Những chính sách quan trọng nổi bật về thuế, phí, lệ phí sắp có hiệu lực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước, thay đổi quy định về kỳ xét ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô… cùng nhiều quy định quan trọng về phí, lệ phí sẽ có hiệu lực từ tháng 12-2021.

Nghị định 103/2021/NĐ-CP về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nêu rõ, từ 1/12/2021 đến hết 31/5/2022, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước như sau:

Mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định 20/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ, các Nghị quyết hiện hành của HĐND hoặc Quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Ví dụ, theo Nghị định 20/2019/NĐ-CP mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống là 10%, nếu được giảm 50% thì mức thu lệ phí trước bạ sẽ giảm còn 5%.

Giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước từ 1-12

Giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước từ 1-12

Nghị định 101/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 57/2020 về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu, ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Theo đó, từ 31/12 cho phép doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô sử dụng nhiên liệu xăng, dầu lựa chọn kỳ xét ưu đãi thuế 6 tháng hoặc 12 tháng. Cụ thể kỳ xét ưu đãi thuế 6 tháng tính từ 1/1-30/6 hoặc từ 1/7-31/12 hàng năm.

Trường hợp doanh nghiệp lựa chọn kỳ xét ưu đãi thuế 6 tháng, đã được xử lý tiền thuế nộp thừa đối trong kỳ 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm không đạt điều kiện sản lượng theo quy định nhưng tổng sản lượng của cả năm đáp ứng điều kiện về sản lượng của kỳ xét ưu đãi thuế 12 tháng thì vẫn được xét ưu đãi thuế cho kỳ 6 tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp được xử lý số thuế nộp thừa đối với số linh kiện đã sử dụng trong kỳ nếu đáp ứng quy định tại Điều 7a Nghị định 125/2017. Kỳ xét ưu đãi thuế 12 tháng tính từ 1/1-31/12 hàng năm.

Thông tư 91/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 191/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản và lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản.

Theo đó, tổ chức thu phí thẩm định, đánh giá trữ lượng khoáng sản và lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản được để lại 70% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí và nộp 30% vào ngân sách Nhà nước.

Thông tư 94/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đăng kiểm an toàn kỹ thuật tàu cá, kiểm định trang thiết bị nghề cá; phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản… có hiệu lực từ 17/12.

Thông tư này đã bổ sung thêm phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thủy sản (thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đăng kiểm tàu cá) là 12,450 triệu đồng/lần; Kiểm tra phần thân vỏ tàu tính theo dung tích: 3.500 đồng/GT; Thiết bị hàng hải: 105.000 đồng/lần/hệ thống…

Ngoài ra, Thông tư 94/2021 cũng quy định về việc quản lý phí, lệ phí. Cụ thể, tổ chức thu phí là đơn vị sự nghiệp công lập được giữ lại 90% số tiền phí thu được và nộp 10% số tiền phí thu được vào ngân sách Nhà nước.