Nhớ da diết Tết cổ truyền - nỗi lòng của những người con xa xứ thời Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tết. Trong tâm thức người Việt bao đời nay, Tết mang ý nghĩa đoàn viên, sum vầy. Tết “gọi mời” những người con xa quê trở về, “gọi lại” những người bận rộn quây quần bên mâm cơm gia đình, bên những chiếc bánh chưng xanh, bên bàn trà nước nói cười râm ran chuyện xưa mới, bên những lời chúc tụng thoảng khí xuân rộn ràng... Có lẽ cũng bởi vậy nên dù đi đâu, làm gì, mỗi khi Tết đến Xuân về, hai tiếng “quê hương”, hai tiếng “gia đình” luôn là hình ảnh ngẫm ngợi trở về của biết bao người con xa xứ.

Yêu thương những tiếng quê hương, người thân

“Đại dịch Covid-19 hoành hành đã khiến cả thế giới đảo lộn và tê liệt, phá tan dự định trở về đón Tết cổ truyền dân tộc của không biết bao nhiêu người con đất Việt trong hơn 5,3 triệu kiều bào hiện đang sinh sống và làm việc ở khắp nơi trên thế giới. Có lẽ chưa năm nào, nỗi nhớ Tết, nỗi nhớ về bữa cơm gia đình có các món ăn truyền thống như thịt gà, nem rán, bánh chưng, dưa hành, nước tắm mùi xả, hương nhu..., và đặc biệt là nỗi nhớ da diết quê nhà, gia đình… trong những người con Việt xa xứ lại đau đáu đến vậy bởi có nhớ cũng không thể làm gì. Thậm chí, ở xứ người, nhiều người Việt thậm chí chẳng có thể tụ họp với gia đình của mình để sum vầy đón Tết cổ truyền chỉ vì đại dịch Covid-19.

Đối với những Việt kiều như chúng tôi, ngày Tết cổ truyền của dân tộc vẫn luôn là một dịp hết sức quan trọng và dù có ở nơi đâu, tôi tin các người con Việt Nam vẫn luôn hướng về Tổ quốc, hướng về người thân và gia đình trong giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Tôi rất mong đại dịch Covid-19 sẽ sớm được kiểm soát và bà con Việt kiều lại có thể bay về Việt Nam thăm gia đình. Mỗi khi Tết đến Xuân về, hai tiếng “quê hương”, hai tiếng “gia đình” lại da diết cất lên nỗi nhớ. Gửi tình yêu thương vô hạn đến gia đình, người thân, bạn bè và đông đảo người dân trong nước từ những người con xa quê”.

Chị Đoan Trang (Auckland, New Zealand)

Chuẩn bị một cái Tết đầm ấm để vơi đi nỗi nhớ nhà

“Đối với tôi, Tết năm nay rất đặc biệt. Mặc dù là nhiệm kỳ thứ hai đi công tác thường trú tại Hàn Quốc và là lần thứ 5 đón xuân tại xứ sở Kim Chi, song lần này là nhiệm kỳ đầu tiên phải “sống chung” với đại dịch Covid-19. Điều may mắn là ở Hàn Quốc bây giờ là các nguyên liệu chuẩn bị cho Tết cổ truyền Việt Nam đã được phổ biến ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, cần gì cũng có thể mua được qua mạng. Cộng đồng người Việt tại đây cũng đã có thêm các dịch vụ cung cấp các món ăn mang đậm hương vị quê nhà như bánh chưng, giò, chả, nem, các loại mứt…, may mắn là không thiếu thứ gì.

Thông thường vào dịp cuối năm, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc sẽ phối hợp Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức Tết Cộng đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, mọi hoạt động tập trung đông người đều đã phải hủy bỏ. Với cá nhân tôi, điều may mắn là có cả gia đình nhỏ bên cạnh nên phần nào cũng đỡ nhớ quê nhà, người thân hơn nhiều người khác vào dịp Tết đến, Xuân về. Cũng như các Tết trước đây ở Hàn Quốc, tôi sẽ mua nguyên liệu về làm giò, gói bánh chưng, làm các món ăn truyền thống khác… để có một cái Tết thật đầm ấm để vơi đi nỗi nhớ nhà. Covid-19 nên tôi sẽ đón một mùa xuân mới trực tuyến với bố mẹ, bạn bè và người thân ở Việt Nam. Điều thú vị nữa là do chênh lệch múi giờ nên Hàn Quốc sẽ đón năm mới trước Việt Nam 2 tiếng và tôi sẽ được đón Giao thừa 2 lần”.

Anh Nguyên (Phóng viên Thông Tấn xã Việt Nam tại Seoul, Hàn Quốc)

Tự ru lòng mình ngày mai, tất cả sẽ trở lại bình thường

“Những năm trở lại đây, số lượng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản đã tăng lên rất nhanh, đi kèm với nó là sự nở rộ các dịch vụ kinh doanh phục vụ người Việt, nên cái Tết của người Việt ở đây cũng đầy đủ và không thiếu giò, chả, bánh chưng xanh... Cái thiếu chính là cây nêu, là không khí lập xuân se lạnh, sự nhộn nhịp hối hả tất bật của những ngày cuối năm, là không khí gia đình ấm áp quây quần.

