Những dấu ấn nổi bật của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trên thế giới đã để lại những dấu ấn đậm nét trong năm 2022, trong đó nổi bật là lần đầu tiên lực lượng Quân đội và lực lượng Công an có những loại hình mới tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Ghi nhận đóng góp của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, cho biết, tính đến nay, Bộ Quốc phòng đã triển khai 520 lượt sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại 4 phái bộ (bao gồm cả Phái bộ huấn luyện của Liên minh châu Âu tại Trung Phi) và Trụ sở Liên hợp quốc. Trong đó, hàng năm duy trì 25 sỹ quan hoạt động độc lập và 247 cán bộ, nhân viên của hai đơn vị là Đội Công binh và Bệnh viện dã chiến cấp 2.

Các lực lượng của Việt Nam tham gia hoạt động đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ, được lãnh đạo Liên hợp quốc, chỉ huy phái bộ, sỹ quan quân đội các nước và chính quyền nước sở tại đánh giá cao, trong đó Đội Công binh số 1 của Việt Nam được triển khai từ tháng 5-2022 tại Abyei (khu vực tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan), ngay sau 3 tháng làm nhiệm vụ đã được Chỉ huy phái Phái bộ An ninh lâm thời của Liên hợp quốc tại khu vực Abyei (UNISFA) đánh giá là “làm thay đổi diện mạo của phái bộ tại khu vực Abyei”.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam để lại những dấu ấn nổi bật trong năm 2022 khi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam để lại những dấu ấn nổi bật trong năm 2022 khi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Năm 2022, Việt Nam lần đầu tiên đảm nhận cương vị Chủ tịch Hiệp hội các Trung tâm gìn giữ hòa bình khu vực châu Á-Thái Bình Dương (AAPTC). Chúng ta cũng đã tổ chức thành công Hội nghị các Trung tâm gìn giữ hòa bình khu vực châu Á-Thái Bình Dương với 18 quốc gia và 8 tổ chức quốc tế đến trực tiếp tham dự tại Hà Nội.

Về công tác triển khai lực lượng, Việt Nam lần đầu tiên triển khai thành công Đội Công binh số 1 với quân số và khối lượng trang thiết bị lớn tới Phái bộ UNISFA và 2 sỹ quan đi làm nhiệm vụ tại Phái bộ huấn luyện của Liên minh châu Âu (EU) tại Cộng hòa Trung Phi, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đồng thời, Việt Nam cũng triển khai tới nhiều vị trí mới như sỹ quan Hậu cần, sỹ quan Quân lương, sỹ quan Điều phối quân - dân sự, sỹ quan Công binh công trình...

Việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc năm 2022 của lực lượng Quân đội và Công an đã tiếp tục phát huy được truyền thống của những năm qua và là một điểm sáng trong đối ngoại đa phương của Đảng, Nhà nước và đối ngoại quốc phòng, đối ngoại công an. Những kết quả đạt được đã góp phần tiếp tục khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm khi có đủ các loại hình tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế, cả về hình thức cá nhân và đơn vị, trong đó có các vị trí trọng yếu như ở Trụ sở Liên hợp quốc hay sỹ quan Tham mưu chỉ huy tác chiến tại các phái bộ.

Nhìn lại hoạt động gìn giữ hòa bình năm 2022, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đánh giá có 3 dấu ấn mà lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc của Việt Nam để lại trong năm. Thứ nhất là lần đầu tiên lực lượng Quân đội và lực lượng Công an có những loại hình mới để tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, trong đó đối với Quân đội là lực lượng Công binh, với Công an là các sỹ quan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan (Phái bộ UNMISS).

Thứ hai, theo Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, là hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của cả Quân đội và Công an đã được được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, quần chúng nhân dân, dư luận xã hội hết sức quan tâm, cho thấy đây tuy là một lĩnh vực có thời gian triển khai chưa dài nhưng đạt hiệu quả rất tích cực. Ấn tượng thứ ba là những đóng góp của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam đã được lãnh đạo Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là chỉ huy các phái bộ đặc biệt ghi nhận, đánh giá cao.

Góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình

Có thể nói, Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc không phải dài so với các quốc gia trong khu vực. Khi chúng ta chính thức tham gia năm 2014 chỉ còn ba quốc gia trong khu vực ASEAN chưa cử lực lượng tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là Việt Nam, Lào và Myanmar. Đến nay, chúng ta đã có hơn 8 năm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, song Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm của mình, đồng thời có những đóng góp thiết thực, hiệu quả.

Được Đảng, Nhà nước lựa chọn là lực lượng tiên phong, đi đầu trong lĩnh vực rất nhạy cảm, có tính tác chiến cao nhưng có ảnh hưởng đến đối ngoại, đến tính nhạy cảm quốc tế rất lớn này, Quân đội đã thành công khi cử các lực lượng kể cả cá nhân và đơn vị đi làm nhiệm vụ. Hơn nữa, việc Quốc hội chủ trương mở rộng các lực lượng, mở rộng địa bàn tham gia của Việt Nam vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là chủ trương rất đúng đắn, phù hợp với đường lối đối ngoại hội nhập sâu rộng của Đảng.

Theo lộ trình được Bộ Chính trị phê duyệt năm 2013, Quân đội, Công an cũng như các lực lượng dân sự khác sẵn sàng tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Việc lực lượng Quân đội và Công an chúng ta cùng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc khẳng định rằng đây là nhiệm vụ chung của đất nước, qua đó thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, đồng thời nhằm quảng bá về hình ảnh của lực lượng Quân đội, Công an hay của công dân Việt Nam ủng hộ cho mục tiêu của Liên hợp quốc, cho sự hòa bình, ổn định của thế giới.

Tiếp nối những dấu ấn nổi bật trong năm 2022, trong năm 2023, chúng ra nghiên cứu mở rộng và triển khai một số vị trí chỉ huy; vị trí hỗ trợ tốt cho lực lượng của Việt Nam tại các phái bộ. Chúng ra đồng thời chuẩn bị tốt nhất cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 và Đội Công binh số 2 cũng như các sỹ quan hoạt động độc lập đi luân phiên, thay thế theo đúng kế hoạch; thành lập Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 và Đội Công binh số 3 để chuẩn bị, huấn luyện, triển khai luân phiên thay thế.

Mới đây nhất, ngày 27-12, Bộ Quốc phòng tổ chức lễ ra mắt Đội Công binh số 2. Đội Công binh số 2 gồm 203 thành viên, trong đó có 22 nữ quân nhân, dự kiến sẽ triển khai đến phái bộ UNISFA tại Abyei vào giữa năm 2023 để thay thế đội Công binh số 1.

Có thể khẳng định, việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta cả trong đối ngoại và hợp tác quốc tế, phù hợp với khát vọng và truyền thống hòa hiếu ngàn đời của dân tộc ta. Sự tham gia của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam tại các phái bộ của Liên hợp quốc góp phần hiện thực hóa các cam kết chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam với vai trò là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề quốc tế, duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Qua đó, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của đất nước, của Quân đội, Công an và các lực lượng khác trên trường quốc tế; thúc đẩy hợp tác quốc phòng - an ninh giữa Việt Nam với các nước; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bằng các biện pháp hòa bình trong thời bình.