Giải mã tội phạm công nghệ cao
Sở dĩ gọi tội phạm sử dụng công nghệ cao là loại tội phạm phi truyền thống là bởi tuy vẫn có cùng mục đích, thủ đoạn phạm tội là nhằm tư lợi, chiếm hưởng trái phép tài sản của người khác song các đối tượng này lại không cần dùng đến những công cụ, phương tiện thông thường để phạm tội. Nói như cách của Đại tá Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng CSPCTP sử dụng công nghệ cao thì nếu như trước đây để cướp ngân hàng, các đối tượng phạm tội phải sử dụng vũ khí, đi cướp trực tiếp thì giờ đây các đối tượng phạm tội chỉ cần ngồi một chỗ, sử dụng kiến thức về công nghệ thông tin (CNTT) là có thể dễ dàng đạt được mục đích của mình. Chính vì sử dụng sự tiến bộ của CNTT để phạm tội đã khiến cho loại tội phạm này thực hiện được những hành vi mà tội phạm truyền thống không thể làm được.
Có thể nói tội phạm công nghệ cao xuất hiện ở Việt Nam cùng với quá trình phát triển của CNTT. Tuy là một lĩnh vực mới, song tội phạm sử dụng công nghê cao lại hết sức phức tạp với nhiều thủ đoạn và phương thức hoạt động. Tận dụng tính tiện ích và khả năng ứng dụng rộng rãi của CNTT, đối tượng tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tác động vào nhiều lĩnh vực quan trọng của đời sống như ngân hàng, thương mại, quản lý xã hội…
Trước sự phát triển của tội phạm sử dụng công nghệ cao, Ban Giám đốc CATP Hà Nội đã đánh giá loại tội phạm này cũng nguy hiểm không kém gì tội phạm hình sự và ma túy. Chia sẻ về sự ra đời của Phòng CSPCTP sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội, Đại tá Lê Hồng Sơn cho biết: “Nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của tội phạm sử dụng công nghệ cao, ngay từ năm 2008 và tiếp theo đó là năm 2011, CATP Hà Nội đã thành lập Đội Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc phòng Cảnh sát Hình sự và Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV.
Tuy nhiên trước những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm công nghệ cao, tháng 8-2013 CATP Hà Nội là đơn vị đầu tiên trên toàn quốc được Bộ Công an cho thí điểm thành lập Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Lực lượng này có trách nhiệm tổ chức và thực hiện các biện pháp, công tác nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống các hành vi vi phạm và tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố”. Trong 1 năm kể từ ngày thành lập, Phòng CSPCTP sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội đã đấu tranh hiệu quả với hoạt động của tội phạm có tính chất phức tạp. Đơn vị đã đẩy mạnh công tác trinh sát, nắm tình hình, điều tra cơ bản để phát hiện và xử lý ngay các vụ việc liên quan đến hoạt động của tội phạm công nghệ cao. Chính nhờ có sự chủ động này mà trong một năm qua Phòng CSPCTP sử dụng công nghệ cao đã triệt phá 147 vụ việc, ổ nhóm, 197 đối tượng có hành vi vi phạm, sử dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội, trong đó chuyển cơ quan điều tra 33 vụ, 73 đối tượng.
Phá hàng loạt công ty “ma” móc tiền ngân hàng
Kể từ khi được thành lập, một trong những mặt trận nóng nhất trong tình hình vi phạm và tội phạm sử dụng công nghệ cao mà các cán bộ chiến sỹ của Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao phải đối mặt là lĩnh vực Thương mại điện tử và thanh toán điện tử. Tình trạng trộm cắp, mua bán thông tin thẻ tín dụng để rút tiền, mua vé máy bay trực tuyến, thanh toán dịch vụ hoặc mua hàng hóa có chiều hướng gia tăng. Đã xuất hiện nhiều phương thức thủ đoạn mới trong việc trộm cắp thông tin thẻ tín dụng. Đặc biệt các đối tượng người nước ngoài (chủ yếu là công dân Trung Quốc, Đài Loan) nhập cảnh vào Việt Nam, đã làm thẻ tín dụng giả để rút tiền, chiếm hưởng trái phép số tiền lớn. Trong 1 năm qua Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao Công an Hà Nội đã liên tiếp triệt phá các ổ nhóm làm thẻ tín dụng giả.
