"Những hạt mầm" kể chuyện sự sống

ANTĐ - Mỗi năm, Thái Nhật Minh đều đặn “trình làng” một sê-ri điêu khắc mới. Mà chất liệu gì cũng thấy anh nhúng tay  vào, từ gồ ghề như đá, kim loại cho đến mềm mại, mỏng manh như giấy. Lần này là những hạt mầm xanh mướt như ngọc, ai nhìn cũng xuýt xoa vì độ tinh tế, trau chuốt của nó.

"Những hạt mầm" kể chuyện sự sống ảnh 1Tác phẩm được gắn vào tấm mica, như lửng lơ giữa không trung 

Từng mơ đến những tác phẩm lớn

Có người nói Thái Nhật Minh là con người của những tác phẩm điêu khắc cỡ nhỏ. Từ triển lãm “Những con chim”, “Mùa sinh sản”, “Chinh phu - Chinh phụ” cho đến “Những hạt mầm”, anh không đi vào những tác phẩm bề thế, quy mô mà tập trung khai thác những tác phẩm nhỏ. Đó chỉ là những con chim, con sên, con mèo nhỏ bé… vừa để người ta đặt trên bàn hay thậm chí cầm lên ngắm nghía.

Thái Nhật Minh cũng nói thêm rằng, chẳng phải là anh ngại làm điêu khắc lớn, vì từng mơ làm một tác phẩm choán cả gian trưng bày. Nhưng nhỡ làm ra rồi không có chỗ để thì… uổng quá. Hơn nữa, làm những điêu khắc nhỏ nhưng lại đặt trong một tổ hợp khiến anh có thể kiểm soát mình tốt hơn, từ cảm xúc cho đến xử lý chất liệu, bề mặt, và đương nhiên là cả những câu chuyện trong đó nữa.

Thái Nhật Minh vốn là người ưa “kể chuyện”. Chỉ bằng những tác phẩm nhỏ bé, anh có thể kể những câu chuyện lớn lao, từ thân phận những người phụ nữ vò võ đợi chồng, những người lính thất trận trở về để nói về sự vô nghĩa của chiến tranh, cho đến những câu chuyện cá nhân hơn, như khát khao vượt thoát khỏi khuôn khổ, những sự kiềm tỏa để đạt tới ước mơ của con người.

“Những hạt mầm” là một trong những câu chuyện như thế. Không rườm rà nhiều chi tiết, khi thì bằng kim loại, khi lại bằng nhựa được đổ màu, mỗi khối điêu khắc của Thái Nhật Minh đều như đang ẩn mình trong một nỗi niềm, một suy tưởng nào đó, để rồi khi gặp cơ hội là cựa quậy, bung tỏa năng lượng của mình. 

Có thể thấy, Thái Nhật Minh là người chịu khó trong việc sáng tạo những cách thức trưng bày. Không bó buộc với lối trưng bày đặt lên bục bệ nhàm chán, anh muốn thử nghiệm với nhiều cách trưng bày khác nhau. Lần này, anh bắt vít, treo tác phẩm lên những tấm mica trong suốt. “Có mà như không”, những hạt mầm của Thái Nhật Minh lơ lửng trong không trung, bay đi tìm sự sống. 

“Lấy nó nuôi nó”

Đó là cách Thái Nhật Minh chọn để đi con đường của mình, để không bao giờ nghỉ ngơi quá lâu hoặc tự bằng lòng với chính  mình. Vốn liếng có được từ sau mỗi lần bán tác phẩm được anh quay vòng để chuẩn bị cho những bộ sưu tập tiếp theo. Nhưng đã là người làm nghệ thuật thì phải xác định đôi khi những sản phẩm mình làm ra chỉ là để thử thách mình, để đo giới hạn trong bản thân mình đến đâu.

Bởi thế có lúc, người nghệ sỹ như anh cũng mủi lòng không muốn chia tay những đứa con tinh thần của mình. Chẳng hạn như bộ tác phẩm “Chinh phu - Chinh phụ” vừa trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật, thành quả ròng rã 4 năm lao động của Thái Nhật Minh.

Tâm đắc đến nỗi, kết thúc triển lãm, anh vẫn chưa có ý định bán một tác phẩm nào vì muốn nhượng lại cho người có ý định mua toàn bộ những tác phẩm ấy. Anh cho biết, “Tách chúng ra tôi thấy tiếc, vì khi đó nó không còn là câu chuyện hoàn chỉnh nữa”. 

Từng chạy đôn chạy đáo, vay mượn để tổ chức được một cuộc triển lãm đầu tay, nên Thái Nhật Minh hiểu việc để lao động nghệ thuật một cách toàn tâm toàn ý không phải đơn giản. Có những lúc anh nản chí vì không thể làm theo ý của mình, cũng như không thoát khỏi suy nghĩ “làm những thứ này ra để làm gì”.

Nhưng khi đối diện với chính mình, với nỗi cô đơn, thì anh lại dùng tác phẩm để cất lên tiếng nói. Khi im lìm như đá, khi xù xì như cây, khi cứng cỏi như kim loại và có lúc lại trong veo như ngọc… Nếu điêu khắc chính là phản ánh của tác giả, thì Thái Nhật Minh cũng là trường hợp như thế.

Triển lãm “Những hạt mầm” gồm hơn 50 tác phẩm từ kim loại, nhựa… lấy ý tưởng về sự sinh sôi, hy vọng, sự sống… được trưng bày tại Đông Phong Gallery (13 Lý Đạo Thành, Hà Nội) đến hết ngày 3-7.