Chỉ có thể tự ru lòng mình bằng vài món ăn tự chuẩn bị, rồi lại hối hả bước vào nhịp sống bận rộn đi học, đi làm trong cái rét tê tái của mùa đông. Hàng năm khi gọi điện thoại hay nhắn tin chúc Tết người thân giờ nghỉ trưa, tôi hay chụp hình mâm cơm công ty rồi trêu đùa mọi người rằng đây là “cơm mùng 1 Tết” như một thói quen vui vẻ để xua đi chút ngậm ngùi của cảm giác nhớ nhà. Người Việt cũng hay có truyền thống tụ tập cuối tuần để cùng nhau đón năm mới, vì cuộc sống xa xứ đã gắn bó chúng tôi như đại gia đình, nhưng năm Covid-19 khiến chúng tôi phải thận trọng hơn. Tâm trạng của các anh chị em năm nay cũng có nhiều xao động, đa phần là có chút buồn và lo lắng, chúng tôi đều hiểu rằng rất khó để có thể được trở về quê hương sớm.

Tết với chúng tôi, nay chính là một cột mốc thời gian tượng trưng của khởi đầu mới, giúp chúng tôi thắp lên niềm hy vọng nho nhỏ rằng ngày mai, tất cả sẽ lại trở lại bình thường”.

Chị Châu (Tỉnh Ibaraki, Nhật Bản)

Tết năm nay buồn lắm vì nhớ Việt Nam!

“Đối với tôi, Tết năm nay buồn lắm! Năm ngoái, vì mang thai nên tôi không thể về quê để đón Tết, tính năm nay, cả nhà sẽ cùng về ăn một cái Tết tại quê nhà thật vui cho thỏa nỗi nhớ mong. Thế mà, dịch Covid-19 ập đến, khiến các chuyến bay thương mại từ Mỹ về Việt Nam đều bị ngừng lại và thậm chí còn không biết bao giờ mới hoạt động trở lại. Năm ngoái, tôi đã “ôm” cái tivi xem hết các kênh YouTube có đăng tải các nội dung về Tết Nguyên đán và khóc tu tu cả buổi. Năm nay, chắc cũng vậy...

Tết năm nay, tôi dự định sẽ lên mạng để đón Giao thừa cùng múi giờ với Việt Nam thông qua các kênh YouTube trực tuyến. Còn mấy ngày trước Tết, tôi sẽ cùng mẹ chuẩn bị bánh chưng, bánh tét và các món mứt cổ truyền… để vơi đi nỗi nhớ Việt Nam. Được cái ở Mỹ, đốt pháo được cho phép nên năm nay, gia đình tôi dự định kiếm một bánh pháo thật dài, thật đỏ để đốt vào thời khắc Giao thừa để nhớ lại không khí Tết cổ truyền. Nhân đây, tôi xin cảm ơn các Youtuber đã chịu khó đi khắp phố phường Việt Nam để quay lại các cảnh ngày Tết cho những người con xa xứ như tôi xem để vơi đi phần nào nỗi nhớ nhung quê hương đến quay quắt”.

Chị Nancy Kiều (Bang California, Mỹ)

Mong Tết xứ người qua thật nhanh để ngưng nỗi nhớ

“Đối với tôi, một người con xa xứ đang sống tại Hồng Kông, Trung Quốc, Tết ở nơi xứ người rất buồn vì nỗi nhớ gia đình, nhớ Tết ở quê nhà quá lớn. Năm nay, chắc chắn, Tết với tôi còn chán nản hơn vì không được về nhà, trong khi tại Hồng Kông, mọi nơi vui chơi, nhà hàng ăn uống, quán bar đều buộc phải đóng cửa từ 18h, áp dụng từ đầu tháng 12-2020 và chắc chắn đến Tết cổ truyền vẫn còn hiệu lực. Muốn đi ăn ở ngoài thì bị giới hạn không quá 2 người. Nói chung là tôi không hy vọng Tết năm nay ở xứ người sẽ vui vẻ, thoải mái.

Tuy nhiên, ở Hồng Kông, những chị em phụ nữ chúng tôi vẫn đặt may áo dài truyền thống cho trẻ con từ Việt Nam rồi gửi sang. Chúng tôi dự định mấy ngày Tết, mấy gia đình Việt Nam sẽ tụ tập ở một nhà của gia đình nào đó nếu dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và không bị áp dụng lệnh cấm tụ tập đông người để quây quần ăn uống đón Tết, cho trẻ con gặp nhau chơi và nói chuyện ngày Tết. Thôi thì, cũng may Tết ở Hồng Kông cũng ngắn, chỉ 3 ngày thôi, nên mong nó sẽ qua thật nhanh để ngưng nỗi nhớ quê nhà”.

Chị Phạm Thanh Hoa (Hồng Kông, Trung Quốc)