Có thể kể đến vụ án ngày 7-1, Phòng CSPCTP Công nghệ cao được sự phối hợp của Ngân hàng Vietcombank, đã triệt phá ổ nhóm đối tượng có hành vi sử dụng mạng viễn thông, mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Qua điều tra có 4 đối tượng người Việt Nam đã móc nối với 2 đối tượng là người Trung Quốc để tiến hành làm thẻ giả và quẹt thẻ thông qua máy POS (máy thanh toán bằng thẻ tín dụng) để chiếm đoạt số tiền gần 500 triệu đồng.
Gần đây nhất, ngày 2-7, Phòng CSPCTP sử dụng công nghệ cao đã phát hiện một đối tượng người Trung Quốc thuê người Việt Nam để lập ra các công ty “ma”. Các công ty này đăng ký mở tài khoản và hợp đồng dịch vụ thanh toán thẻ (qua máy POS) tại một số ngân hàng ở Việt Nam. Các đối tượng đã sử dụng thẻ tín dụng giả (thẻ chứa thông tin của người khác) quẹt thanh toán qua máy POS, chuyển tiền từ tài khoản của một ngân hàng ở Việt Nam vào tài khoản của công ty rồi rút ra chiếm đoạt. Bước đầu xác định, bằng thủ đoạn này, các đối tượng đã chiếm đoạt gần 1,2 tỷ đồng.
Và lật tẩy các chiêu lừa nhắn tin trúng thưởng, nợ cước điện thoại
Trước tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong các tài khoản thuê bao điện thoại di động trong nước thông qua các cuộc gọi nhỡ hoặc tin nhắn trúng thưởng từ những đầu số lạ đang gây ra những bức xúc trong dư luận, Phòng CSPCTP sử dụng công nghệ cao đã tiến hành lập chuyên án để đấu tranh. Ngày 12-2, Phòng CSPCTP sử dụng công nghệ cao tiếp nhận được đơn trình báo của người dân về việc bị các đối tượng lừa đảo dưới hình thức nhận tin nhắn trúng thưởng, đơn vị đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức xác minh và phát hiện nhóm đối tượng ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có hành vi giả mạo cán bộ của đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông báo khách hàng trúng thưởng để lừa đảo chiếm đoạt số tiền 10.500.000 đồng. Còn thời gian gần đây, ngày 13-6, Phòng CSPCTP sử dụng công nghệ cao đã phối hợp cùng Cục CSPCTP sử dụng công nghệ cao và Công an quận Đống Đa đấu tranh triệt phá thành công ổ nhóm phát tán tin nhắn lừa đảo người sử dụng điện thoại di động để chiếm đoạt phí dịch vụ tin nhắn lên đến hàng chục tỷ đồng.
Theo lãnh đạo của Phòng CSPCTP sử dụng công nghệ cao, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao luôn diễn biến với chiều phức tạp với nhiều thủ đoạn mới và đa dạng, đơn cử là vụ việc diễn ra vào khoảng đầu tháng 7 vừa qua. Phòng CSPCTP sử dụng công nghệ cao đã bắt giữ 2 đối tượng người Đài Loan nằm trong đường dây tội phạm giả danh công an để lừa đảo qua điện thoại. Các đối tượng này móc ngoặc với một số đối tượng người Việt Nam, gọi điện thông báo nợ tiền cước điện thoại hoặc giả danh là công an đang điều tra án để đe dọa, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau đó chúng sử dụng một phần mềm giả mạo số điện thoại của cơ quan công an để lừa đảo, dụ người bị hại chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để “phục vụ điều tra” nhưng thực chất là bị các đối tượng chiếm đoạt. Tính từ cuối tháng 5 đến nay đã xác định được 16 người là nạn nhân của đường dây lừa đảo này với tổng số tiền bị chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng.
Đến những trò nghe lén
Một vụ việc gây chấn động dư luận trong thời gian vừa qua đó là việc Phòng CSPCTP sử dụng công nghệ cao Công an TP.Hà Nội đã phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội phát hiện Công ty TNHH Việt Hồng kinh doanh phần mềm Ptracker có chức năng giám sát, nghe lén các cuộc gọi trên điện thoại di động. Các đối tượng trong vụ việc này đã phát tán, cài đặt phần mềm có chức năng nguy hiểm này cho hơn 14.000 thuê bao di động.
