đồng. 

Theo lời quảng cáo của Quân thì loại xe này đang là mốt, rất được giới trẻ ưa dùng. “Xe nhỏ, học sinh, người điều khiển thoải mái luồn lách. Chưa hết, tuy thiết kế đơn giản chỉ vài khung sắt uốn hình chiếc xe đạp nhưng vận tốc chiếc xe khá “bốc”, có thể đạt 40km/h”- Quân hào hứng giới thiệu. Đắt hơn một chút là chiếc xe đạp điện có thể chở tới 3 người ngồi đằng sau mà vận tốc không thay đổi 60km/h với quãng đường đi được chừng 50km. Theo lời Quân, chiếc xe này có giá trên dưới 20 triệu đồng. Loại xe này gia đình nào có điều kiện mới mua cho con em mình đi. Tuy nhiên mặt hàng này bán cũng rất chạy bởi có nhiều nhóm học sinh cùng gom tiền mua và dùng chung. Khi được hỏi về nguồn gốc xe, Quân chỉ ậm ờ lảng sang chuyện khác nhưng vẫn luôn miệng khẳng định chất lượng xe đạp điện không thua kém xe máy của các hãng nổi tiếng.

Đủ chiêu qua mặt 

Qua tìm hiểu, có tới hơn 60% số cơ sở kinh doanh xe đạp điện hiện nay vi phạm ở nhiều mức độ khác nhau. Vi phạm dễ nhận thấy nhất chính là kinh doanh xe đạp điện không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả nhãn mác, kiểu dáng của các hãng nổi tiếng. Về nguồn gốc của những chiếc xe đạp điện trên, đại diện Quản lý thị trường khẳng định, hầu hết là xe đạp nhập lậu từ Trung Quốc. Cuối tháng 9 vừa qua, CAQ Hoàng Mai phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 15 phát hiện 500 chiếc xe đạp điện không rõ nguồn gốc tại một kho hàng ở quận Hoàng Mai. Lô hàng được các doanh nghiệp nhập khung từ nước ngoài về lắp ráp. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng phát hiện, thu giữ rất nhiều tem, nhãn mác, linh kiện tháo rời của xe đạp điện.

Chỉ huy Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV CAQ Hoàng Mai  đánh giá, do nhập lậu nên chất lượng của những loại xe đạp điện này cũng bị thả nổi, không được kiểm định. Hiện các đối tượng kinh doanh mặt hàng lậu này dùng nhiều thủ đoạn để vận chuyển hàng hóa, đem đi tiêu thụ. Với kết cấu khá gọn nhẹ, đơn giản nên thay vì vận chuyển nguyên chiếc, nhiều chủ hàng đã tháo rời từng bộ phận của chiếc xe đạp điện vận chuyển riêng lẻ, tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, kiểm tra thu giữ. Phương thức vận chuyển hàng cũng có sự biến đổi, ngày càng tinh vi. Bên cạnh thủ đoạn nhồi trong xe khách, xe tải chở lẫn với các mặt hàng hóa khác, có chủ hàng còn gửi đảm bảo qua đường chuyển phát nhanh, bưu kiện trước khi mang về một địa điểm lắp ráp, rồi tuồn ra thị trường.

Trong khi thị trường xe đạp điện nhái, kém chất lượng phát triển rầm rộ thì công tác kiểm tra, xử phạt các vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh này vẫn còn khá hạn chế. Là một trong số ít những đơn vị tập trung xử lý nghiêm vi phạm này, cuối tháng 9 vừa qua, CAQ Cầu Giấy đã kiểm tra, phát hiện và thu giữ 66 chiếc xe đạp điện không có hóa đơn chứng từ của chủ cửa hàng Lê Ngọc Hoàng ở đường Cầu Giấy, Hà Nội. Nói về những tác hại, nguy cơ từ những phương tiện này đối với người, tham gia giao thông, đại diện Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV CAQ Cầu Giấy cho biết: Đã là nhập lậu thì chẳng ai có thể khẳng định, đảm bảo về chất lượng của xe đạp điện. Việc đấu nối hệ thống điện vào bình ắc quy, vận hành chiếc xe nếu chất lượng không đảm bảo cũng rất dễ xảy ra chập điện, cháy nổ. Chưa hết, do được thiết kế rất đơn giản bằng những chất liệu chưa được kiểm định an toàn kỹ thuật nên việc người tham gia giao thông đi với vận tốc cao chẳng khác nào mang tính mạng của mình “đánh bạc” với tử thần. 

(Còn tiếp)