Những người không sợ lửa, chỉ sợ tiếng... chuông reo

ANTĐ - Trước ngọn lửa hung tàn, trong làn nước chảy xiết, dưới những đống đổ nát có nguy cơ sập xuống… khi người ta tìm mọi cách để cố gắng thoát xa những nguy hiểm ấy, thì họ - những người lính cứu hộ, cứu nạn thuộc lực lượng PCCC lại lao tới, với nhiệm vụ cao cả: cứu người, tài sản còn sót lại để đưa đến nơi an toàn.

Những người không sợ lửa, chỉ sợ tiếng... chuông reo ảnh 1Những người lính cứu nạn chạy bộ để cứu người mắc kẹt 

Khi tôi nhìn thấy một cháu bé đang mắc kẹt

Nằm trên giường bệnh điều trị bởi ảnh hưởng khí độc thấm sâu vào khí quản, nhưng chiến sỹ Phạm Hải Nam, Đội chữa cháy cứu nạn, cứu hộ Phòng CS PCCC số 9 - Hà Đông dường như quên hết mọi đau đớn khi nhớ lại vụ hỏa hoạn tại khu Xa La vừa rồi. Người chiến sỹ còn rất trẻ kể lại: “Khi dốc sức chạy bộ lên tầng 18, tôi thấy rõ sự hoảng loạn bao trùm tòa nhà. Khói, lửa, tiếng la hét…Trong đám khói ngột ngạt, tôi thấy có hàng chục người mắc kẹt ở mỗi tầng. Mặc dù đã cùng đồng đội hướng dẫn bà con bình tĩnh đứng tại vị trí an toàn để xe thang cứu nạn, nhưng do hoảng sợ nên nhiều người đã không làm theo được.

Trong cảnh hỗn độn ấy, tôi trông thấy một cháu bé mắc kẹt khóc thất thanh. Tháo mặt nạ dưỡng khí của mình úp tiếp sức cho bé, rồi tôi bế thốc cháu bé chạy bộ xuống tầng 1. Cháu bé sau đó đã được an toàn”. 

Một đêm căng toàn sức lực giải cứu, hướng dẫn hàng trăm người  mắc kẹt tại vụ hỏa hoạn ở khu Xa La. Vậy mà sáng hôm sau (12-10), khi PV ANTĐ đến trụ sở Phòng CS PCCC số 9 - quận Hà Đông, gặp lại những gương mặt trẻ nhọ nhem vì ám khói tối qua, giờ lại bận rộn lau chùi, bảo trì dụng cụ, thiết bị cứu nạn, cứu hộ còn nguyên ám muội. Ngay cạnh đó là la liệt quần áo, giày ủng, mặt nạ đặc chủng.

Thiếu tá Đặng Xuân Hòa, Đội trưởng đội cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy chuyên nghiệp cẩn thận hướng dẫn những chiến sỹ trẻ bảo trì “vũ khí” để sẵn sàng làm nhiệm vụ. Hỏi Thiếu tá Hòa, người đã nhiều năm gắn bó với nghề “lao vào lửa”, rằng anh sợ nhất điều gì trong nghề?, tôi nhận được câu trả lời: “Tôi sợ nhất tiếng chuông reo”. Thiếu tá Hòa giải thích, trong lực lượng Cảnh sát PCCC, tiếng chuông reo là báo động đang xảy cháy. Và mỗi khi nghe thấy âm thanh khô khốc ấy, những người lính cứu hỏa luôn cảm thấy lo lắng. Nghe chuông reo, các anh lại lên đường. Nỗi sợ ấy, không phải sợ hiểm nguy, sợ biển lửa mà là nỗi sợ người dân sẽ không được an toàn trước giặc lửa.

Vụ hỏa hoạn xảy ra tối 11-10 ở khu chung cư Xa La, không chỉ riêng chiến sỹ Phạm Hải Nam, mà nhiều lính cứu hộ, chữa cháy đã nhường mặt nạ dưỡng khí cho người dân mắc kẹt. Có 4 chiến sỹ đã bị thương sau khi hoàn thành nhiệm vụ, là Nguyễn Tuấn Vũ, Nguyễn Văn Công, Lê Duy Anh và Nguyễn Duy Anh. Hơn 1 ngày điều trị tại bệnh viện, trở về đơn vị, các anh đã sẵn sàng cho những nhiệm vụ mới.

Những người lao vào biển lửa

Cho đến bây giờ, nhiều người dân không thể quên hình ảnh những người lính cứu hỏa dũng cảm thả mình bằng thang dây từ tầng cao xuống để cứu người dân mắc kẹt trong vụ hỏa hoạn tại chung cư SJC, quận Thanh Xuân. Tinh thần lăn xả, quên mình ấy đơn giản để cứu được cả trăm người mắc kẹt đang gặp hiểm nguy. Hay vụ hỏa hoạn tại cây xăng trên phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm hôm nào; vẫn với tinh thần, ý chí ấy, những người lính cứu hỏa nỗ lực cứu cháy. Sau mỗi trận đánh hiểm nguy ấy, đều có người mang thương tích. 

Chị Nguyễn Thị Thủy, nhân viên một cửa hàng ăn uống gần hiện trường cháy cây xăng trên phố Trần Hưng Đạo nhớ lại: “Khi ngọn lửa đang cháy dữ dội, tôi hoang mang chưa biết tìm cách nào để thoát ra ngoài, thì một anh lính mặc bộ quần áo trắng bạc đã lao vào bế thốc tôi đưa ra khỏi nơi nguy hiểm”. 

Trong biển lửa, khói và nguy cơ phát nổ, nguy hiểm luôn rình rập treo  nhưng những người lính cứu nạn sẵn sàng xông vào vùng lửa cháy. Bởi mỗi người lính cứu hỏa ngay từ khi bước chân vào trường học, vào nghề, đã nhập tâm tinh thần “phục vụ, hy sinh, cứu người”. Tinh thần ấy thể hiện rõ trong vụ nổ khí gas làm sập ngôi nhà 3 tầng tại phố Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng; hay gần đây nhất là vụ sập nhà cổ số 107 phố Trần Hưng Đạo. Tại hiện trường lúc ấy, không ai dám chắc dưới đống đổ nát sẽ không còn nhiều “quả bom” gas, những mảng bê tông rất có thể phát nổ, sập xuống.

Lính cứu hỏa cũng ý thức điều đó; những nguy hiểm đến tính mạng hay thương tích rình rập. Tôi nhớ mãi  nụ cười trắng lóa trên khuôn mặt nhọ nhem của chiến sỹ Phạm Hải Nam, trước khi anh khuỵu xuống sân chung cư trong vòng tay của đồng đội, do quá kiệt sức sau nhiều tiếng vật lộn trong biển lửa, rồi bị nhiễm khí độc. Nụ cười quả cảm, nụ cười của những con người… sợ nghe tiếng chuông reo; nhưng sẵn sàng lao vào lửa, vào những nơi hiểm nguy nhất, vì tính mạng và sự an toàn của người dân.