Việc phá vụ án nghe lén điện thoại đã gây hoang mang trong nhân dân bởi bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của những thiết bị và phần mềm tinh vi này. Sau khi vụ việc được Phòng CSPCTP sử dụng công nghệ cao CATP Hà Nội phối hợp làm rõ đồng thời chỉ ra những sơ hở trong việc sử dụng các thiết bị điện tử, những người sử dụng điện thoại đã cảnh giác hơn với những nguy cơ mà mình vô tình có thể mắc phải. Bên cạnh đó, qua sự việc này các cơ quan chức năng cũng đã tiến hành xử lý mạnh tay hơn đối với thị trường kinh doanh các thiết bị quay trộm, nghe lén.
Bịt những kẽ hở
Thực tế đấu tranh với các tội phạm công nghệ cao cho thấy, những hậu quả do các hành vi phạm tội gây ra là rất nặng nề, gây thiệt hại lớn cho nhiều tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, công tác đấu tranh với loại tội phạm này hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Đại tá Lê Hồng Sơn cho biết một trong những khó khăn cơ bản nhất hiện nay là những kẽ hở về mặt quản lý Nhà nước. Lực lượng CSPCTP sử dụng công nghệ cao là đơn vị chủ lực trong cuộc chiến với loại tội phạm này. Tuy nhiên CSPCTP sử dụng công nghệ cao lại chưa có “quyền năng pháp lý” trong Bộ luật Tố tụng cũng như trong Luật Hành chính.
Bên cạnh đó, một số các cơ quan chức năng cấp phép cho các doanh nghiệp kinh doanh phần mềm nhưng lại không quản lý được việc những doanh nghiệp đó phát triển những phần mềm vi phạm bí mật đời tư, vi phạm quyền công dân. Thêm một bất cập khác đó vấn đề quản lý kinh doanh đầu số và hoạt động kinh doanh sim rác. Hiện nay đa phần những hoạt động này chưa được quản lý một cách chặt chẽ có nhiều tiềm ẩn liên quan đến mất an toàn thông tin. Tất cả những bất cập này đã gây ra nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Có thể thấy tội phạm công nghệ cao vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường đặt ra cho Phòng CSPCTP sử dụng công nghệ cao trong thời gian tới đây những trách nhiệm nặng nề. Đại tá Lê Hồng Sơn tâm sự, bên cạnh những nỗ lực của các cán bộ chiến sĩ của đơn vị thì cũng cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với người dân. Sở dĩ điều này phải được đặt cao là vì ở lĩnh vực CNTT, các đối tượng phạm tội đều thành lập diễn đàn, trang web, để phổ biến những phương thức, trao đổi thông tin về thủ đoạn hoạt động. Chính vì vậy việc phạm tội trong lĩnh vực công nghệ cao rất mong manh, chỉ cần môt phút không làm chủ bản thân là có thể sẽ dễ dàng vi phạm pháp luật. Ngoài ra, bên cạnh việc phòng ngừa cũng cần phải tăng cường chất lượng con người cũng như chất lượng trang bị kỹ thuật, đầu tư kiến thức cho cán bộ chiến sĩ của phòng. Trên cơ sở đó mới có thể làm tốt công tác phòng ngừa đấu tranh trong lĩnh vực này.
Những chiến sĩ của Phòng CSPCTP sử dụng công nghệ cao dù âm thầm bên những chiếc màn hình máy vi tính và những những máy móc hiện đại khác thế nhưng công việc của họ cũng không kém phần gian nan và vất vả. Để có được mỗi chuyên án thành công là một lần toàn đơn vị phải mất rất nhiêu trí tuệ và công sức bám theo dấu vết của kẻ tội phạm trong nhiều ngày thậm trí là nhiều tháng ròng rã. Nhân dịp Phòng CSPCTP sử dụng công nghệ cao tròn 1 năm thành lập, xin chúc các anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với sự mong chờ tin tưởng của người dân ở một lực lượng tuy non trẻ nhưng rất tinh nhuệ này.